Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (hiện 36 tuổi, ở Hà Nội) làm công việc thiết kế nội thất nhiều năm. Dịch Covid-19 ập đến, công ty phải cắt giảm nhân sự, chị bị cho nghỉ việc.
Thời gian này, chị lại mới sinh, chủ yếu chỉ ở nhà chăm con. Dịch bệnh cộng với sự tù túng của bốn bức tường khiến chị tìm đến việc làm bánh – kỹ năng mà chị vốn đã mày mò tự học từ hồi còn là sinh viên.
Nếu như trước kia chị làm bánh chỉ để cho gia đình ăn và gửi tặng bạn bè, thì từ năm 2020 chị bắt đầu kiếm tiền từ công việc này.
Tuy nhiên, những ngày đầu chưa đông khách, chị chỉ bán túc tắc, đủ để có đồng ra đồng vào. Vừa làm vừa rèn thêm tay nghề, chị đăng ký rất nhiều khóa học nhưng thời điểm đó chỉ có thể học qua mạng (online).
“Học online thiếu sự trực quan nên tôi phải tự mày mò nhiều. Để đi dạy người khác được như bây giờ, tôi đã tầm sư học đạo không biết bao nhiêu khóa học, thầy cô trong nước, thầy cô nước ngoài.
Học phí cho thầy nước ngoài rất cao. Tính tổng học phí có lẽ cũng lên tới vài trăm triệu đồng” – chị chia sẻ.
Chị Nguyệt từng đầu tư rất nhiều tiền cho các khóa học làm bánh
Kinh doanh được một thời gian thì dịch bệnh hết, con cũng cứng cáp hơn, chị lại phải đối mặt với câu hỏi lớn: Tiếp tục làm bánh hay quay lại làm văn phòng.
Thời điểm đó, một số công ty đã có lời mời chị đi làm với mức lương không tệ, đủ để không phải quá vất vả với cuộc sống. Nhưng thực lòng, chị thích làm bánh hơn.
Chị được chồng và người thân, bạn bè ủng hộ đi tiếp với nghề bánh. “Mình cũng trăn trở ngày đêm. Nếu đi tiếp, chồng mình sẽ phải hỗ trợ mình rất nhiều trong việc gánh vác kinh tế. Ít nhất phải mất 6 tháng – 1 năm để có lượng khách ổn định và có dấu ấn trên thị trường”.
Cuối cùng, chị vẫn quyết định chọn con đường làm bánh bởi chị có được niềm vui khi nhìn mỗi thành phẩm mình làm ra.
Bánh hoa là dòng bánh chính mà chị chọn theo đuổi. Dòng bánh này vừa thẩm mỹ, vừa là lựa chọn phù hợp cho các dịp sinh nhật, lễ Tết, chúc mừng…, không phải là sản phẩm chạy theo xu hướng.
Dòng bánh gắn hoa được nhiều người yêu thích và phù hợp với các dịp lễ Tết, sinh nhật…
“Để có một chiếc bánh hoa đẹp, cần có cả ý tưởng tốt và kỹ năng tốt của người làm bánh, trong đó khả năng phối màu chiếm vai trò quan trọng.
Người không có tố chất vẫn có thể học được những kỹ năng này. Tuy nhiên, về lâu dài, những người có tố chất sẽ xây dựng được phong cách riêng cho những chiếc bánh của mình tốt hơn”, chị Nguyệt chia sẻ.
Kể về chiếc bánh cưới 5 tầng gây xôn xao cộng đồng mạng chị mới làm gần đây, bà chủ tiệm bánh cho biết, chiếc bánh này đòi hỏi rất nhiều thời gian từ khâu lên ý tưởng cho đến khi hoàn thiện.
“Khi ra đề bài, cô dâu chia sẻ với tôi rằng ‘đây là chiếc bánh cưới mơ ước của em’. Tôi bắt đầu cảm thấy áp lực và ý thức rằng mình phải làm thật tốt để đáp ứng được kỳ vọng của bạn ấy.
