“Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về các vấn đề môi trường, kỹ thuật, an toàn… của Dự án. Chắc chắn, với tinh thần làm việc hiện tại, chúng tôi sẽ phấn đấu cán đích sản xuất 670.000 tấn alumina quy đổi trong năm 2018 này” là lời khẳng định chắc nịch của Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV (LDA) Vũ Minh Thành. Điều này càng thêm ý nghĩa khi Công ty đang nước rút hoàn thành kế hoạch năm, đồng thời kỷ niệm 8 năm Ngày thành lập và phát triển (1/10/2010 – 1/10/2018).
Chuyện những người “dò đá qua sông”
Kết thúc quý III/2018, dự kiến doanh thu alumin tăng 71% so với cùng kỳ, trong đó phần không nhỏ là đóng góp từ Nhà máy Alumin Tân Rai. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, LDA đã sản xuất 508.544 tấn alumin quy đổi, 777.564 tấn hydrat; tiêu thụ 464.202 tấn alumin; doanh thu 2.153.501 triệu đồng.
Tuy nhiên, đằng sau những “trái ngọt đầu mùa” ấy là một câu chuyện dài, là bản lĩnh, ý chí, là nỗ lực không mệt mỏi của những người “đi tiên phong”.
8 năm trước, LDA ra đời với sứ mệnh: Chuẩn bị bộ máy và các điều kiện để tiếp quản và làm chủ vận hành Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng. Từ buổi đầu đầy mới mẻ, bỡ ngỡ ấy, nói như cách mà những người gắn bó đầu tiên với Dự án, với Công ty, họ đã bước đi trong tư thế của những người “dò đá qua sông”, vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu tìm hướng đi… Con đường khắc nghiệt ấy không hề đơn giản và bằng phẳng mà đầy khó khăn, gian khổ, thử thách, có những lúc tưởng chừng như bế tắc, ngừng hoạt động, ăn lương chờ việc. Có những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, có những thất bại, vấp ngã phải trả giá và cũng có những mất mát mãi mãi không thể lấy lại được…
Trong bất cứ cuộc trao đổi nào với chúng tôi, bao giờ người lao động cũng là yếu tố được Tổng Giám đốc Công ty Vũ Minh Thành nhắc tới nhiều nhất, đặc biệt là trong những ngày đầy ý nghĩa như những ngày này. Ông bảo, hình ảnh của những người công nhân ngày đêm tận tụy, miệt mài trên khai trường, nhà máy; những nhân viên mẫn cán, miệt mài với công việc; hình ảnh những mái đầu chụm bên nhau suốt đêm để bàn tính công việc, hối hả cùng nhau xử lý những sự cố; hình ảnh những gương mặt phờ phạc, quầng mắt thâm đen vì mất ngủ, những mái tóc bạc trắng vì trăn trở, lo toan và áp lực; hình ảnh những đôi vai gầy nhỏ nhắn nhưng gánh vác đầy trọng trách công việc… là những hình ảnh tuyệt đẹp luôn in hằn trong tâm trí ông. Đó là kết tinh của tâm huyết, sáng tạo, đoàn kết và không ngừng vươn lên. Theo ông, chính những hình ảnh đáng trân trọng đó đã làm nên vinh quang, thương hiệu, văn hóa và vị thế của LDA ngày hôm nay.
“Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng sau 3 năm đi vào hoạt động (tính từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016) đã bị thua lỗ. Nguyên nhân do đội vốn đầu tư; điều chỉnh tăng công suất; thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu do thay đổi công nghệ sản xuất alumin; Nhà nước thay đổi chính sách thuế xuất khẩu alumin, thuế tài nguyên, phí môi trường, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó là các nguyên nhân khác như do trượt giá, do kinh nghiệm quản lý điều hành, năng lực thi công của nhà thầu, giá alumin, nhôm thế giới sụt giảm… Tuy nhiên, đó là lỗ trong kế hoạch, đã được tính toán từ trước. Đến cuối năm 2016, dây chuyền sản xuất của dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất giảm, giá alumin, nhôm hồi phục nên hết năm 2016, dự án đã cắt lỗ theo đúng như tính toán (với thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm). Năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, Dự án có lãi”, Tổng Giám đốc Vũ Minh Thành chia sẻ thẳng thắn.
