Năm 1979, khi bà Phạm Thị Kim Huyên (TPHCM) mới sinh con út được nửa tháng thì cậu con trai Trần Hoàn Phong bị đau họng. Bà nhờ cậu con trai tên Vũ, 12 tuổi đưa em đi khám ở bệnh viện cách nhà khoảng 2 cây số.
Vũ đưa em đi khám xong, để em ngồi ở ngoài chờ để mình đi lấy thuốc, lúc quay lại không thấy em đâu nữa.
Mất con, vợ chồng bà Huyên lặn lội đi tìm khắp chốn, ai mách chỗ nào cũng đi. Cả cuộc đời bà lênh đênh ba chìm bảy nổi, từ khi gia đình còn làm ăn khá giả tới lúc lụn bại, chồng mất, con mất nhưng chưa khi nào bà thôi nghĩ về đứa con thất lạc.
Sau lần đi lạc ấy, Phong – đứa trẻ được gia đình gọi bằng cái tên yêu Lùn Mã Tử – như bước sang một trang khác của cuộc đời – đầy những đau khổ và bất hạnh.
Hoàn Phong chụp cùng gia đình trước khi mất tích
Đến giờ, anh Phong chỉ nhớ hôm đó có một người anh đưa mình đi khám bệnh. Anh trai dặn đợi nhưng Phong cứ thế đi theo rồi đi lạc xuống đường lúc nào không hay.
Có một người phụ nữ cho anh ăn bánh bò, rồi mua vé xe đưa anh về tận Hòa Bình (Bạc Liêu). Anh nhớ, đi tới 1-2h sáng xe mới đến nơi. Anh được trao cho một gia đình nuôi và lấy tên là Nguyễn Văn Thông.
Biến cố ập đến khi mẹ nuôi anh bị mất 1 chỉ vàng và nghĩ anh là thủ phạm. Bà đánh anh hàng đêm, bắt anh cởi hết quần áo nhảy xuống mương, đến sáng lại cho lên bờ để người ta không thấy.
Mẹ nuôi không cho anh ăn đủ no, đánh anh thành sẹo trên mặt. Anh chạy xuống ruộng lúa trốn chui trốn lủi. Làng xóm thương tình, cho anh ăn. Bà mẹ nuôi biết nhà nào chứa chấp anh, đều chửi người ta rồi lôi anh về. Năm đó, Lùn Mã Tử mới 6 tuổi.
Bị ngược đãi không chịu nổi, có lần anh chộp lấy chai thuốc trừ sâu định uống thì bà ngăn lại kịp. Từ đó, bà giao anh cho con gái bà nuôi.
Năm Phong 8 tuổi, vợ chồng bà đem trâu lên Đồng Tháp chăn thả nên anh được cho lên đó chăn trâu. Ở Đồng Tháp, anh bớt khổ hơn, nhưng đến khi bà bán trâu, anh phải về. Anh xin lên lại nhưng bà không cho.
“Bà nói, ngày xưa bà mua tôi mất 7 ngàn, giờ muốn đi phải trả 70 ngàn đồng” – anh kể.
Lúc đó, có một người đàn ông thương Phong, nhắn anh ra chợ Hòa Bình đợi ông, đừng cho ai biết. Nghe lời ông, anh trốn ra chợ.
Hai người chèo xuồng xuôi theo rừng U Minh, làm nghề bắt ốc len mang ra chợ Cà Mau bán. Gần 2 năm trời, anh kiếm được 73 ngàn đồng. Cầm 70 ngàn về trả mẹ nuôi, anh nói “từ nay con không ở đây nữa”.
“Bà nói một câu khiến tôi chảy nước mắt: Tại muốn con ở lại mới nói vậy thôi. Tôi khóc vì tủi thân, vì nghĩ đến những tháng ngày mình phải khổ sở để kiếm được số tiền đó. Nhưng tôi vẫn đi…”, anh kể.
Cầm 3 ngàn còn lại trên tay, anh trở lại Đồng Tháp, đi ở đợ cho người ta. “Vợ chồng ông đó nói họ làm gì thì mình làm ấy nhưng họ chỉ cho mình ăn cơm. Quần áo, tiền bạc mình tự lo lấy”.
Thế là từ ấy, ai thuê gì anh cũng làm để kiếm thêm tiền, từ bắt ốc, cắt lá môn, lá chuối,…
13 tuổi, anh đã tham gia các hoạt động từ thiện, được mọi người yêu quý. Có người khuyên anh lên TPHCM kiếm việc. Anh nghĩ, mình từng đi lạc ở TP, biết đâu lên đó có chút hy vọng tìm lại gia đình.
Suốt những năm tháng tuổi thơ, anh khao khát có mẹ, có cha nhưng chưa bao giờ anh nói ra. Anh nén chặt nỗi đau ấy trong lòng mình. Nhiều khi đi đường nhìn đứa trẻ được mẹ nắm tay, anh cũng tủi thân bật khóc.
Anh từng làm nghề may cả chục năm và ở trọ ngay gần nhà cũ của mình ở TPHCM
14 tuổi, anh lên TPHCM, làm đủ nghề, trong đó có nghề may anh làm hàng chục năm. Anh từng thuê trọ ở phố Tôn Thất Thuyết – cách ngôi nhà cũ của anh không xa. Nhưng tất cả ký ức của anh về gia đình chỉ là người anh tên Vũ, người chị tên Bích và mình bị lạc khi đi khám bệnh.
Những nỗi đau về thể xác và tinh thần những ngày thơ ấu khiến anh có một thời gian dài chìm trong suy nghĩ tiêu cực, có lúc muốn buông bỏ, muốn tự hủy bản thân.