Ban đầu, tôi thiết kế bánh bằng bản vẽ tay, sau đó thiết kế trên máy, chỉnh màu. Mỗi bước làm đều gửi cho cô dâu duyệt, tất cả 3 lần duyệt phác thảo.
Sau đó, chúng tôi cùng cô dâu sửa màu từng cụm hoa – chỗ này là hoa mẫu đơn, chỗ kia hoa hồng, khu vực này tông màu gì, khu vực kia tông màu gì… sao cho mọi thứ hòa quyện và sát với bánh thật nhất có thể.
Giây phút cô dâu nhắn tin ‘chốt phương án’ tôi vỡ òa, đúng như cái cảm giác ngày xưa khách hàng thiết kế nội thất ‘chốt đơn’”.
Chị Nguyệt cùng đội ngũ mất 5 ngày để hoàn thiện chiếc bánh. Trong quá trình làm, chị thường xuyên cập nhật tiến độ để cô dâu yên tâm.
Để vận chuyển chiếc bánh 5 tầng nguyên vẹn tới khách sạn cách gần 10km cũng là một bài toán khó và đòi hỏi sự cẩn trọng.
Rất may mắn, đến nơi, bánh vẫn vẹn nguyên, phô diễn được sự hoàn hảo trước quan khách. “Cô dâu cũng phải thốt lên rằng nó lộng lẫy hơn bạn ấy nghĩ rất nhiều. Đó là niềm vui, là sự tự hào của chúng tôi”.
Khi đăng tải video chia sẻ quy trình hoàn thiện chiếc bánh này trên mạng xã hội, ngay lập tức cư dân mạng tranh luận sôi nổi về sự đắt rẻ, đẹp xấu. Video nhận được 4 triệu lượt xem và lượt tương tác hiếm có.
Chiếc bánh cưới 5 tầng có giá hơn 10 triệu đồng đã chinh phục hoàn toàn cô dâu ngay trong cái nhìn đầu tiên
Chị Nguyệt nói: “Nhiều người cho rằng mức giá hơn 10 triệu cho chiếc bánh này là đắt, nhưng không ít người lại khen rẻ. Cái đó tùy vào góc nhìn và hiểu biết của mỗi người về ngành bánh.
Với những dòng sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao và là hàng thủ công làm tay hoàn toàn thì khách hàng là người quyết định mức giá đó có phù hợp hay không.
Cách tính giá không phải là cứ cân nguyên liệu lên rồi nhân giá thành. Giống như bạn đi mua một bức tranh, không ai cân khung tranh hay tính hết bao nhiêu lạng sơn dầu cả.
Chúng tôi coi mỗi sản phẩm mình làm ra như một tác phẩm nghệ thuật, và chỉ mong khách hàng hài lòng với sản phẩm nhận được”.
Một số sản phẩm đẹp do chị Nguyệt làm:
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những chiếc bánh cưới đẹp nức lòng, không ai nỡ ăn của người phụ nữ U40 Những chiếc bánh cưới tuyệt đẹp do chị Tăng Nguyệt Minh thiết kế khiến ai cũng mê mẩn, chỉ muốn ngắm nhìn mãi. Sửng sốt những chiếc bánh mô phỏng túi hàng hiệu, khách không nỡ ăn vì quá thật Nếu không giới thiệu, rất khó để phát hiện ra những chiếc túi hàng hiệu của Nguyễn Anh Triết chỉ là những chiếc bánh kem. Những đĩa bánh hình củ quả đẹp không nỡ ăn của cô giáo Sài Gòn
Những chiếc bánh hình quả cam, quả đào, củ khoai tây, khoai lang… căng mọng, các đường nét trông như thật được chị Lê Thùy nặn bằng tay sau khi tự lên mạng học kinh nghiệm.