Nguyễn Quang Ẩn là cán bộ kỹ thuật của Viettel huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Anh có 11 năm chuyên đi lắp đặt các cột phát sóng ở vùng sâu, vùng xa.
15h ngày 6/11, anh Ẩn nhận được cuộc gọi của Giám đốc chi nhánh Viettel huyện Tây Sơn khi đang đứng ở độ cao 42m so với mặt đất.
Lắp đặt, kiểm tra thiết bị trên các cột phát sóng viễn thông là công việc hàng ngày của anh, nhân viên kỹ thuật sinh năm 1990. Nhưng lần này, anh nhận một nhiệm vụ khác.
Anh Ẩn được thông báo, có 2 phi công nhảy dù từ chiếc máy bay Yak-130 gặp nạn được xác định là đang bị mắc kẹt ở khu vực huyện Tây Sơn. Đây là địa bàn anh đã có 11 năm kinh nghiệm lăn lộn để lắp đặt các cột phát sóng viễn thông.
Lãnh đạo phân công cho anh nhiệm vụ đến ngay Trạm Bình Định 126 để xoay và điều chỉnh góc ngẩng ăng-ten nhằm xoay hướng ăng-ten vào vùng trọng tâm cần hướng đến. Cùng với đó, ở Trung tâm Kỹ thuật KV2-TCT Viettel Networks, các cán bộ kỹ thuật điều chỉnh các thông số trên hệ thống để mở rộng vùng phủ sóng, nhằm mục đích phủ được sóng cho khu vực xác định là điểm tiếp đất của 2 phi công và bắt được sóng với điện thoại di động của họ.
Trời mưa to cộng với những cuộc điện thoại liên tục trên quãng đường hơn 30km khiến anh đến nơi khi đã gần 17h.
“Tôi vừa đến nơi thì Chủ tịch Tập đoàn Viettel, Thiếu tướng Tào Đức Thắng gọi điện trực tiếp chỉ đạo. Anh bảo, bây giờ đã xác định được tọa độ của Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, muốn tôi tới đó kiểm tra xem sao. Việc điều chỉnh thiết bị sẽ có người khác lo”.
Tọa độ anh Ẩn nhận được đầu tiên ở rất gần khu dân cư và gần chỗ anh đang đứng. Để xe máy ở một góc, anh đi vào theo hướng tọa độ chỉ nhưng không thấy ai. Anh nghi ngờ tọa độ này chưa chính xác. Bởi vì ban đầu khi liên lạc được với phi công, sóng rất chập chờn nên nhiều khả năng nạn nhân đang ở sâu trong rừng. Còn khu vực anh Ẩn đang đứng sóng rất mạnh.
“Tôi gọi lại cho Chủ tịch Tập đoàn để báo cáo tình hình và đề nghị phía kỹ thuật xác định lại tọa độ”.
Một lát sau, tọa độ mới được gửi tới. Đây mới là tọa độ chính xác giúp anh Ẩn và đội tìm kiếm tìm ra Thượng tá Quân về sau.
Quan sát tọa độ mới trên bản đồ, anh Ẩn nhận thấy vị trí cần đến ở rất xa, lại phải băng qua một con suối, trong khi trời lúc đó đã tối.
“Tôi báo cáo với lãnh đạo rằng tôi không thể đi một mình vào thời điểm này, mà cần có thêm người hỗ trợ. Anh Thắng có nói ‘bằng mọi cách phải tiếp cận để cứu được 2 anh phi công’. Nếu để qua đêm, tính mạng các anh sẽ gặp nguy hiểm”.
Trên đường ra lấy thêm đèn pin, anh gặp một nhóm cứu nạn, trong đó có 2 phi công là đồng đội của Thượng tá Nguyễn Hồng Quân và Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, 4 chiến sĩ từ bên Trường Bắn quốc gia II (Tây Sơn, Bình Định) và 4 người dân bản địa đang tiến vào. Anh Ẩn nhập thành đội, đi theo tọa độ đã được gửi.
Khi cả nhóm đến bờ suối, sóng bắt đầu chập chờn rồi mất hẳn. Tọa độ của phi công cũng không còn. Mọi liên lạc với các đơn vị ở nhà bị đứt đoạn.
Anh Ẩn xác định: Khu vực này bị che chắn bởi núi cao nên không bắt được sóng. Nếu cứ đi tiếp, thoát ra khỏi đây, rất có thể lại có sóng như bình thường.
