Cuộc gọi bất ngờ
Ông Dương Văn Hồng (SN 1956, thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) nhớ tuổi thơ của mình đã gắn liền với đồng, với đất. Hình ảnh người cha già miệt mài với nghề đã ăn sâu vào tiềm thức của ông.
Ông Dương Văn Hồng say sưa giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Tú Linh
Thấy cậu con trai 12 tuổi cặm cụi nặn đất, người cha chắc chắn con mình sẽ là “nhân tài” theo được nghề đúc đồng. Từ đó, ông Hồng được cha đào tạo từ khâu nhào nặn đến vẽ bản mẫu, làm khuôn.
Cũng có không ít lần sai sót, làm hỏng sản phẩm nhưng ông Hồng chưa từng bỏ cuộc. Đến năm 20 tuổi, ông Hồng đã thành thạo nghề.
Năm 1995, ông Hồng chính thức ra mở xưởng riêng. Ông thuê vài người thợ, một mình “ôm” hết các khâu để làm ra một sản phẩm hoàn thiện.
Từ năm 1998 đến 2005 là khoảng thời gian khó khăn nhất của ông khi hầu hết sản phẩm làm ra không bán được. Ông nảy ra ý định kiến nghị với xã đưa sản phẩm lên các triển lãm ở thủ đô để giới thiệu.
Có thời gian, vì nản, ông bỏ sang làm nghề khác. Nhưng sau vài năm ông lại không thể “dứt áo” vì nhớ tới người cha già vất vả bao năm.
Sản phẩm đúc đồng tinh tế, tỉ mỉ. Ảnh: Tú Linh
Ông Hồng không bao giờ quên cuộc gọi của một người bạn ở Chương Mỹ (Hà Nội). Cuộc gọi đó đã làm thay đổi tất cả.
“Năm đó, một người bạn ở Hà Nội gọi điện đặt mua đỉnh đồng. Khi mang về, nhiều người đến nhà ông ấy nhìn thấy, khen ngợi và nhờ mua hộ. Sản phẩm của tôi được nhiều người trong làng của bạn biết tới.
Người bạn sau đó gọi cho tôi đặt một đơn hàng ‘khủng’ cho nhiều người trong làng. Chính đơn hàng ấy là động lực khiến tôi nhận ra sản phẩm của mình được nhiều người thích, chỉ là chưa được truyền bá mà thôi”.
Ông Hồng quyết định một mình đi tiếp thị sản phẩm ở phố Hàng Đồng, Hà Nội. Chính sự kiên trì ấy đã giúp ông mang lại vận may cho gia đình.
Các sản phẩm ban đầu được bán hết khiến ông vui mừng. Ông huy động cả nhà làm tiếp các mặt hàng khác. Cứ như thế, số hàng bán ra ngày càng lớn, nhiều người biết đến sản phẩm đúc đồng làng Lộng Thượng.
Năm 2008 -2010, nghề đúc đồng không còn gói gọn trong gia đình ông Hồng nữa mà được cả làng mở rộng, nhiều xưởng ra đời. Từ đó, nghề đúc đồng truyền thống ở Lộng Thượng sang một trang mới.
Ông Hồng cho biết, các khâu để làm ra một sản phẩm hoàn thiện là tạo mẫu, làm khuôn, đúc và thành phẩm. “Không có khâu nào là quan trọng nhất nhưng khâu tạo mẫu chính là tinh hoa của sản phẩm”.
Cơ sở nhà ông Hồng có nhiều sản phẩm bắt mắt. Ảnh: Tú Linh
Trước đây, mọi công đoạn đều làm bằng tay nên vất vả. Về sau, máy móc được áp dụng, công việc nhàn hơn. Ông Hồng là một trong những người đầu tiên dùng máy ép khuôn thay cho khuôn đất vào năm 2015.
Được phong nghệ nhân đúc đồng 6 năm trước, ông tự hào với danh hiệu và tiếp tục phát huy nghề của cha ông để lại.
Phát triển nghề, phát triển du lịch
Từng đau đáu vì lo mất nghề truyền thống, giờ đây ông Hồng có thể an tâm vì con trai út (SN 2003) rất yêu nghề và cũng muốn gắn bó với nghề.
Ông truyền nghề cho bố, bố truyền nghề cho con, con truyền nghề lại cho cháu, cứ như thế, 4 thế hệ nhà ông Hồng đã nuôi nghề đúc đồng với tất cả nhiệt huyết và tình yêu.
“Có lúc con trai tôi cũng kêu làm nghề vất vả nhưng tôi động viên cháu cố gắng giữ nghề của làng, của gia đình. Đó không chỉ là nghề mang lại ấm no mà còn là nét văn hóa truyền thống cần giữ gìn”.
Cảm kích lời bố, cậu con trai giờ đây rất thành thạo với nghề, thay bố quán xuyến mọi việc trong xưởng. Ngoài chỉ bảo con trai, ông Hồng còn chia sẻ, dạy miễn phí cho những thanh niên trong làng.
“Càng nhiều người biết làm và làm đẹp thì nghề càng phát triển, làng nghề càng lớn mạnh. Người dân trong làng có nghề để kiếm sống, sản phẩm được quảng bá là niềm vui lớn không gì so sánh được”.
Ông Hồng kể chuyện xưa. Ảnh: Tú Linh
Ông Hồng bày tỏ mong muốn nghề đúc đồng của địa phương được quảng bá đến các địa phương khác, thậm chí là nước ngoài. “Nhiều người nước ngoài đi ngang qua đều ghé ngắm các sản phẩm của gia đình tôi làm.
Là chủ tịch hội làng nghề của xã, tôi thực sự thấy may mắn vì góp được phần công sức quảng bá du lịch địa phương. Tôi vui vì làng Lộng Thượng đã tạo được tiếng vang trong cả nước”, ông chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết, gia đình ông Hồng là tấm gương tiêu biểu phát triển nghề đúc đồng của xã. Là chủ tịch hội làng nghề xã Đại Đồng, ông Hồng đi tiên phong trong việc áp dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, cho ra nhiều sản phẩm tinh tế, giúp làng nghề được nhiều người biết đến. Cốc bia huyền thoại: Họa sĩ thiết kế 1 giờ và người đàn ông Đức mua đầy 5 container Từng có thời gian họa sĩ Lê Huy Văn quên chính tác phẩm của mình. Ông không ngờ, sau nhiều năm, cốc bia hơi thủy tinh do mình thiết kế lại trở thành một “huyền thoại”. Con trai ‘tổ nghề’ kể về thời hoàng kim của chiếc cốc bia huyền thoại Kể về người bố quá cố, người giúp cả làng Xối Trì có nghề thổi thủy tinh truyền thống, ông Phạm Văn Hiển xúc động khi những ký ức xưa ùa về. Những người thợ nhọc nhằn mỗi ngày thổi 3.000 cốc bia hơi ở Nam Định Chiếc cốc thủy tinh màu xanh, kiểu dáng đơn giản, không biết từ bao giờ đã trở thành vật dụng gắn liền với bia hơi Hà Nội. Ít ai biết rằng, đằng sau mỗi chiếc cốc thủ công ấy chứa đựng rất nhiều câu chuyện thú vị.