Sáng 22/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.
Hội thảo là dịp để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng các cơ quan ở Trung ương, địa phương nhận định, soi chiếu về lý luận, thực tiễn sinh động, những khía cạnh về địa vị chính trị, địa vị pháp lý, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vấn đề tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong bối cảnh hiện nay.
Khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Trong tư duy lý luận của Đảng, giai cấp công nhân hiện đại vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại gắn với những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất, lao động có năng suất, chất lượng cao, có khả năng hội nhập quốc tế, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ; có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, hệ tư tưởng khoa học, được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại chính là khâu chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần phải tích cực đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về sự suy giảm vai trò của giai cấp công nhân; cần nghiên cứu hoàn thiện các vấn đề lý luận về giai cấp công nhân, về vai trò sứ mệnh lịch sử mới của giai cấp công nhân.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Nghị quyết 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã nêu: “Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội”.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, đây cũng là dịp để đánh giá kết quả thực hiện những chủ trương, định hướng, giải pháp lớn về lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề chuyên môn, kỹ thuật; vấn đề tác phong, kỷ luật lao động, nâng cao năng suất lao động; hay vấn đề trí thức hóa công nhân…
Giai cấp công nhân Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Hội thảo đã có tổng số 22 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài hệ thống công đoàn, đề cập đến các vấn đề như: Cơ sở lý luận, pháp lý về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Trong đó, các chuyên gia đều cho rằng, cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu hệ thống lý luận về công nhân, công đoàn, nhằm xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, mang tính chất của kỷ nguyên mới, hiện đại về tư tưởng, tư duy, về phong cách lao động, về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, thật sự trở thành trụ cột trong liên minh, lực lượng nòng cốt trong xây dựng đất nước.
Với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học đã thể hiện quan điểm trên nhiều khía cạnh nội dung sâu sắc, đặc biệt chú trọng đến các vấn đề như: việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần và chính sách an sinh xã hội của người lao động…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn với công tác xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, ngày càng sâu rộng.
Giai cấp công nhân Việt Nam là nhân lực nòng cốt cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh: Trần Chung
Đến nay, công nhân nước ta đã có hơn 15 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng lao động xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Công nhân, lao động nước ta có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp ngày càng cao. Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27,2%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao như: dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học…
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý thảo luận và đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; đánh giá toàn diện, khách quan những thành tựu đạt được, những hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích tìm ra các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan của các hạn chế.
Đồng thời, thảo luận và dự báo xu hướng biến đổi, phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, từ đó, đề xuất giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại, nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học và công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt ở một số ngành, lĩnh vực then chốt như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, từ kết quả của hội thảo sẽ khơi gợi, hình thành một số giải pháp cơ bản, trọng tâm nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở đó, hình thành các kiến nghị về những chủ trương, chính sách lớn, nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho lực lượng lao động, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thực sự hiện đại, lớn mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Linh Chi