Suối lúc này nước lớn, chảy xiết và không thể tìm được đường nào để băng qua. Chưa kể, cơn mưa vẫn dai dẳng đổ xuống.
Cả nhóm đi dọc bờ suối hơn 1 tiếng đồng hồ vẫn chưa thể tìm được cơ hội để qua. Ai cũng nghĩ, liều mạng lúc này là mất mạng.
“Những người dân bản địa đi cùng nói rằng đi tiếp nữa sẽ có một cây cầu khỉ mà người dân vẫn hay đi qua suối. Khi chúng tôi tới nơi, cây cầu đã bị ngập một nửa dưới mặt nước. Dòng nước xiết khiến tất cả ái ngại. Chỉ cần sảy chân một chút là có thể bị nước cuốn trôi ngay lập tức. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định qua suối” – anh Ẩn kể.
Không có thiết bị gì hỗ trợ, nhóm 11 người gồm 2 phi công, 4 chiến sĩ và 4 người dân bản địa lần lượt bám cây dò từng bước. Có những chỗ nước ngập đến tận thắt lưng.
Con suối nước chảy xiết mà cả nhóm phải mạo hiểm tính mạng để băng qua
Qua được khu vực nguy hiểm nhất lại đến đoạn đường rất khó leo. “Có nhiều chỗ chúng tôi phải bò. Nhiều lần bước phải khe đá, tụt xuống sâu, may là anh em không ai bị sao”.
“Rắn độc ở khu vực này rất nhiều. Trời thì vẫn mưa tầm tã”.
Không có đủ thức ăn để ăn tối, cả nhóm nhịn đói. Chỉ có ít mì tôm và chai nước suối để dành cho các anh phi công. “Không hiểu sao lúc ấy tôi không thấy đói mà chỉ khát nước. Chai nước 1,5 lít được cả nhóm uống dè sẻn. Trời mưa nên tôi lấy áo mưa hứng nước uống… Chỉ dám uống rén rén chút xíu vì trong rừng bụi bẩn, nước mưa đen sì”.
Đúng như dự đoán của anh Ẩn, càng leo lên thì sóng càng hồi lại. Lúc này, phía kỹ thuật của Tập đoàn cũng đã có các biện pháp để sóng mạnh nhất có thể. Nỗi lo về sóng không còn nữa.
Nhưng cả nhóm lại lo phi công sẽ di chuyển ra khỏi tọa độ ban đầu như một phản ứng sinh tồn tự nhiên trong lúc tìm đường thoát. Cả nhóm vừa đi vừa hú để xem có nhận được tín hiệu đáp lại hay không.
“Một lúc sau, chúng tôi nghe thấy tiếng hú yếu ớt vọng lại. Tất cả như bừng tỉnh. Đúng anh Quân rồi!…
Chẳng ai đi nữa. Tất cả đều chạy về phía trước cho đến khi nhìn thấy anh Quân. Anh em chạy lại ôm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Mọi mệt mỏi như tan biến hết”.
Thượng tá Quân được tìm thấy
Sau khi lấy đồ ăn, nước suối cho phi công ăn uống hồi lại sức, cả nhóm bàn nhau sẽ làm gì tiếp theo khi trong tay đã có tọa độ của Đại tá Sơn.
“Ban đầu, mọi người định đưa anh Quân về, để cho đội khác lên ứng cứu anh Sơn. Nhưng sau khi nhìn bản đồ, thấy chỗ anh Sơn chỉ cách chỗ chúng tôi đứng khoảng 1km, chúng tôi quyết định chia nhóm thành 2. Bốn người, gồm 2 phi công và 2 người dân bản địa sẽ đưa anh Quân xuống. Bảy người còn lại đi tiếp để tìm anh Sơn”.
Con đường tới chỗ Đại tá Sơn còn “khó nhằn” hơn trước đó. Quãng đường 1km trong điều kiện thời tiết mưa gió, trời tối đen khiến cả nhóm mất đến 2 tiếng đồng hồ.
“Khi gần tới nơi, chúng tôi cũng hú lên như lần trước. Nhưng lần này tiếng hú đáp lại rất khỏe và vang to. Chúng tôi nghi ngờ đó có thể là tiếng của một đội cứu hộ khác chứ không phải anh Sơn. Nhưng chẳng biết làm thế nào để xác định, chúng tôi vẫn quyết định đi về phía âm thanh đó.
