Từ “chàng trai chăn vịt” đến TikToker trăm triệu view
Kể từ sau lễ trao giải “TikTok Awards VietNam 2024” diễn ra tối 23/11, Lê Tuấn Khang (SN 2002, quê Sóc Trăng) là cái tên được ngưòi dùng mạng đua nhau tìm kiếm. Anh được vinh danh ở hạng mục “Nhà sáng tạo nội dung giải trí của năm”.
Lê Tuấn Khang – TikToker nổi tiếng hiện nay
Tại thời điểm thắng giải, kênh TikTok của Lê Tuấn Khang có khoảng 4 triệu lượt theo dõi. Chỉ sau một đêm, con số đó đã tăng thêm 1 triệu lượt. Và sau 1 tuần, tính đến tối 1/12, kênh TikTok của chàng trai Sóc Trăng đã chạm mốc 10 triệu lượt theo dõi.
Từ khóa “Lê Tuấn Khang” cũng nằm trong top tìm kiếm của Goolge xu hướng.
Video ở vị trí đầu kênh của Tuấn Khang hiện có 293 triệu lượt xem và càng bất ngờ hơn, video này mới đăng tải cách đây 2 ngày. Đây cũng là video giúp anh chàng lập kỷ lục clip đạt 100 triệu view chỉ sau 15 giờ đăng tải.
Kênh TikTok của Tuấn Khang chạm mốc hơn 10 triệu lượt theo dõi. Ảnh chụp màn hình
Lê Tuấn Khang chủ yếu làm các video xoay quanh cuộc sống giản dị tại quê nhà với nội dung hài hước, vui nhộn.
Điều làm nên sức hút trong mỗi video của Tuấn Khang là sự mộc mạc, chất phác. Video của anh có sự góp mặt của những người nông dân chân chất với giọng nói và phong cách sống đậm nét miền Tây.
Tuấn Khang sinh ra và lớn lên ở miền quê sông nước, từ nhỏ đã giúp bố mẹ chăn vịt. Sau này khi trưởng thành, anh rời quê lên TPHCM làm nhiều công việc khác nhau như chạy xe ôm công nghệ, làm thuê ở xưởng gỗ…
Năm 2022, Tuấn Khang lại bỏ phố về quê, giúp bố mẹ chăn đàn vịt khoảng 3.000 con. Cũng từ đây, anh bén duyên với công việc quay, đăng tải video lên TikTok.
Hình ảnh mộc mạc của chàng trai miền Tây
Những video đầu tiên của Khang chỉ là khoảnh khắc giản dị trong cuộc sống đời thường, “thấy gì quay nấy”. Dần dà, anh rủ bà con hàng xóm quay clip giải trí, mỗi clip đều mang những nét độc đáo riêng của sông nước miền Tây.
Nhiều người hài hước bình luận, Tuấn Khang đã rủ cả xóm đóng video TikTok. Những video của Tuấn Khang được nhận xét là “hài nhưng không nhảm”.
Bí mật về “đám giỗ bên cồn”
Một trong những chi tiết được nhắc đến nhiều trong loạt video của Lê Tuấn Khang là “đám giỗ bên cồn”. Câu nói quen thuộc như “ngày mai đi qua bên cồn ăn đám giỗ” đã trở thành câu nói thương hiệu của anh chàng và các nhân vật góp mặt trong video.
Hành trình qua cồn ăn đám giỗ của Tuấn Khang luôn gặp trục trặc. Ảnh chụp màn hình
Đáng nói, hành trình qua cồn ăn đám giỗ của Tuấn Khang luôn bị gián đoạn bởi vô vàn tình huống trục trặc nhưng rất hài hước.
Cho đến giờ, sau 2 năm theo dõi kênh TikTok của anh, người xem vẫn chưa biết đám giỗ bên cồn được tổ chức như ra sao, từ đó, thôi thúc tìm hiểu về nét văn hóa đặc biệt này ở miền Tây.
Bên cồn là cách gọi thân thuộc chỉ những vùng đất nổi lên giữa lòng sông, thường xuất hiện ở miền Tây Việt Nam. “Đám giỗ bên cồn” là nét văn hóa đặc trưng ở miền quê sông nước, là dịp tưởng nhớ đến người đã khuất kết hợp giữa nghi thức truyền thống và không khí sinh hoạt dân dã, ấm cúng.
Một cách rất tự nhiên, chàng trai Sóc Trăng đem nét văn hóa độc đáo này vào các video của mình, khiến các clip thêm sinh động, gần gũi.
Nét gần gũi, mộc mạc khiến Tuấn Khang được nhiều người yêu mến
Dân mạng để lại rất nhiều bình luận thú vị về “đám giỗ bên cồn”:
“Xem video của Khang, tôi cũng muốn được trải nghiệm đám giỗ bên cồn”; “Bên cồn chỉ có đám giỗ thôi sao? Thế còn đám cưới?”; “Khi nào thì Khang mời 10 triệu người follow về ăn đám giỗ bên cồn?”; “Đám giỗ bên Cồn bao giờ mới kết thúc đây?”…
Trước thắc mắc đó, chàng trai Sóc Trăng hài hước chia sẻ “đám giỗ thì năm nào cũng có nha mấy anh chị ơi, nên sẽ tiếp tục hoài, hoài luôn”, khiến người xem cười nghiêng ngả.
Cho đến hiện tại, Lê Tuấn Khang và “đám giỗ bên cồn” vẫn là từ khóa được cộng đồng mạng đua nhau tìm kiếm.
Ảnh: FBNV
Chàng trai Đà Nẵng cơ bắp lực lưỡng, miệt mài móc len thành các món đồ hút kháchVì một lời hứa đặc biệt với người cháu trai bị bệnh nan y, chàng trai Đà Nẵng đã đến với nghề móc len, tạo ra những món đồ đáng yêu, thu hút cộng đồng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tiktoker-le-tuan-khang-khien-mang-xa-hoi-dua-nhau-tim-kiem-la-ai-2347707.html