Báo Than thực sự là nguồn lửa cách mạng đã được những chiến sĩ cách mạng nhóm lên, tỏa sáng và trao truyền cho thế hệ sau. Báo Than gắn liền với các bước trưởng thành của Vùng mỏ kiên cường, là một mốc son trong lịch sử báo chí cách mạng Quảng Ninh.
Ngôi nhà số 22, phố Quang Trung (Cẩm Phả) – nơi từng là trụ sở Báo Than ngày mới ra đời (1928). Ảnh: Huỳnh Đăng
Từ khởi nguồn Báo Than…
Báo Than ra đời cuối năm 1928. Ông Nguyễn Cảnh Loan, Chánh Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Quảng Ninh, cho biết: Nghiên cứu tư liệu tôi biết 5 cuốn sách đã có thông tin về Báo Than. Báo Than khổ rộng bằng nửa tờ giấy học sinh, in khuôn bằng đá, mực bằng bột đá trộn hắc ín, người phụ trách tờ báo là đồng chí Đặng Châu Tuệ.
Một năm sau khi Báo Than ra đời, cũng tại Cẩm Phả ra đời tờ báo Hầm mỏ. Năm 1930, báo Hầm mỏ sáp nhập vào Báo Than ở Chi bộ Đảng Mạo Khê trở thành cơ quan ngôn luận của Đặc khu ủy mỏ. Đầu năm 1931, khi chủ bút Đặng Châu Tuệ bị thực dân Pháp bắt, Báo Than đã đình bản.
Kế thừa và phát huy truyền thống báo chí cách mạng của Báo Than, năm 1945, Chiến khu Đông Triều xuất bản tờ báo mang tên Sóng Bạch Đằng. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chiến khu Ba được thành lập, cho ra đời tờ Quân Bạch Đằng, kế tiếp tờ báo Sóng Bạch Đằng của Chiến khu Đông Triều.
Báo Than kêu gọi công nhân đấu tranh đòi giao lò máy cho thợ thuyền, ruộng đất cho dân cày, giải phóng các dân tộc nhỏ yếu. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh
Năm 1947, tỉnh Hải Ninh xuất bản tờ tin Hải Ninh tại huyện Đình Lập, kỹ thuật in thô sơ, khổ 19x24cm hoặc 24x32cm. Đầu năm 1949, Ty Tuyên truyền Hải Ninh ra tờ báo Hải Ninh mỗi tháng 4 kỳ, mỗi kỳ 2 trang, khổ 13x14cm. Năm 1952, tỉnh Hải Ninh xuất bản tại Bình Liêu tờ Hải Ninh giải phóng. Năm 1960, tờ tin Hải Ninh được chuyển thành báo Hải Ninh.
Năm 1953, Ty Tuyên truyền và văn nghệ Quảng Yên xuất bản tờ báo Quảng Yên gồm 4 trang, khổ 22x30cm. Tại Đặc khu Hòn Gai, vào dịp Tết Mậu Thìn năm 1948, Ty Tuyên truyền Đặc khu ra báo Vùng Than in bằng kỹ thuật li-to tại căn cứ kháng chiến của Đặc khu tại Sơn Động (tỉnh Bắc Giang).
Ngày 1/12/1949, Công đoàn Đặc khu Hòn Gai xuất bản tạp chí Thợ mỏ. Sau đó, Công đoàn Đặc khu đổi tạp chí Thợ mỏ thành tờ Tin tức, mỗi tháng phát hành 1 kỳ, có 4 trang khổ 24x32cm.
Trong khi đó tại khu Hồng Quảng, tháng 8/1945, Công đoàn khu xuất bản tờ báo Vùng Mỏ. Uỷ ban hành chính khu Hồng Quảng xuất bản tờ tin Hồng Quảng, ra 2 kỳ/tháng, in 2 trang, khổ 39x 54cm. Cuối năm 1958, tờ tin Hồng Quảng và tờ báo Vùng Mỏ sáp nhập lại thành tờ báo Vùng Mỏ là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam khu Hồng Quảng.
Đồng chí Vũ Thị Mai, người trực tiếp in báo Than. Ảnh tư liệu của Công ty than Mạo Khê
… đến Báo Quảng Ninh và Tạp chí Than
Ngày 31/12/1963, Báo Vùng Mỏ hợp nhất với Báo Hải Ninh thành Báo Quảng Ninh và phát hành số đầu tiên vào ngày 2/1/1964. Báo Quảng Ninh đã không ngừng phát triển và trưởng thành gắn với thực tiễn phong phú, sôi động của tỉnh, từng bước đổi mới, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của chính quyền tỉnh, là diễn đàn của nhân dân trong tỉnh, xứng đáng kế tục và phát huy truyền thống báo chí cách mạng Vùng mỏ. Báo Quảng Ninh hiện gồm Báo Quảng Ninh hằng ngày, Báo Quảng Ninh Cuối tuần và Báo Quảng Ninh Điện tử. Trong đó, Báo Quảng Ninh Điện tử xuất bản bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Trung cung cấp thông tin cho bạn đọc toàn cầu.
