Thực hiện chiến lược phát triển cơ khí TKV, với mục tiêu “phát triển cơ khí chế tạo, hiện đại hóa cơ khí sửa chữa, chuyển hướng mạnh sang phục vụ cơ khí hóa khai thác than hầm lò…”, các đơn vị Cơ khí TKV đã chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị… nâng cao năng lực, đẩy mạnh phát triển cơ khí, đáp ứng cho sản xuất của TKV và vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
2018 – Năm của thắng lợi
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tập đoàn và các Ban chuyên môn, năm vừa qua, các đơn vị Cơ khí TKV đã bám sát kế hoạch phối hợp kinh doanh, có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, vươn lên phát triển mạnh mẽ. Các đơn vị cơ khí TKV đã có nhiều giải pháp trong điều hành sản xuất như tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, kinh tế; đẩy mạnh tự động hóa, tin học hóa; nâng cao chất lượng, tiến độ sửa chữa, chế tạo sản phẩm; mở rộng tìm kiếm thị trường; thực hiện hiệu quả công tác tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức chức sản xuất, tinh giản lao động…
Hiện nay, có 3 đơn vị cơ khí TKV đang nắm giữ cổ phần chi phối là Công ty CP Chế tạo máy – VINACOMIN (VMC), Công ty CP Công nghiệp Ôtô – VINACOMIN (VMIC) và Công ty CP Cơ khí Mạo Khê. Ngoài ra, còn có Viện Cơ khí Năng lượng và mỏ, các công ty cơ khí liên kết TKV không giữ cổ phần chi phối. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vũ Anh Tuấn khẳng định, Tập đoàn đã và tiếp tục có những cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển cơ khí. Tuy nhiên, phải đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh và thực hiện tốt dịch vụ sau bán hàng trong sửa chữa thiết bị cũng như cung cấp sản phẩm chế tạo.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải kiểm tra thiết bị Rô bốt chế tạo phụ tùng ô tô tại VMIC
Thực hiện kế hoạch năm 2018, Công ty CP Chế tạo máy đã đẩy mạnh sản xuất, cung cấp sản phẩm cho các đơn vị sản xuất hầm lò như sản xuất thép cán vì lò đạt trên 65.500 tấn, đạt 100,7% KHN và bằng 118% so với cùng kỳ. Đặc biệt là nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm thép cán vì lò SPV33 đạt 600 tấn, đáp ứng đủ 4 loại thép vì lò sử dụng trong TKV; sản xuất trên 6.000 cột chống thủy lực, gần 29.000 tấn vì chống lò các loại, trên 70 bộ giá chống thủy lực, 128 toa xe từ 1-3 tấn…. VMC cũng đã chế tạo phụ tùng cho Dự án cán thép Hòa Phát Dung Quất đạt 1.050 tấn, đạt 262% KHN và chế tạo phụ tùng cho ngành khác đạt 910,9 tấn, đạt 911% KHN… VMC đã về đích trước kế hoạch và đạt các mức kỷ lục về doanh thu cũng như các chỉ tiêu SXKD từ khi thành lập Công ty đến nay với doanh thu đạt trên 1.450 tỷ đồng, tăng 28% so với KHN và tăng 29% so với 2017; lợi nhuận ước đạt 8,8 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt trên 7,9 triệu đồng/người/ tháng.