May mắn, anh tìm tới Phật pháp. Anh ngộ ra rằng, được làm người đã là rất khó, nếu mình xâm phạm đến thân thể này là mình mang thêm tội. Từ đó, anh buông được những suy nghĩ tiêu cực, nguyện sống hết mình với tất cả khả năng. Anh tiếp tục công việc từ thiện cùng nhà chùa.
Anh lấy vợ, sinh con, chuyển từ nghề may sang buôn bán nông sản tận vườn. Buổi tối, anh tranh thủ làm MC, đi hát đám cưới để kiếm thêm. “Làm nghề gì tôi nhập vai nghề đó. Tôi sống lạc quan hơn, chứ không tối ngày suy nghĩ nữa”.
Chỉ có niềm khát khao tìm lại được gia đình là chưa bao giờ nguội tắt trong anh. Nhiều đêm, anh nghĩ tới mẹ cha mà bật khóc. Nhưng anh lại không có bất cứ hành động cụ thể nào để tìm họ.
Nghề may không phát triển được, anh chuyển sang nghề buôn bán nông sản
Anh đi khắp nơi làm từ thiện, đi khắp nơi làm ăn với hy vọng biết đâu có ai đó nhận ra mình. Chính xác là anh không biết mình phải bắt đầu tìm kiếm từ đâu.
Trong khi đó, bà Huyên – mẹ anh mải miết đi tìm con suốt mấy chục năm. Cách đây 15 năm, bà từng tìm đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL). Có một trường hợp rất khớp với hồ sơ của con bà nhưng khi xét nghiệm ADN thì lại không phải.
Trường hợp của bà vẫn “treo” ở đó, thách thức những người làm chương trình, cho đến ngày hôm nay.
Gặp nhau trên sân khấu của NCHCCCL, hai mẹ con khóc nức nở. Anh lặng đi vì xúc động. Ước mơ có mẹ, có cha, có anh chị em ruột của anh đã trở thành hiện thực.
Cha anh đã mất. Anh Vũ của anh cũng đã mất. Nhưng anh vẫn còn mẹ, còn các chị và cậu em út. Thế cũng là vượt quá kỳ vọng với một người đàn ông chưa một lần biết tới tình thân gia đình.
Bà Huyên liên tục hỏi con trong nước mắt: “Sao bao năm mẹ đi tìm con mà con không tìm mẹ?… Cuộc đời con tôi trắc trở quá, khổ quá trời…”. Bà cứ thế vừa ôm con vừa khóc.
Anh Thông (tên cũ: Phong) gặp lại cả gia đình trên sân khấu chương trình NCHCCCL
Sau 17 năm thực hiện và phát sóng trên nhiều kênh truyền hình, Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) tự hào khi xây dựng được một hệ thống dữ liệu rất hữu ích trong việc kết nối người đi tìm và người thất lạc.
Trên website haylentieng.vn, người xem hoàn toàn có thể tự tra cứu những thông tin liên quan đến người thân thất lạc của mình bằng cách gõ tên, năm sinh, quê quán… Nhờ hệ thống dữ liệu này, nhiều gia đình đã được đoàn tụ.
Với mong mỏi trở thành một hoạt động xã hội do các cá nhân nuôi dưỡng một cách đều đặn và lâu dài, nhiều năm nay, ê-kíp chương trình đã khởi xướng hoạt động gây quỹ “Ổ bánh mì nối thân thương”, trong đó mỗi người trích ra 20 nghìn đồng/tháng gửi quỹ hoặc ví điện tử.
Để đồng hành với NCHCCCL trong việc xây dựng nguồn quỹ, tiếp tục hành trình giúp đoàn tụ cho hàng ngàn gia đình Việt Nam, trong những năm gần đây, báo VietNamNet trở thành cầu nối kêu gọi sự ủng hộ từ quý độc giả.
Toàn bộ số tiền độc giả ủng hộ chương trình thông qua báo VietNamNet sẽ được sao kê minh bạch và chuyển tới ê-kíp chương trình. Các thông tin về báo cáo thu chi, số trường hợp được tìm ra, số hồ sơ mới được lập… vẫn đang được NCHCCCL công khai hàng tháng trên các kênh fanpage, website và cuối mỗi tập được phát sóng.
Độc giả ủng hộ NCHCCCL thông qua báo VietNamNet vui lòng gửi tới số tài khoản sau:
Quỹ từ thiện Báo VietNamNet
Ngân hàng VietcomBank – Số Tài Khoản: 001 100 264 3148
Chủ TK: Báo VietNamNet
(Vui lòng ghi rõ nội dung chuyển khoản: Ủng hộ NCHCCCL + Tên + Số điện thoại)
2 lần bỏ nhà đi, tuổi xế chiều bật khóc khi biết mình trách nhầm gia đình Hai lần bỏ nhà đi, anh An vẫn mang trong mình những oán trách, nghi ngờ, rằng mình chỉ là đứa con nuôi của gia đình. Giận mẹ, cha bỏ nhà đi: 34 năm sau các con mới biết sự thật Hơn 30 năm trôi qua, vợ con ông Thân vẫn chưa nguôi nỗi hờn trách. Họ mơ hồ giữa việc ông còn sống mà không về hay đã mất vì cơn bão Linda. Hai đại gia đình Bắc Nam vỡ òa khi nhận kết quả ADN sau 70 năm cách biệt Cuộc đoàn tụ giúp những người con tìm về nguồn cội sau 70 năm người ông, người cha của họ rời khỏi làng quê và mất liên lạc từ đó.