Trong số 50 cán bộ, công nhân tiêu biểu của ngành Than được vinh dự về báo công dâng Bác nhân Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Vùng mỏ, KS. Trần Đức Thọ – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết Máy – Thiết bị Mỏ (Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ) để lại cho tôi ấn tượng khá đặc biệt.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học tại xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, tâm hồn của miền quê Cách mạng đã khắc họa lên hình dáng của anh qua những sản phẩm, thiết bị anh và các đồng nghiệp ngày đêm say sưa thiết kế, chế tạo đang được ứng dụng có hiệu quả trong Ngành. Với niềm đam mê cháy bỏng của mình, khi còn là sinh viên đại học Mỏ Địa Chất, anh đã xuống các mỏ hầm lò, lên khai trường tìm hiểu các loại máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài về để nghiên cứu, học tập phục vụ cho công tác chuyên môn của mình. Nhờ vậy, anh càng có thêm động lực để say mê nghiên cứu và sau này cho ra đời các sản phẩm mang thương hiệu cơ khí TKV.
Là người đã có những đề tài, dự án khoa học và sáng chế ra nhiều sản phẩm cơ khí được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong thực tế sản xuất của Ngành, anh đặc biệt tâm đắc sản phẩm tời cáp treo chở người, một sản phẩm trong chuỗi các sản phẩm an toàn đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành.
Trước đó, từng chứng kiến việc đi lại vất vả của công nhân dưới hầm lò, cộng với mong muốn các sản phẩm an toàn phải được làm trong nước, không lệ thuộc nước ngoài, anh cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu và chế tạo hệ thống “Tời cáp treo chở người trong giếng nghiêng các mỏ than hầm lò”. Đây là đề án cấp Nhà nước thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản của Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam tầm nhìn đến 2025.
Sau thời gian gần hai năm nghiên cứu, chế tạo, hệ thống tời cáp treo chở người chính thức ra đời. Thiết bị đã được nghiên cứu chế tạo hoàn toàn trong nước và được sự hỗ trợ, góp ý hoàn thiện của cán bộ, công nhân Công ty than Quang Hanh – TKV. Công trình đã được Cục An toàn (Bộ Công Thương) cấp phép chế tạo công nghiệp. Và điều đáng mừng hơn, sản phẩm đã được Tập đoàn TKV kịp thời cho phép ứng dụng nhằm chuyên biệt hóa để vận chuyển công nhân. Ngay sau đó, tời chở người đã được sản xuất và lắp đặt trong gần 10 tuyến và hiện đang tiếp tục triển khai tiếp sang nhiều đường lò ở các công ty khác. Ngoài việc chủ động sản xuất trong nước, sản phảm đã phá thế độc quyền của sản phẩm nhập khẩu, vừa giảm giá thành vừa làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Một công trình nữa mà anh đã tạo ra dấu ấn sâu sắc về kỹ thuật, đó là thiết vận tải người giếng đứng phục vụ công tác đào lò. Đây là thiết bị xuất phát từ yêu cầu thực tế sản xuất thi công cặp giếng đứng của mỏ Mạo Khê. Thời gian đó, không thể mua được thiết bị từ nước ngoài, nên anh Phạm Đức Khiêm – Nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 đã đề nghị Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ khẩn trương tìm giải pháp vận chuyển người để đào lò giếng đứng. Trước nhiệm vụ đó, anh và đồng nghiệp đã mạnh dạn chấp nhận các rủi ro, khẩn trương thực hiện. Sau hơn năm tháng, sản phẩm vận tải người áp dụng cho giếng đứng đã ra đời, đảm bảo cho việc hoàn thành tiến độ công trình đào giếng của đơn vị. Công trình còn có ý nghĩa rất lớn trong việc làm chủ các công nghệ, thiết bị mới cho mục tiêu phát triển cơ khí của Ngành. Sản phẩm đã đưa cơ khí TKV tới khả năng làm chủ hoàn toàn hệ thống phanh đĩa, hệ thống phanh an toàn, hệ điều khiển tự động.
Không chỉ sáng chế, áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, những năm qua, anh Thọ cùng đồng nghiệp trong Viện chủ trì thiết kế đế tạo ra hàng loạt sản phẩm mới cho các đơn vị trong ngành như: Barie mềm dùng trong mỏ than hầm lò, thiết kế chế tạo giá xích thủy lực GLX1800; thiết kế, chế tạo máy đào xúc chuyển tải cho Công ty CP Ô tô Uông Bí (năm 2015)…
Ngoài ra, với kinh nghiệm lập trình của mình, năm 2015 anh đã có sáng kiến “Ứng dụng tin học để tự động ghi tỉ lệ bản vẽ trong phần mềm Inventor”. Sáng kiến này cho phép phần mềm Inventor tự động thiết lập tỉ lệ lên khung giấy, giảm nhiều công sức so với ghi bằng tay, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối, giảm thời gian cho người kỹ sư, tiết kiệm chi phí trong in ấn. Hay như năm 2014, anh có sáng kiến “Chế tạo phanh đĩa tự làm mát” để dùng trong băng tải xuống dốc. Sản phẩm này có giá trị làm lợi từ 300 – 400 triệu đồng so với nhập khẩu. Đây cũng là một trong những sản phẩm do anh và đồng nghiệp tự bỏ kinh phí nghiên cứu, chế tạo mà trước đó có nhiều công trình đã nghiên cứu nhưng chưa thành công, phải nhập ngoại đặc biệt các đơn vị trong Tập đoàn đang phải nhập khẩu với giá thành cao.
Một điều thú vị là không dừng lại ở lĩnh vực ngành Than, anh còn là tác giả các thiết bị của ngành Cơ khí giao thông như máy cán tôn sóng chắn vệ đường có năng suất cao, máy cuốn ống cáp dư ứng lực, máy thí nghiệm kéo nén, hệ thống cốp pha di động cho các đường hầm thủy điện…
Với những đóng góp đó anh vinh dự được Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cấp Bằng khen “Giải thưởng Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2017”, Bộ Công Thương tặng Bằng khen “Thành tích xuất sắc trong công tác năm 2015”, Bằng khen: “Thành tích xuất sắc trong công tác hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành Công thương giai đoạn 2011- 2015” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Viện và Tập đoàn TKV trao tặng.
Được biết thời gian tới, anh đang gấp rút hoàn thiện một số công trình như: Hệ thống cổng gió, thiết bị khử bụi bảo vệ môi trường công nghiệp, các biến tần phòng nổ, tời trục… để thay thế sản phẩm nhập khẩu. Tất cả đã đã hoàn thành hồ sơ thiết kế trên bàn, chỉ còn chờ sản phẩm hình thành và lên đường đi thử nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn.
Dù làm được rất nhiều phần việc có ý nghĩa nhưng anh rất kiệm lời khi nói về mình. Anh bộc bạch: “Tôi luôn tìm thấy khát vọng của mình từ chính niềm đam mê nghề nghiệp và chỉ mong những sản phẩm của mình được ứng dụng thành công trong cuộc sống”. Với cảm nhận của tôi, anh Trần Đức Thọ chính là hiện thân của niềm đam mê và tâm huyết nghiên cứu khoa học để cống hiến những sáng chế phục vụ tốt hơn cho Ngành và cho xã hội.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tim-thay-khat-vong-cua-minh-tu-chinh-niem-dam-me-nghe-nghiep-2019011815162008.htm” button=”Theo vinacomin”]