Vì sao LDA thành công?
Trong hành trình 8 năm của LDA, có thể chia thành 4 giai đoạn: Tham gia kiến thiết cơ bản và chuẩn bị sản xuất; tiếp quản nhà máy, làm chủ công nghệ; tăng tốc, đạt và vượt công suất thiết kế; và hiện tại họ đang ở giai đoạn thứ 4 – giai đoạn tối ưu hóa SXKD và các mặt quản lý, tạo ra giá thành SXKD tối ưu nhất, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh và sức mạnh của doanh nghiệp.
Hoàn toàn làm chủ về công nghệ, cải tiến một số khâu cho phù hợp với tính chất khí hậu; giảm tiêu hao một số nguyên vật liệu chính… đã khiến giá thành sản xuất của Công ty giảm từ khoảng 5,7 triệu đồng/tấn xuống còn khoảng 4 triệu đồng/tấn… Giá thành sản xuất của Nhà máy Alumin Tân Rai cạnh tranh ngang bằng với các nhà máy alumin trên thế giới, giá hòa vốn vào khoảng 300 USD/tấn, trong khi giá alumin xuất tại Cảng Gò Dầu (Đồng Nai) dao động ở mức gần 400 USD/tấn, thậm chí cao hơn.
Công nghệ sản xuất alumin được lựa chọn theo công nghệ Bayer của châu Mỹ. Đa số các nhà máy alumin trên thế giới đều sử dụng phương pháp này. Thực tế cho thấy, công nghệ sản xuất alumin đang áp dụng là hợp lý. Trong quá trình vận hành, chất lượng sản phẩm alumin luôn đạt theo cam kết của hợp đồng và được đánh giá là tương đương với sản phẩm alumin của Úc và một số nước khác với sản phẩm alumin có hàm lượng Al2O3 đạt 98,9%, vượt so với thiết kế là 98,6%.
“Tổ hợp Bauxite – Alumin Tân Rai là một vòng tròn khép kín, quy mô và phối hợp nhịp nhàng để cho ra sản phẩm cuối cùng – alumin”, TS. Trần Xuân Hòa – nguyên Chủ tịch HĐTV TKV, người đã gắn bó với Dự án ngay từ những ngày đầu tiên – hào hứng chia sẻ. Để đảm bảo cho Nhà máy alumin vận hành với sản lượng 630.000 tấn alumin/năm, một nhà máy điện với công suất 30 MW và khối lượng hơi cao áp sản xuất là 300 tấn/giờ đã cung cấp toàn bộ điện và hơi cao áp cho quá trình gia nhiệt phục vụ sản xuất alumin. Bên cạnh đó, một nhà máy sản xuất khí hóa than với sản lượng khí gas từ 48.000 đến 55.000 Nm3/h được chuyển sang phục vụ cho quá trình nung hydrat thành alumin. Nếu như năm 2012, sản lượng alumin được sản xuất đạt gần 14.000 tấn thì đến năm 2017, sản lượng này đã đạt công suất thiết kế 630.000 tấn, dự kiến năm 2018 vượt công suất thiết kế 670.000 tấn.
Đặc biệt, công tác an toàn lao động, an toàn môi trường luôn được quan tâm hàng đầu. Tất cả các nguy cơ mất an toàn môi trường đều được xây dựng phương án ứng cứu, xây dựng các giải pháp phòng ngừa, luôn kiểm soát một cách chặt chẽ bằng nhiều tầng kiểm soát. Công ty nghiêm túc đo kiểm, đánh giá, giám sát các yếu tố môi trường, như: Bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, nước ngầm, nước thải, nước mặt, không khí… theo định kỳ. Công tác vận hành hồ bùn đỏ được thực hiện đúng theo thiết kế và quy trình được duyệt.
