Vụ giải cứu đội bóng thiếu niên “lợn hoang” Thái Lan thành công như sự thần kỳ đang làm nức lòng dư luận thế giới. Cũng giống như vụ giải thoát 33 thợ mỏ Chi Lê bị mắc kẹt ở độ sâu 700 mét, xảy ra hổi tháng 10/2010, giới truyền thông lại hết lòng ca ngợi tinh thần dũng cảm, trình độ tổ chức… của những người lính cứu hộ.
Phóng viên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam là những người luôn có mặt trong các vụ cứu hộ, cứu nạn hầm lò và đã kịp thời đưa thông tin hình ảnh hữu ích trên tờ tạp chí của mình.
Tôi nguyên là phóng viên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam. Khi dõi theo vụ cứu hộ đội bóng đá “Lợn Hoang” của Thái Lan, tôi chợt nghĩ đến những người lính cứu hộ của thợ mỏ ngành Than Việt Nam (TVN).
Có lẽ, nhân dân cả nước ít biết rằng, những vụ sập hầm mỏ ở TVN cũng vô cùng nguy hiểm và lính cứu hộ của TVN cũng rất dũng cảm, mưu trí. Thế nhưng, lâu nay, dường như dư luận cả nước không mấy quan tâm; những người lính cứu hộ TVN chưa được tôn vinh thỏa đáng.
Vẫn biết, so sánh những vụ cứu hộ hầm lò trong ngành Than với vụ cứu hộ đội bóng “Lợn Hoang” là khập khiễng. Tuy nhiên, chúng tôi muốn cung cấp tới bạn đọc một số thông tin để bạn đọc có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn. Ở ngành Than, có nhiều vụ sự cố khiến hàng chục người bị kẹt trong hầm sâu (có vụ, 40 người bị kẹt). Họ bị kẹt trong khoảng không gian chật hẹp, tăm tối, thiếu nước, thiếu khí thở, nguy cơ phát sinh khí độc lớn và áp lực đất đá lớn. Nếu không khẩn trương tìm kiếm, cứu họ thì họ sẽ chết do khát, do đói, do khí độc, do đất đá vùi lấp. Trong điều kiện ấy, việc tìm kiếm những người thợ mỏ bị kẹt trong hầm lò vô cùng nguy hiểm. Thế nhưng, bất chấp nguy hiểm, lực lượng cứu hộ ngành TVN vẫn vào lò, kiểm tra tình hình, lập biện pháp tìm kiếm, ứng cứu. Nhiều thợ mỏ đã tình nguyện vào vùng nguy hiểm và sẵn sàng hi sinh vì đồng đội. Chỉ tính những năm gần đây, TKV đã có nhiều cán bộ, công nhân dũng cảm hi sinh khi xông vào nơi nguy hiểm để cứu đồng đội. Đó là Kỹ sư Trần Văn Thản, ở Trung tâm Cấp cứu mỏ; là Kỹ sư Đặng Ngọc Ký, Phó Giám đốc Công ty than Khe Chàm; là anh Nguyễn Văn Sửu, Phó Quản đốc PX khai thác 3, Công ty than Đồng Vông… Ngay cả ông Nguyễn Văn Huyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ, cũng từng bị tai nạn suýt chết trong một vụ cứu hộ.
Khi sự cố xảy ra, lực lượng cứu hộ phải triển khai đội hình với nhiều binh chủng, nào đo khí, đo gió, đào lò, cơ điện, bơm nước, phòng cháy, thông tin liên lạc, y tế, tiếp tế thực phẩm… Phương tiện cấp cứu cho từng binh chủng nhiều loại, trong đó, lực lượng vào lò lỉnh kỉnh nào bình tự cứu, máy thở, máy đo khí… Với lực lượng đông, nhiều binh chủng, thời gian cấp cứu yêu cầu khẩn trương và lực lượng cứu hộ thợ mỏ Việt Nam đã tổ chức, triển khai đội hình rất nhanh, khoa học, nhịp nhàng, thể hiện trình độ tinh nhuệ, sáng tạo không kém ai. Đã có những vụ cứu hộ hầm lò ở TVN diễn ra trong nhiều ngày, vô cùng gay cấn, khiến thợ mỏ và nhân dân vùng Mỏ lo lắng hồi hộp, căng thẳng không kém vụ cứu hộ “Lợn Hoang”.
Với tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hi sinh để cứu đồng đội và trình độ tinh nhuệ trong tổ chức cứu hộ, chỉ tính những năm gần đây, lực lượng cứu hộ ngành TVN đã cứu sống hàng trăm người; điển hình là vụ cứu hộ ở Mông Dương, năm 2006, đã cứu được 17 người; vụ sự cố ở Khe Tam, cứu được 7 người…
Nhiều người trong ngành Than khẳng định, hành động của thợ mỏ Việt Nam trong các vụ cứu hộ như những anh hùng! Khi viết những dòng này, tôi chợt nghĩ, nếu những hành động anh hùng ấy được tôn vinh xứng đáng hơn nữa, chắc chắn thợ mỏ Việt Nam sẽ không quản ngại hi sinh, tiếp tục hiến dâng cả trái tim cho tổ quốc mẹ hiền.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-vu-giai-cuu-lon-hoang-nghi-ve-linh-cuu-ho-nganh-than-201808052205546435.htm” button=”Theo vinacomin”]