Mái ngói ngôi biệt thự cổ nổi bật giữa màu xanh của tán cây. Ảnh: Hà Nguyễn
Biệt thự bị bỏ hoang
Khuất sau những tán dừa nước, mái ngói sẫm màu thời gian của căn biệt thự cổ kính thu hút ánh nhìn khách tham quan khi đến xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Căn biệt thự nằm biệt lập trong khuôn viên bị ngăn cách, bao bọc bởi cây dại, đất ngập nước. Trông từ xa, khách chỉ nhìn thấy tầng trên của căn biệt thự, với mái ngói nâu đỏ, vượt khỏi màu xanh lá cây.
Khi đi xuyên qua căn nhà tạm của bà Huỳnh Thị Nga (SN 1968, ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây), biệt thự cổ hiện ra với đầy đủ vẻ đẹp kiến trúc vốn có. Biệt thự được xây dựng trên khu đất rộng với kiến trúc kiểu Pháp gồm 1 trệt, 1 tầng lầu.
Dù đã trải qua sương gió hơn trăm năm nhưng mái ngói đỏ của căn biệt thự vẫn còn gần như nguyên vẹn. Ảnh: Hà Nguyễn
Cửa chính biệt thự có mái che, nhô ra phần sân nhà với 2 lối ra, vào ở 2 bên. Trước cửa chính là hệ thống cột, mái vòm được trang trí bằng hoa văn mềm mại, đẹp mắt.
Hiện nay, cửa chính của biệt thự bị cây dại phủ kín. Một bên cửa chính còn bị rễ cây bao trọn.
Được xây dựng theo lối kiến trúc của Pháp, căn biệt thự có nhiều cửa sổ hình chữ nhật, bao quanh 4 mặt.
Nóc mái được trang trí bằng hàng hoa văn sắt thép mĩ thuật. Ảnh: Hà Nguyễn
Những ô cửa sổ mang đậm dấu ấn kiến trúc châu Âu vừa tạo điểm nhấn, vừa đem đến vẻ đẹp thơ mộng cho căn biệt thự. Tuy vậy, các cửa sổ của biệt thự nay chỉ còn phần khung.
Bên trong biệt thự đã xuống cấp trầm trọng. Nền gạch vỡ nát, các mảng tường bong tróc, mọc đầy rêu, đôi chỗ nứt toác, thủng từng mảng chực chờ đổ sập.
Biệt thự cổ có kiến trúc kiểu Pháp đang bị hư hại nặng. Ảnh: Hà Nguyễn
Một số cột trong biệt thự gãy đổ, chỉ trơ lại phần đế được trang trí đẹp mắt. Nhiều vách tường ngăn cách giữa các phòng bị phá vỡ hoặc đổ sập nham nhở.
Hệ thống cầu thang dẫn lên tầng trên cũng không còn. Tuy vậy, biệt thự vẫn giữ được các bào chỉ tường, phù điêu, hoa văn đắp nổi tinh xảo, công phu trên trần, mái vòm, một số mảng tường…
Cửa chính căn biệt thự bị cây dại bao phủ. Ảnh: Hà Nguyễn
Không gian sống của đốc phủ sứ
Từ khi sinh ra, bà Nga đã thấy căn biệt thự lộng lẫy cao vượt khỏi những ngôi nhà lá lụp xụp ở địa phương. Bà thường được người lớn cho biết đây là nơi ở của ông đốc phủ sứ Nguyễn Khắc Cần hay còn gọi là lầu ông phủ.
Tuy vậy, bà ly hương từ nhỏ nên không biết gia thế của chủ nhân căn biệt thự ra sao. Sau này, khi đã bươn chải nhiều tỉnh thành, quay lại quê cũ, bà bất ngờ khi thấy căn biệt thự hoang phế, xuống cấp.
Bên trên các cửa vòm đều đắp phù điêu với họa tiết mềm mại, đậm dấu ấn nghệ thuật châu Âu. Ảnh: Hà Nguyễn
Một người nghiên cứu văn hóa, lịch sử địa phương (xin giấu tên – pv) cũng khẳng định, căn biệt thự cổ nói trên là của ông Nguyễn Khắc Cần, một đại phú hào của đất Cần Giuộc xưa.
Vị này cho biết: “Người xưa thường nói: ‘Nhất Tránh, nhì Cần, tam Thìn, tứ Cậy’ để nói về tứ đại phú hào giàu có của đất Cần Giuộc đầu thế kỷ 20.
Bên trong căn biệt thự lộ rõ dấu hiệu hư hại nặng với nền gạch vỡ nát, tường gạch bong tróc, cột gãy đổ… Ảnh: Hà Nguyễn
4 người này gồm: Hội đồng Tránh ở Tân Tập, Hội đồng Cần ở Phước Vĩnh Tây, Hội đồng Thìn ở Long Phụng và Hội đồng Cậy ở Đông Thạnh. Xét theo câu nói này, ông Cần giàu có thứ 2 ở đất Cần Giuộc xưa.
Ông Cần thường được người dân trong vùng gọi là đốc phủ. Tuy vậy, đây không phải là một chức tước thời phong kiến”.
Tại vị trí tường tiếp giáp với phào chỉ vẫn hiện diện những họa tiết, hoa văn trang trí đẹp mắt. Ảnh: Hà Nguyễn
Theo chia sẻ, dinh thự trên được gia đình ông Cần thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng và hoàn thành năm 1917. Khi hoàn thành, dinh thự có 16 phòng với đầy đủ tiện nghi. Đến nay, dinh thự này đã ngoài 100 năm tuổi.
Các bậc cao niên ở địa phương cho biết, trước đây, biệt thự của ông Nguyễn Khắc Cần nằm trong khuôn viên rộng lớn với nhiều hoa cảnh đẹp mắt. Sau khi bị bỏ hoang, kiến trúc trên dần lụi tàn, hoang phế theo thời gian.
Phù điêu trang trí hoa văn công phu, tinh xảo trên trần nhà vẫn sắc nét dù ngả màu theo thời gian. Ảnh: Hà Nguyễn
Ông Nguyễn Văn Võ, Trưởng ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc khẳng định, biệt thự cổ là dinh thự của ông Nguyễn Khắc Cần, một nhân vật có thật tại địa phương.
“Xưa kia, căn biệt thự cổ của ông Nguyễn Khắc Cần là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất của địa phương. Nhiều năm trước, căn nhà cũng được nhiều người chú ý, đoàn làm phim đến quay”, ông Võ cho biết.
Bí ẩn nhà cổ đầy cỏ dại ở Sài Gòn, chủ xây xong 3 năm mới làm được cửa chính Lọt thỏm trong khuôn viên 4 bề nhiều cỏ dại, căn nhà hơn trăm tuổi của gia tộc giàu có bậc nhất làng “tăng người giàu” tại Sài Gòn xưa từng được nhận định là một trong những nhà cổ đẹp nhất TP Thủ Đức. Bí ẩn căn biệt thự ‘view triệu đô’ bị bỏ hoang trên núi ở miền Tây Căn biệt thự trên núi Sam (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) nhiều năm phơi sương từng bị đồn thổi, thêu dệt về những câu chuyện khó tin. Ngôi biệt thự màu trắng bỏ hoang 20 năm bên bờ biển nổi tiếng Việt Nam Được xây dựng hơn 20 năm trước, ngôi biệt thự bỏ hoang nằm trên dốc Con Rồng, bãi Sau biển Vũng Tàu (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) mang vẻ đẹp cổ điển kiểu Pháp với những câu chuyện đồn thổi.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bi-an-can-biet-thu-mai-do-phu-day-cay-co-o-long-an-2361667.html