Sau khi từ bỏ việc ở TP Cần Thơ, anh Thiện về quê làm nhà sáng tạo nội dung để lan tỏa cảnh đẹp quê hương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Bỏ phố về quê”
Năm 2017, khi đang là kỹ sư xây dựng, có việc làm ổn định tại TP Cần Thơ, anh Lý Thiện (32 tuổi, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) bất ngờ nghỉ việc, trở về quê.
Ngày biết con trai từ bỏ công việc có thu nhập tốt tại thành phố lớn, bố mẹ anh Thiện không giấu nổi sự thất vọng. Ông bà càng buồn lòng khi thấy con về nhà, cầm máy ảnh đi lang thang khắp nơi.
Không muốn con phí hoài công đèn sách, ông bà ra sức khuyên can. Dù vậy, anh Thiện vẫn kiên định, theo đuổi công việc thỏa mãn mong ước mà anh ấp ủ từ lâu.
Anh có duyên với công tác thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo tại địa phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Thiện chia sẻ: “Lúc đi học, tôi luôn ấp ủ nguyện vọng sau này sẽ về quê tìm công việc vừa mang lại thu nhập cho bản thân, vừa có thể giúp ích cho quê nhà.
Về quê, tôi quyết định giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người của quê nhà đến mọi người thông qua YouTube. Công việc này thỏa mãn mong ước của tôi. Vì thế, tôi cố gắng tập trung theo đuổi”.
Đến các nơi quay phim, anh Thiện tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đồng cảm, anh ghi nhận, giới thiệu những hoàn cảnh này trên kênh YouTube của mình.
Không chỉ tặng quà, hỗ trợ học phí, quần áo, sách vở, xe đạp cho học sinh vùng sâu vùng xa… anh còn xây nhà tình thương cho người nghèo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau khi đăng tải, anh nhận nhiều lời đề nghị được giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn. Anh quyết định sử dụng mạng xã hội để thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
Năm 2018, anh Thiện bắt đầu kết nối với các nhà hảo tâm để giúp đỡ những cảnh đời nghèo khó như: tặng quà cho người nghèo, hỗ trợ học phí, quần áo, sách vở, xe đạp cho học sinh vùng sâu vùng xa…
Xây hơn 600 căn nhà
Suốt 6 năm qua, anh Thiện luôn duy trì các hoạt động thiện nguyện thường xuyên của mình gồm: Vận động xây nhà tình thương, tặng quà, giúp đỡ bệnh nhân nghèo…
Để hoạt động thiện nguyện có hiệu quả, đúng hướng, anh Thiện liên hệ với chính quyền địa phương. Anh nhờ cơ quan chức năng cung cấp danh sách cá nhân, gia đình, địa phương cần tài trợ.
Anh cũng vận động xây tặng những cây cầu bê tông cho các địa phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau đó, anh cùng cơ quan chức năng đến tận nơi khảo sát. Kết thúc buổi khảo sát, có phương án hỗ trợ, anh Thiện vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay để có kinh phí thực hiện.
Đến nay, anh đã vận động xây dựng hơn 600 căn nhà (nhà tường và nhà tiền chế), mỗi căn trị giá từ 45 – 80 triệu đồng.
Một trong những người được nhận nhà tình thương từ hoạt động thiện nguyện của anh Thiện là anh Nguyễn Văn Bạo (40 tuổi, xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng).
Vợ chồng anh Bạo thuộc diện hộ nghèo. Anh chị nuôi 2 con nhỏ trong căn nhà lá lụp xụp. Mùa nước nổi, anh phải lót ván mới có thể di chuyển, ngủ trong nhà.
Những cây cầu do anh Thiện vận động nối đôi bờ, giúp xóm làng được kết nối với nhau một cách dễ dàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thấy anh Bạo cần vốn làm ăn, anh Thiện vận động mạnh thường quân chung tay hỗ trợ. Sau khi được giúp đỡ, anh Bạo xoay xở làm ăn và thoát nghèo. Anh xây, sửa nhà và mua được đất sản xuất.
“Câu chuyện của anh Bạo khiến tôi rất vui. Tôi nhận thấy công việc mình làm thực sự có ý nghĩa vì đã giúp được những gia đình, cá nhân có ý chí để họ vươn lên thay đổi hoàn cảnh, số phận của mình”, anh tâm sự.
Ngoài xây nhà, anh Thiện còn vận động cộng đồng làm cầu. Bởi với anh, cây cầu tại miền sông nước không chỉ giải quyết vấn đề đi lại mà còn giúp hàng hóa, nông sản của người dân lưu thông, luân chuyển dễ dàng.
Tích cực hoạt động thiện nguyện, anh Thiện nhiều lần được cơ quan chức năng trao tặng bằng khen, giấy khen. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kết hợp với chính quyền địa phương, anh đến khảo sát, vận động kinh phí xây các cây cầu bê tông ở những khu vực chưa có cầu hoặc cầu tạm xuống cấp, hỏng nặng…
Bằng cách này, 6 năm qua, anh đã vận động xây hơn 60 cây cầu bê tông, mỗi cây trị giá từ 100 – 350 triệu đồng.
“Ở miền quê sông nước, cây cầu mang đến rất nhiều giá trị cả về kinh tế lẫn tinh thần. Nhờ những cây cầu, các xóm làng được kết nối với nhau một cách dễ dàng”, anh Thiện nói thêm.
Tấm gương sáng
Ông Huỳnh Khai Sị, Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng cho biết: “Lý Thiện là tấm gương sáng trong hoạt động thiện nguyện tại địa phương.
Nhiều năm qua, Thiện kết hợp với chính quyền địa phương các cấp để vận động kinh phí, tổ chức xây cầu, làm nhà tình thương, phát quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ chi phí điều trị bệnh cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…”.
Lão nông vươn lên thoát nghèo, vận động được 30 tỷ đồng xây cầu ở miền Tây Ông vừa được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023. Hành trình thiện nguyện từ 16 tuổi của chàng trai ‘chỉ thích cho đi’ Mơ ước hoạt động thiện nguyện trở thành thói quen thường trực của giới trẻ, Lê Văn Phúc thành lập nhóm từ thiện ngay khi đang học lớp 11. Sau 4 năm hoạt động, nhóm đã thực hiện thành công nhiều dự án, chiến dịch lớn khiến ai cũng bất ngờ. Cô gái nhỏ khởi xướng dự án thiện nguyện 1.000 tủ thuốc cho học sinh vùng cao Trong các chuyến thiện nguyện vùng cao, vùng xa, chị Nguyễn Thu Thảo nhận thấy thuốc men là điều xa xỉ với học sinh. Điều này thôi thúc Thảo cùng Công ty cổ phần Techmedcom bước vào hành trình dự án Tủ thuốc cho em – Ngàn tủ thuốc, Triệu trái tim.