Bến phà Đống Cao được thành lập năm 2014, nhằm đảm bảo giao thông trên Quốc lộ 37B vượt qua sông Đào, nối huyện Ý Yên và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Bến trưởng Hoàng Thị Duyên cho biết, bến có 3 phương tiện chở khách gồm 2 phà tự hành và 1 phà 1 lưỡi.
Bến phà Đống Cao được thành lập năm 2014
Hàng ngày, phà Đống Cao bắt đầu hoạt động từ 4h30 và kết thúc vào 21h. Số lượng công nhân phục vụ tại bến là 22 người, chia làm 2 ca.
Phà tự hành được chia thành 2 luồng xe máy và ô tô
Trong suốt hành trình của mình, phà Đống Cao đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống người dân đôi bờ.
Ai cũng hiểu cầu Đống Cao khi hoàn thành sẽ mang lại sự thuận tiện và mở ra nhiều cơ hội nhưng không khỏi bâng khuâng khi phải chia xa những chuyến phà gắn bó nhiều năm.
Những chuyến phà kỷ niệm
Những ngày này, người dân cùng phương tiện vẫn đang tấp nập, hối hả lên xuống bến nhưng chẳng bao lâu nữa, hình ảnh quen thuộc ấy sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Người dân tấp nập di chuyển lên, xuống phà Anh Nguyễn Hoàng Điệp ngày nào cũng đi qua phà mấy lượt
Anh Nguyễn Hoàng Điệp (trú tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng) cho biết, anh chở hàng nên ngày nào cũng phải đi qua phà mấy lượt.
“Bao năm nay, tôi quen ‘qua sông lụy đò’. Người dân chúng tôi lúc nào cũng mong có cây cầu bắc qua sông để đi lại nhanh chóng, thuận tiện.
Từ lúc cầu Đống Cao khởi công, tôi đã đếm ngược từng ngày mong tới ngày thông xe. Giờ ngày đó đang tới gần nhưng tôi lại có cảm xúc rất khó tả, vui nhưng lại có chút luyến nhớ”, anh tâm sự.
Bến trưởng Hoàng Thị Duyên tự hào đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa hành khách qua sông an toàn trong suốt những năm qua
Đứng đăm chiêu nhìn phà chở khách qua sông, bà Duyên chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa hành khách qua sông an toàn, đảm bảo giao thông tại 2 đầu bến không bị ùn tắc.
Tôi gắn bó với bến phà từ năm 2016 nên có rất nhiều kỷ niệm. Khách đi phà quen mặt nên cứ gặp là chào hỏi, nói chuyện tíu tít.
Sắp tới, cầu Đống Cao thông xe, chúng tôi rất mừng vì việc đi lại của bà con sẽ thuận tiện hơn. Nhưng cũng có chút buồn vì phải chia tay công việc gắn bó bấy lâu nay”.
Ông Đại vẫn rất yêu công việc này
Cùng tâm trạng xen lẫn buồn vui, thuyền trưởng Trần Văn Đại, người đã gắn bó với phà Đống Cao suốt gần 1 thập kỷ qua cũng không giấu nổi sự xúc động khi nghĩ về ngày chia xa đang tới gần.
“Khi cầu Đống Cao thông xe cũng là lúc chúng tôi hoàn thành sứ mệnh chở khách qua sông. Tôi sẽ rất nhớ công việc này, nhớ tiếng cười nói của hành khách, chắc phải mất 1 thời gian tôi mới quen được”.
Môi trường làm việc ở cabin lái phà rất vất vả vì phải đứng liên tục nhiều giờ, lại phải nghe tiếng ồn lớn khiến ông Đại bị điếc. Cũng vì bị bệnh nghề nghiệp mà ông từng gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Ông kể: “Tôi làm thuyền trưởng đã được 30 năm. Do công việc phải tiếp xúc tiếng ồn lớn của động cơ trong thời gian dài khiến tai bị ù, điếc nên tôi quen nói to hơn bình thường.
Khổ nỗi, nhiều khi khách không biết lại tưởng tôi đang quát hay nổi cáu. Đa phần mọi người đều hiểu nhưng cũng có người phản ứng ‘sao bác nói lớn thế, sao mà căng thẳng thế’, lúc ấy tôi chỉ biết cười trừ”.
Tới đây, khi phà Đống Cao ngừng hoạt động, không chỉ các nhân viên làm việc trên phà cảm thấy luyến tiếc mà những người buôn bán tại 2 đầu bến phà cũng có chung nỗi niềm.
Ông Bùi Văn Bằng (68 tuổi, trú tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng), bán quán nước tại bến phà Đống Cao chia sẻ, ông đã có nhiều năm gắn bó với nơi này.
Khi cầu Đống Cao thông xe, quán nước của gia đình ông cũng phải dừng vì chỗ này sẽ chẳng còn ai qua lại nữa. Ông không buồn nhưng ông sẽ rất nhớ anh em công nhân bến phà, nhớ những hành khách từng từ lạ thành thân quen.
Cầu Đống Cao sẽ thay thế cho tuyến phà
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, phà Đống Cao sẽ hoàn tất sứ mệnh nhưng nó sẽ mãi là một phần không thể thiếu trong ký ức của người dân nơi đây và cả những người từng gắn bó với nó.
Các nhân viên làm việc tại phà Đống Cao còn trong độ tuổi lao động sẽ được bố trí công việc mới sau khi tuyến phà dừng hoạt động.
Cầu Đống Cao có chiều dài gần 2km bao gồm cả đường dẫn, được khởi công từ tháng 8/2022, dự kiến trong quý 4/2024 sẽ thông xe kỹ thuật.
Đây là cây cầu quan trọng thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn 2).
Sau khi hoàn thành, cầu góp phần rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Bắc – Nam. Qua đó, tạo bước đột phá về kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch vùng kinh tế biển của tỉnh nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung.
Những chuyến phà Rừng cuối cùng đưa người dân Quảng Ninh, Hải Phòng qua sôngCầu Bến Rừng đi vào hoạt động cũng là lúc tuyến phà Rừng (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) ngừng nổ máy sau nhiều thập kỷ đưa người dân qua sông Đá Bạch.