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở…
Với những người đứng đầu LDA, làm được những gì cho cuộc sống bà con địa phương tốt lên, an sinh xã hội nâng cao là sự tri ân thiết thực nhất với mảnh đất mình đứng chân.
Hàng năm, ngân sách mà LDA đóng góp cho địa phương không ngừng tăng. 8 năm từ khi thành lập, tổng ngân sách Công ty đóng góp cho địa phương gồm thuế tài nguyên, phí môi trường và thuế phí khác là trên 1.000 tỷ đồng. Ngay từ đầu triển khai, dự án đã tổ chức quy hoạch khu tái định cư và tái định canh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khu tái định cư thuộc thị trấn Lộc Thắng với diện tích 48,6 ha đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dự án. Tại khu tái định cư này, 34 căn nhà đã được xây tặng cho bà con dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Nhiều chục tỷ đồng đã được Công ty trích ra hỗ trợ đầu tư, lắp đặt đường nước máy, mua đất xây dựng nhà sinh hoạt cho các tổ dân phố, xây dựng hệ thống mương thoát nước và đèn chiếu sáng 2 bên đường…
Ngoài ra, tại các huyện, xã thuộc vùng dự án Tân Rai, Công ty đã đầu tư xây dựng 4 trường học (từ mẫu giáo đến trung học cơ sở), làm đường vào Khu Trung tâm Giáo dục của huyện Bảo Lâm và Trường phổ thông Dân tộc nội trú Bảo Lâm. Hỗ trợ kinh phí giúp đỡ các địa phương khác của tỉnh phát triển kinh tế để thoát nghèo, như: Hỗ trợ xây dựng 13 trường học, 5 trạm y tế, xóa 20 nhà dột nát, xây dựng 1 chợ và ủng hộ Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ đào tạo nghề, từ thiện khác… Tổng kinh phí cho các hoạt động an sinh xã hội tại Lâm Đồng từ khi bắt đầu dự án đến nay là trên 263,5 tỷ đồng, chưa kể số tiền hỗ trợ cải tạo Tỉnh lộ 725 (đi qua tỉnh Lâm Đồng với tổng giá trị là 177 tỷ đồng).
8 năm thành lập, 6 năm bắt đầu cho ra sản phẩm alumin, 5 năm chính thức vận hành thương mại, Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng đã trải qua nhiều khó khăn thử thách. Tuy nhiên, với quyết tâm “làm cho được và làm cho có hiệu quả” của tập thể cán bộ và công nhân trong Tổ hợp, trên nền tảng vững chắc đã tạo dựng được, họ đã và đang tiếp tục kề vai, sát cánh bên nhau thực hiện lộ trình tiến về phía trước là cường hóa, nâng công suất nhà máy lên mức 750.000 – 800.000 tấn alumina quy đổi, hướng tới tầm nhìn chiến lược: “Trở thành doanh nghiệp sản xuất alumina dẫn đầu Việt Nam – Có thương hiệu, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường alumina Thế giới”. Với một niềm tin mãnh liệt, bản lĩnh vững vàng và tình yêu tha thiết với công việc, với mảnh đất đứng chân, không gì có thể khiến họ dừng bước.
Tôi đánh giá cao tinh thần đoàn kết, tập trung phát huy trí tuệ, tinh thần kỷ luật và sáng tạo của tập thể công ty trong những năm qua. Nhôm Lâm Đồng là một trong hai đơn vị tiên phong trong hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh bauxite và alumin của cả nước. Đây là những dự án lớn có tác động đến nền kinh tế của cả nước và khu vực Tây Nguyên, góp phần giảm nhập siêu, thúc đẩy phát triển kinh tế”.
– Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng-
Địa phương đánh giá cao tính hiệu quả của Dự án về mặt xã hội. Không những đảm bảo việc làm ổn định cho khoảng 1.700 lao động, Dự án còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của địa phương và các ngành nghề kinh tế khác có liên quan phục vụ cho quá trình sản xuất và tiêu thụ Alumin”.
-Ông Trần Ngọc Liêm – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng-
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/8-nam-trai-ngot-dau-mua-201810220954440742.htm” button=”Theo vinacomin”]