Công ty CP Công nghiệp Ôtô đã tích cực đầu tư các thiết bị tự động hóa, nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo các sản phẩm mới như giá thủy lực liên kết xích, barie mềm, giàn mềm, thanh neo, ống mềm thủy lực cao áp các loại…, đặc biệt, chế tạo phụ tùng ước đạt 2.100 tấn/1.500 tấn, đạt 140% KHN; phục hồi phụ tùng 750 tấn/510 tấn, đạt 147% KHN; chế tạo 7 xe chuyên dụng… Doanh thu của VMIC ước đạt 340 tỷ đồng, đạt 118,9% KHN; lợi nhuận đạt 5,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng. Công ty CP Cơ khí Mạo Khê trong 6 tháng cuối năm đã bứt phá vươn lên, doanh thu đạt 210 tỷ đồng, bằng 110,5% KHN; phối hợp với các đơn vị cơ khí chế tạo 625 bộ giàn mềm GM 20/30 với giá trị trên 33,7 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt trên 2 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 7,2 triệu đồng/người/tháng…
Cơ hội và phát triển
Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mang lại nhiều cơ hội cho cơ khí phát triển; Ngành cơ khí luôn được Đảng, nhà nước quan tâm với quan điểm cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước; Tập đoàn TKV xác định cơ khí là ngành công nghiệp hỗ trợ quan trọng, là ngành sản xuất chính với mục tiêu “đẩy mạnh cơ khí chế tạo và hiện đại hóa cơ khí sửa chữa”; Trong Quy hoạch phát triển ngành Than, với sản lượng than thương phẩm sản xuất 47-50 triệu tấn vào năm 2020, 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030, nhu cầu đầu tư, sử dụng thiết bị trong TKV là rất lớn…, đây là những cơ hội cho các đơn vị Cơ khí TKV đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Ký kết hợp tác giữa VMIC với Tập đoàn BELAZ – Cộng hòa Belarus
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc Tập đoàn, VMC đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến 2035; VMIC và Cơ khí Mạo Khê xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến 2030, khẳng định sự cần thiết của chiến lược phát triển; xu thế sản phẩm cơ khí, cơ hội và thách thức… Đồng thời xác định mục tiêu: “phát huy nội lực, ổn định và giữ vững các sản phẩm truyền thống; tiếp tục phát triển cơ khí chế tạo, hiện đại hóa cơ khí sửa chữa, chuyển hướng mạnh sang phục vụ cơ khí hóa khai thác than hầm lò; đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa, tự động hóa theo xu hướng phát triển của CMCN 4.0, đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong và ngoài ngành, trong nước và quốc tế…”.
Về các giải pháp phát triển, ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Chế tạo máy nhấn mạnh, VMC sẽ chú trọng các giải pháp phát triển thị trường, phát triển sản phẩm trong và ngoài TKV, vươn ra thị trường quốc tế, nâng cao năng lực thực hiện các dự án theo hình thức tổng thầu EPC; đầu tư nâng cao năng lực sản xuất; đổi mới, hiện đại hóa công nghệ theo hướng nâng cao trình độ tự động hóa, tin học hóa…, xây dựng VMC trở thành một trong những trung tâm cơ khí lớn của TKV và cả nước. Ông Phạm Xuân Phi, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Ôtô thì cho biết, VMIC tiếp tục đầu tư các dây chuyền tự động hóa, nghiên cứu chế tạo các sản phẩm mới phục vụ khai thác hầm lò, VLNCN và các ngành khác; phát triển năng lực chế tạo, tham gia đấu thầu các dự án; phối hợp với các hãng ôtô trên thế giới sản xuất, lắp ráp xe tải, xe chuyên dụng…; phấn đấu đến 2030 thay đổi cơ bản tỷ trọng doanh thu hàng năm, tăng tỷ trọng doanh thu chế tạo thiết bị, phụ tùng đạt 70% và doanh thu sửa chữa còn 30%. Công ty CP Cơ khí Mạo Khê xác định các sản phẩm chiến lược, giữ vững các sản phẩm truyền thống, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực chế tạo phụ tùng, sửa chữa thiết bị; chuyển hướng chế tạo các sản phẩm mới đáp ứng sản xuất cho các đơn vị của TKV và ngoài ngành…
Tại buổi làm việc với các đơn vị Cơ khí TKV về xây dựng Chiến lược phát triển cơ khí, Phó TGĐ Vũ Anh Tuấn cho rằng, Chiến lược là cơ sở để đẩy mạnh sản xuất, phát huy thế mạnh, tiềm năng của 3 đơn vị cơ khí chủ lực. Tập đoàn tiếp tục tăng cường chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện để cơ khí TKV phát triển. Bên cạnh đó, Cơ khí TKV cần xác định về thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả SXKD; nắm bắt những cơ hội, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị cơ khí, phát huy tối đa những lợi thế của từng đơn vị, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cung cấp cho các đơn vị hầm lò, thực hiện chủ trương CGH, TĐH của Tập đoàn, xây dựng các đơn vị Cơ khí TKV phát triển, khẳng định vai trò, vị trí của Cơ khí TKV đối với sự phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng như sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dap-ung-san-xuat-vuon-ra-thi-truong-201901311036189306.htm” button=”Theo vinacomin”]