Trời tối nên phải đến thật gần nhau, chúng tôi mới biết đó là anh Sơn thật. Xúc động không thể tả!”.
22h14, anh Ẩn nhắn tin vào nhóm cứu hộ ngắn gọn 2 chữ “đã thấy” kèm bức hình chụp anh Sơn và các đồng đội.
Đại tá Sơn được tìm thấy vào hơn 22h
Ở Trung tâm Kỹ thuật KV2-TCT Viettel Networks, 6 cán bộ làm nhiệm vụ xác định tọa độ của 2 phi công “nhảy cẫng” lên reo hò, ăn mừng chiến thắng.
2h sáng, anh Ẩn trở về nhà – nơi mà ba mẹ và vợ anh vẫn đang thấp thỏm ngồi chờ. Trước khi vào rừng, anh có báo cho vợ biết mình sắp đi đâu. Cả nhà không ai ngủ được.
10h sáng hôm sau, anh đã lại có mặt ở nơi cần mình có mặt, với độ cao cách mặt đất 42m để làm công việc hàng ngày. Khi chúng tôi gọi điện, anh Ẩn bắt máy và hẹn sẽ gọi lại vào giờ nghỉ. Anh gửi bức ảnh từ độ cao 42m – “văn phòng làm việc” thường ngày của mình để giải thích lý do.
Anh Ẩn gửi bức ảnh từ độ cao 42m
Anh tâm sự, đứng trên cao, nhìn về phía ngọn núi mình đã leo đêm qua, anh giật mình không hiểu đã lấy đâu ra sức mạnh để có thể chinh phục được nó.
“Ngẫm lại, có lẽ tôi có 2 lý do.
Thứ nhất, với những người chiến sĩ đã không quản hiểm nguy, sương gió, thiếu thốn tình cảm gia đình để bảo vệ cho đất nước bình yên, tôi thấy việc làm của mình thật nhỏ bé.
Thứ hai, có những đồng nghiệp của tôi, làm cả đời cho Viettel nhưng chưa từng được nói chuyện với Chủ tịch Tập đoàn. Vì thế, khi nhận được chỉ đạo trực tiếp từ anh Thắng, tôi lấy làm vinh dự và coi đó là nhiệm vụ mình cần phải hoàn thành.
Anh Ẩn cho rằng có những động lực quá xứng đáng để liều mình tìm cứu 2 phi công
“Việc có được tọa độ của 2 phi công là do Viettel đã làm chủ được công nghệ của mình. Nếu chúng ta dùng mạng của nước ngoài thì sẽ bị phụ thuộc.
Làm chủ công nghệ ở đây là khai thác được các dữ liệu lưu trên hệ thống tổng đài để tiến hành phân tích hành vi thuê bao; hiểu rõ cấu trúc, nguyên lý, thông số hoạt động của thiết bị để từ đó đưa ra các hành động nhằm tăng và mở rộng vùng phủ sóng.
Trước đây, muốn điều chỉnh góc ngẩng ăng-ten các kỹ thuật viên phải leo cột và chỉnh bằng tay. Hiện nay, các hệ thống hiện đại cho phép kỹ thuật điều chỉnh ăng-ten bằng cách tác động lệnh để thay đổi thông số trên hệ thống. Tuy nhiên mỗi tình huống có đặc điểm riêng, tình huống lần này chưa xảy ra bao giờ.
Ngoài ra, việc triển khai mở rộng vùng phủ, đặc biệt là phủ sóng 4G vào các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn ở huyện miền núi là chủ trương xuyên suốt của Viettel. Các trạm di động ở vùng núi cao hiểm trở, ngoài việc đảm bảo sóng 4G cho dân cư, còn được thiết kế chiếm lĩnh độ cao để phủ rộng nhất, nhằm phục vụ cho các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh và các tình huống cứu hộ, cứu nạn”.
Bà Nguyễn Vũ Trà My, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật KV2-TCT Viettel Networks.
Ảnh, clip: NVCC
5 tiếng tìm tọa độ phi công Yak-130 và hồi chuông ‘cân não’Trong 5 giờ đồng hồ, các lãnh đạo, cán bộ của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tìm mọi cách để xác định được tọa độ chính xác của 2 phi công nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay Yak-130 – điểm mấu chốt nhất trong cuộc giải cứu.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/8-gio-xuyen-rung-dem-tim-cuu-2-phi-cong-yak-130-2340524.html