Mỏ thiếc Tĩnh Túc thuộc tỉnh Cao Bằng là nơi đặt nền móng cho ngành khai khoáng kim loại màu Việt Nam, từng có quy mô lớn nhất Đông – Nam Á, trở thành một biểu tượng của tinh thần hữu nghị Việt – Xô.
Ngày 15-9-1958, hàng nghìn công nhân mỏ hân hoan chào đón Bác Hồ về thăm mỏ. Khi đoàn xe của Bác dừng bánh, ai cũng nghĩ là Bác ở trong chiếc xe đầu tiên, nhưng Người bước xuống từ chiếc xe cuối cùng. Bác tươi cười vẫy tay chào mọi người rồi vào thăm nơi ở và làm việc của các chuyên gia Liên Xô đang giúp ta xây dựng và khai thác mỏ. Nơi đón tiếp Bác ở khu chuyên gia đã để sẵn một ít ghế, nhưng Bác không ngồi ghế mà có ý ngồi xuống đất.
Anh Nguyễn Tiến Tác, phụ trách bổ túc văn hóa của mỏ thấy vậy liền rút chiếc dép của mình để Bác ngồi. Bác nói: “Bác tự lực được” rồi tháo đôi dép đang đi để ngồi. Thấy vậy, các chuyên gia Liên Xô đều ngồi xuống quanh Bác. Bác hỏi thăm tình hình gia đình và sức khỏe của các đồng chí chuyên gia, cảm ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam. Sau cuộc trò chuyện thân tình, ấm áp với các chuyên gia Liên Xô, Bác đến thăm khu bếp ăn tập thể. Bác hỏi đồng chí quản lý bếp ăn:
– Cháu cho cán bộ, công nhân viên ở đây ăn gì?
– Thưa Bác, ăn rau ạ.
– Ngoài ra còn gì nữa?
– Dạ, còn có thịt, đôi khi có cả cá.
Bác hỏi tiếp: – Rau mua ở đâu?
– Dạ, chúng cháu mua ở Hà Nội và Thái Nguyên.
– Ngoài rau, thịt, cá, còn có gì nữa?
– Dạ, còn có cơm ạ! – Gạo nấu cơm ở đâu, cho Bác xem?
Ngay sau đó, Bác cùng đồng chí quản lý bếp ăn vào kho xem gạo. Thấy gạo mốc, Người tỏ ý không hài lòng:
– Ai cung cấp gạo cho các cháu?
– Dạ, Ty Lương thực Cao Bằng.
Bác đi thăm khu khai thác, nhà tuyển quặng, lò luyện thiếc, đến nơi nào cũng thăm hỏi đời sống công nhân, sau đó mới làm việc với ban lãnh đạo mỏ. Sáng hôm sau, gần hai nghìn cán bộ, công nhân viên của mỏ tập trung trước khu vực khai thác để nghe Bác nói chuyện. Bác nói: – Hôm qua, Bác đã nhìn thấy gạo nấu cơm cho các cháu là gạo hẩm và mốc, như vậy là không được. Bác sẽ điện cho Ty Lương thực Cao Bằng cấp gạo ngon cho các cháu. Nhưng Bác cũng mong các cháu thông cảm, số gạo này còn lưu lại trước hòa bình mà tỉnh Cao Bằng còn tồn kho, các cháu có đồng ý không?
– Dạ, đồng ý ạ! – Mọi người đồng thanh.
Bác hỏi tiếp: – Tại sao các cháu lại phải về Hà Nội, Thái Nguyên mua rau?
– Dạ, ở mỏ chỉ có đá mà không có đất ạ! – Có người trả lời.
Bác nói ngay: – Việc này giao cho Công đoàn mỏ phải tự túc rau bằng cách mỗi cán bộ công nhân viên phải tự lực tăng gia, giao mỗi người khoảng 2 đến 3m2 đất, nhặt hết đá, sỏi ra, chịu khó lấy đất tốt ở nơi khác đổ vào là sẽ có đất, sẽ trồng được rau ăn. Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Trao đổi về nhiệm vụ sản xuất của mỏ, Bác dặn: – Hôm qua, Bác làm việc với ban lãnh đạo mỏ, được biết kế hoạch năm 1958 sẽ không thể hoàn thành và xin Chính phủ giảm bớt 20 tấn, còn lại 80 tấn mới có thể hoàn thành được. Việc xin hạ định mức kế hoạch, Bác thấy không ổn, vì kế hoạch sản xuất là kế hoạch phát triển kinh tế của cả nước, không những không được hạ kế hoạch mà các cháu phải tăng năng suất, vượt mức kế hoạch Nhà nước giao. Bác lấy thí dụ kế hoạch trên giao là đáy phễu, các cháu phải thực hiện ở miệng phễu. Có thực hiện như thế mới đúng theo đường lối xã hội chủ nghĩa là tăng năng suất lao động để xây dựng xã hội chủ nghĩa. Năm nay, Nhà nước giao kế hoạch cho mỏ là 100 tấn thì cuối năm các cháu phải báo cáo với Bác là 120 tấn, thì Bác và Chính phủ mới vui.
Đồng chí Nguyễn Đình Toại, Giám đốc mỏ đứng lên hứa với Bác: – Thưa Bác, cháu xin đại diện cho toàn thể cán bộ công nhân viên của mỏ xin hứa với Bác sẽ hoàn thành vượt mức 100 tấn mà Nhà nước giao.
Bác nói ngay với đồng chí Toại: – Chú chỉ đại diện cho chú thôi, chứ không thể đại diện cho toàn thể cán bộ công nhân viên ở đây mà phải tất cả cán bộ công nhân viên ở đây cùng nhất tề hứa với Bác mới được.
Cả rừng người cùng hô vang: “Chúng cháu xin hứa với Bác sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao, xin hứa!”.
Năm đó, mỏ thiếc Tĩnh Túc đã sản xuất được 120 tấn thiếc, vượt mức kế hoạch 20%. Nhớ lời căn dặn của Bác, Công đoàn mỏ đã phát động phong trào trồng rau. Chỉ một thời gian ngắn, cả mỏ thiếc được phủ màu xanh của các loại rau, đủ cung cấp cho cả bếp ăn. Nhà bếp không còn phải về tận Hà Nội và Thái Nguyên để mua rau nữa.
Chuyến thăm của Bác Hồ đến mỏ thiếc Tĩnh Túc để lại ấn tượng sâu đậm cho các thế hệ cán bộ, công nhân của mỏ, đó là phong cách giản dị, sâu sát, cụ thể và khoa học.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-ve-vung-mo-them-xanh-201808051012226994.htm” button=”Theo vinacomin”]