“Khi nắng tan đi ánh chiều về rộn vui đường phố, em bước bên anh sau một ngày trên tầng hối hả.
Khi ánh bình minh đang bừng lên rực rỡ chân trời, những con thuyền đánh ca ra khơi, tàu đưa than về muôn nơi…
Cẩm Phả của tôi…”
(Trích ca khúc “Cẩm Phả của tôi”)
Nơi khởi nguồn của phong trào công nhân mỏ, của giai cấp công nhân Việt Nam.
Về với thành phố Mỏ Cẩm Phả trong những ngày thu tháng 11 lịch sử, khó có thể nhận ra được nơi đây 82 năm về trước đã từng là cái nôi của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân vùng Mỏ. Bủa vây quanh Núi Cốt Mìn năm xưa nay đã san sát những ngôi nhà cao tầng khang trang, Quảng trường 12-11 thoáng đãng đón những bước chân thân quen dạo phố mỗi buổi chiều tà. Đối diện Quảng trường, ở ngã tư tổng hợp – nơi trước kia đông đảo người dân xếp hàng trước bách hóa mậu dịch xưa cũ – nay đã trở thành một siêu thị tiện lợi hiện đại… Một Cẩm Phả sôi động với bao dự án Trung tâm, dịch vụ thương mại, công cộng, nhà ở liền kề và các khu du lịch, nghỉ dưỡng đầy tiềm năng của những Tập đoàn danh tiếng trải khắp các phường xã trực thuộc.
Nhưng dẫu biết bao đổi thay, Cẩm Phả vẫn được đông đảo người dân biết đến với nền công nghiệp khai thác than từ bao đời nay. Khi Pháp xâm lược Việt Nam, chúng nhanh chóng tiến hành khai thác thuộc địa, đặc biệt là than đá vùng Quảng Ninh. Năm 1888, Công ty than Bắc kỳ được thành lập và Vùng Mỏ Quảng Ninh khi đó đã trở thành khu công nghiệp lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam và Đông Dương. Đội ngũ công nhân mỏ than cũng từ đây được hình thành và dần dần trở thành lực lượng công nhân công nghiệp trong giai cấp công nhân Việt Nam. Hay nói cách khác, Vùng Mỏ chính là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.
Tỏa lan một truyền thống từ lời Bác dạy
Ngày 15/11/1968, nhân dịp 32 năm ngày Miền Mỏ bất khuất – nay là ngày truyền thống CN Vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than – một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Phủ Chủ tịch. Đó là ngày Bác Hồ kính yêu đã gặp mặt nói chuyện thân mật với đoàn đại biểu CNCB ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Thành phần đoàn đại biểu được gặp Bác lần này chủ yếu là công nhân trực tiếp sản xuất ưu tú được lựa chọn từ các cơ sở sản xuất than theo yêu cầu của Bác. Trong bài phát biểu của Bác, có những câu chỉ nghe hoặc đọc một lần, nhưng mỗi người thợ mỏ, cả đội ngũ CNCB ngành Than cũng như CNVCLĐ Quảng Ninh từ thế hệ này đến thế hệ khác đều thấy thấm thía và không bao giờ quên. Đó là lời dạy bảo căn dặn ân cần, là sự khích lệ động viên và tình cảm bao la của Bác dành cho chúng ta hôm qua, hôm nay và mai sau: “Người ta thường gọi than là “vàng đen”. Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống nhân dân… Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt khó khăn, nhằm tạo một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc… Bác rất mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp…”.
Ghi nhớ lời Bác căn dặn, những người thợ mỏ ngành Than – Khoáng sản luôn nỗ lực phấn đấu và đã lập nhiều chiến công trong sản xuất và chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đóng góp đắc lực cho ngân sách Nhà nước và là một trong ba trụ cột vững chắc bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia. Hiệu quả SXKD tăng, thu nhập và đời sống của thợ mỏ được đảm bảo và cải thiện đáng kể, nhất là thợ lò. Công tác an sinh xã hội trên địa bàn, nơi các đơn vị của Tập đoàn đứng chân được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý tài nguyên, chăm lo gìn giữ và cải thiện môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản được đặc biệt chú trọng và đạt những kết quả quan trọng. Vị thế và thương hiệu VINACOMIN được đánh giá cao trong nền kinh tế nước nhà cũng như trong con mắt bạn hàng quốc tế. Tinh thần của Tượng đài “Vinh quang thợ mỏ” luôn được những “người lính” TKV gìn giữ, phát huy và lan tỏa trong thời đại mới.
Vào ngày Thành phố Cẩm Phả đón nhận quyết định công nhận là đô thị loại II, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã kỳ vọng, chính quyền và nhân dân thành phố Cẩm Phả sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của Vùng mỏ bất khuất, phát huy những thành tích đạt được, ra sức thi đua vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng, phát triển thành phố Cẩm Phả theo hướng thành phố hiện đại, văn minh. 82 năm qua, tiếp nối truyền thống của giai cấp công nhân và nhân dân Vùng mỏ, Đảng bộ và chính quyền nhân dân các dân tộc thành phố Cẩm Phả đã đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vươn lên giành nhiều thắng lợi quan trọng trong sự nghiệp chính trị phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của vùng đất mỏ giàu truyền thống. Đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp ấy chính là nỗ lực của hàng ngàn thợ mỏ TKV nơi moong cao, hầm sâu. Khẩu hiệu “Kỷ luật & Đồng tâm” từ năm 1936 đã, đang và sẽ trở thành tài sản vô giá, theo bước chân thợ mỏ đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-mot-mua-thu-lich-su-201811081631402966.htm” button=”Theo vinacomin”]