Năm 1968, tờ tin Vùng Mỏ của ngành Than lại sáp nhập về Báo Quảng Ninh. Tuy nhiên, có thể coi tờ tin Vùng Mỏ này là ấn phẩm tiền thân của Tạp chí Than nay là Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam). Chính thức thành lập ngày 1/6/1995, Tạp chí Than Việt Nam có chức năng nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành Than; phản ánh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt, các mô hình, điển hình, các tiến bộ khoa học công nghệ trong ngành Than; quản lý, hoạt động xuất bản trang thông tin điện tử Vinacomin.
Nếu như trước kia lực lượng làm báo Vùng Mỏ của ngành Than bổ sung cho Báo Quảng Ninh thì sau này có những nhà báo kỳ cựu của Báo Quảng Ninh lại chuyển sang xây dựng đội ngũ cho Tạp chí Than. Năm 1999, nhà báo Nguyễn Hùng, Ban Kinh tế Báo Quảng Ninh chuyển về Tạp chí Than làm Phó Tổng Biên tập thường trực rồi Tổng Biên tập. Nhà báo Trần Giang Nam, Phó trưởng Ban Quảng Ninh thứ bảy của Báo Quảng Ninh, chuyển sang làm Trưởng Văn phòng Đại diện Tạp chí tại Quảng Ninh sau làm Thư ký Tòa soạn của Tạp chí.
Thời kỳ đầu khi mới thành lập, số lượng xuất bản của Tạp chí Than chỉ khoảng 900-1.000 quyển/kỳ. Đến nay, cùng với sự phát triển lớn mạnh của Tạp chí, số lượng xuất bản đang duy trì ổn định hơn 7.000 quyển/kỳ. Tạp chí kịp thời đón trước xu thế, tình hình để tuyên truyền, định hướng tư tưởng, góp phần tạo sự đồng thuận, chia sẻ sâu sắc trong cộng đồng thợ mỏ. Chất lượng tin, bài, ảnh từng bước được nâng cao, có nhiều tin, bài mang tính phát hiện, có tính khái quát cao, văn phong gọn, nhiều cách thức thể hiện phong phú mang hơi thở cuộc sống lao động sản xuất Vùng mỏ qua đó góp phần thực hiện chức năng báo chí, xây dựng điển hình, cổ vũ phong trào thi đua.
Thợ mỏ Công ty than Mạo Khê đọc Báo Quảng Ninh và Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam sau giờ tan ca. Ảnh: Phạm Mạnh Hùng (CTV)
Sau 23 năm hoạt động, tạp chí luôn duy trì là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn, là tiếng nói của người thợ mỏ giàu truyền thống cách mạng. Tạp chí có một vị trí đặc biệt trong Tập đoàn, có sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn nhờ đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên luôn đoàn kết nỗ lực lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong thời đại bùng nổ thông tin, khắt khe của nghề báo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngọn lửa Báo Than, báo Vùng Mỏ, Báo Quảng Ninh rồi Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã gieo niềm tin tươi sáng cho những người thợ mỏ. Từ một người công nhân cơ điện của mỏ Vàng Danh say mê đọc báo, ông Vũ Thế Hùng đã trở thành nhà báo tay ngang. Ông có thói quen đọc báo, sưu tầm những tờ báo cũ, lưu giữ nâng niu chúng như kỷ vật. Giờ nếu xếp chồng những tờ báo ấy lên nhau thì chiều cao của chúng đã ngang với chiều cao của ông.
Ông Hùng kể: Tôi đến với nghiệp báo chí hết sức tự nhiên từ việc viết những bài báo biểu dương người tốt, việc tốt trong các mỏ than, viết về những người thợ mỏ, về những chuyện tôi gặp thường ngày trong cuộc sống. Tôi ưu tiên gửi bài cho Báo Quảng Ninh, Tạp chí Than, bởi có nhiều tư liệu, nhiều đề tài để viết. Lâu dần người ta biết đến tôi nhiều hơn. Gặp người tốt, việc tốt tôi viết báo để đăng báo trước đã, văn chương thì để sau như thứ lương khô mình về dùng dần. Đó là cách chắt chiu, nâng niu tư liệu như thể người thợ mỏ quý trọng từng vỉa than.
Theo nhà báo Lệ Huyền, Tổng Biên tập Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam, những người làm báo muốn làm bạn của thợ mỏ thì phải hiểu họ, mà muốn hiểu được thì phải gần gũi, chân thành, gắn bó, sẻ chia. Những chuyến đi lò, những cuộc cứu hộ, cứu nạn luôn đọng lại những cảm xúc mãnh liệt nhất về tình người, tình đồng chí, đồng đội, để rồi chính thợ mỏ cho những người làm báo hiểu “Kỷ luật và Đồng tâm” không chỉ là khẩu hiệu mà ngấm vào máu thịt những ai muốn đứng trong hàng ngũ ấy.
Nhà báo Trần Giang Nam – người gắn bó với cả Báo Quảng Ninh và Tạp chí Than. Ảnh: Thùy Linh (CTV)
Từ Báo Than đến Báo Quảng Ninh, từ tờ tin Vùng Mỏ đến Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam tuy có những lúc đứt đoạn theo những bước thăng trầm của lịch sử nhưng ngọn lửa báo chí cách mạng ở Vùng mỏ thì vẫn luôn được thắp sáng. Ngọn lửa ấy càng tỏa sáng hơn khi các thế hệ người làm báo Quảng Ninh hôm nay nhận thức được trách nhiệm của mình, vinh dự của mình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/lua-bao-than-2018110911405508.htm” button=”Theo vinacomin”]