Cách đây 2 tháng, sau khi mua chiếc ô tô đầu tiên cho gia đình, anh Trần Đức Minh (Hà Nội) đã ngay lập tức trang bị một chiếc ghế ngồi ở phía sau cho cô con gái hơn 1 tuổi.
Trong một lần di chuyển, gia đình anh gặp phải vụ va chạm nhỏ. Nhờ có ghế ngồi an toàn phía sau, con gái anh không bị thương, chỉ có một vết bầm nhỏ trên người.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng cẩn trọng như anh Minh.
Ở Việt Nam, tình trạng trẻ em không sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô rất phổ biến. Chỉ có 1,3% xe chở trẻ em được trang bị ghế ngồi an toàn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Theo báo cáo từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, năm 2023, có khoảng 2.100 trẻ em bị thương vong do tai nạn giao thông (TNGT), chiếm 7,8% tổng số ca TNGT trên cả nước.
Để thay đổi thực trạng này, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có một số thay đổi và đã được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Cụ thể, luật mới quy định trẻ em dưới 10 tuổi, cao dưới 1,35m không được ngồi ghế cạnh tài xế và người chở trẻ em không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp sẽ bị phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Quy định này nhằm giảm nguy cơ chấn thương nghiêm trọng cho trẻ em trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.
Đây là một bước đi quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Nó không chỉ giúp bảo vệ trẻ em mà còn tạo ra một thói quen an toàn cho người dân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi tham gia giao thông bằng ô tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Nguy cơ chấn thương giảm cho trẻ em ngồi ghế sau kể cả trường hợp dùng và không dùng thiết bị an toàn.
Với trẻ em không dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương ở trẻ em ngồi ghế sau giảm 26% so với trẻ ngồi ghế trước. Với trẻ dùng thiết bị an toàn thì nguy cơ này giảm 14%.
Đặc biệt, việc đưa vào các tiêu chuẩn kỹ thuật về ghế ngồi an toàn, như ISOFIX, giúp giảm đáng kể các chấn thương và tử vong do tai nạn giao thông.
Việc ngồi ghế sau và sử dụng các thiết bị an toàn góp phần bảo vệ trẻ em
Theo báo cáo của WHO, việc sử dụng các thiết bị này có thể giảm rủi ro chấn thương nghiêm trọng lên tới 80%, một con số ấn tượng khi so với việc chỉ dùng dây an toàn cho người lớn.
Báo cáo của Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) cho thấy, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (giảm từ 34% đến 81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (35-72%) và các chấn thương khác của trẻ (25-58%) trong các vụ va chạm giao thông.
Theo báo cáo An toàn giao thông đường bộ toàn cầu WHO (2018), đến nay đã có gần 100 quốc gia ban hành quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân.
Trong khu vực ASEAN, đã có khá nhiều quốc gia áp dụng quy định này: Singapore (thông qua năm 2011), với trẻ dưới 135cm; Malaysia (thông qua năm 2020), với trẻ dưới 136cm và dưới 12 tuổi; Philippines (thông qua năm 2019), với trẻ dưới 12 tuổi hoặc dưới 150cm;…
Một số quốc gia như Mỹ, Canada, Australia và Thụy Điển đã áp dụng quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em từ những năm 1970, mang lại kết quả đáng kinh ngạc trong việc giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em trong tai nạn giao thông.
Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 4 tuổi đã giảm 45% từ năm 1975 đến 2017. Tại Thụy Điển, con số này là 90% trong giai đoạn 1970-2010. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt của các quy định bảo vệ trẻ em trên ô tô.
Hơn 1.300 học sinh được tuyên truyền an toàn giao thông Các em được tuyên truyền về những hành vi vi phạm an toàn giao thông thường gặp và nguyên nhân, quy định độ tuổi được phép sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Nơi đèn giao thông chỉ xanh một lần trong năm Đèn giao thông ở đảo Himakajima (Nhật Bản) độc đáo ở chỗ chỉ chuyển sang màu xanh một lần, thường vào tháng 5, trong một năm. ‘Bông hồng thép’ xuyên đêm cứu nạn giao thông Suốt 6 năm qua, Nguyễn Hoàng Kim Ngân và các thành viên của Đội cứu nạn giao thông 911 miệt mài cứu hộ gần ngàn trường hợp tai nạn giao thông tại TP.HCM.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tre-em-khong-ngoi-canh-ghe-lai-de-giam-nguy-co-chan-thuong-2347037.html