Sáng 11/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương trong lĩnh vực công thương từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng cho đến nay, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo một số Ban, Bộ ngành cơ quan Trung ương.
Báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đều đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đạt được sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách.
Ngành Công Thương đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ được giao, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Trong đó nổi bật là công nghiệp tăng trưởng mạnh, 6 tháng đầu năm nay đạt 10,5%. Xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2017. Công tác quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng được tổ chức triển khai bài bản và hiệu quả, nhiều điểm nóng được giải quyết, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Bộ đã cắt giảm 55% các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung xử lý, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Quá trình thoái vốn, cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước được đẩy nhanh, trong đó đã cổ phần hóa thành công Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn, thu về cho ngân sách nhà nước 110.000 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Bộ Công Thương là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm nhiều ngành và lĩnh vực rộng lớn, rất quan trọng và phức tạp. Trong 4 trụ cột của đất nước là nông – công – thương – trí thì Bộ Công Thương quản lý đến 2 trụ cột.
Trong hơn 30 năm đổi mới, ngành Công Thương đã liên tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước. Công nghiệp, thương mại và dịch vụ đã đóng góp hơn 80% GDP, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước.
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngành Công Thương với nhiều loại hình sở hữu đan xen đã phát triển nhanh chóng cả về quy mô, số lượng lẫn chất lượng, ở cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được chủ động, tích cực đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Phân tích những khó khăn, thách thức, trong đó có những khó khăn riêng có của ngành Công Thương, đặc biệt là Ban cán sự Đảng nhiệm kỳ khóa XI và một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ bị xử lý kỷ luật do những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên; nhiều tồn tại, yếu kém của nhiệm kỳ trước được phát hiện và phải tập trung ưu tiên xử lý, khắc phục hậu quả…, Tổng Bí thư nhấn mạnh, những kết quả mà ngành Công Thương đạt được kể từ sau Đại hội XII của Đảng là rất đáng mừng và có ý nghĩa quan trọng.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu ngành Công Thương không được chủ quan, thỏa mãn, vì trước mắt, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Ngành cần phải nỗ lực hơn nữa để giữ cho được đà phát triển hiện nay và tiếp tục phát triển tiến lên.
Đồng tình với những phương hướng, nhiệm vụ được nêu trong báo cáo, Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Công Thương nắm thật vững những đường lối, quan điểm, chủ trương có tính chiến lược của Đảng về lĩnh vực Công Thương.
Theo Tổng Bí thư, đây không phải là vấn đề xa vời, trìu tượng, mà là những vấn đề rất cơ bản và quan trọng. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi thật sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới, để không chệch choạc về đường lối, không bị động, bất ngờ về tình huống, vững vàng về tư tưởng, phải lường trước và dự báo được tình hình trong nước và thế giới để chủ động tham mưu đề xuất cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Nêu yêu cầu phải nắm chắc, xử lý tốt các mối quan hệ lớn như giữa hội nhập quốc tế với độc lập tự chủ, quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, quan hệ giữa ổn định và phát triển…, Tổng Bí thư chỉ rõ, đối với ngành Công Thương, đây là những vấn đề cơ bản, tác động trực tiếp hàng ngày, Bộ cần phải tập trung nghiên cứu để làm tốt.
Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Công Thương quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách. Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Cảnh báo tình trạng chán Đảng, nhạt Đoàn, khô chính trị, Tổng Bí thư cho rằng, vẫn có một số Bộ ngành, địa phương coi thường hoặc không hiểu hết ý nghĩa của công tác xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng không phải chỉ là học Nghị quyết, không phải là thứ ở đâu, xa vời, mà xây dựng Đảng chính là xây dựng tổ chức, con người và cơ chế để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ trung tâm.
Tổ chức phải mạnh, đồng tâm nhất trí. Đội ngũ cán bộ phải ngay ngắn. Thực tế thời gian qua cho thấy, làm tốt công tác xây dựng Đảng sẽ làm tốt công tác chuyên môn.
Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng, với đà phát triển hiện nay, với kinh nghiệm đã có, Bộ Công Thương sẽ không cam chịu bằng lòng với kết quả đạt được, vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng với Bộ quản lý 2 trụ cột trong 4 trụ cột của đất nước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tong-bi-thu-nganh-cong-thuong-khong-duoc-chu-quan-thoa-man-201808051115340422.htm” button=”Theo vinacomin”]