Ra nước ngoài làm việc để khám phá
Những năm qua, Hoàng Cẩm Hà (29 tuổi, TPHCM) có thói quen viết và chia sẻ video, hình ảnh về các trải nghiệm khi làm việc ở nước ngoài trên trang nhật ký điện tử Little Haley.
Đây là nơi cô trải lòng, lưu giữ và chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc.
Hà đến đảo Tasmania của Australia làm công việc chính là đóng gói dâu tây
5 năm trước, Hà chọn ra nước ngoài sinh sống và làm việc. Hà muốn dùng cách này để ngắm nhìn thế giới, trải nghiệm cuộc đời mới ở đất nước mới.
Với kiến thức và tham khảo người đi trước, Hà tự túc tìm việc hợp pháp ở nước ngoài.
Tháng 10/2023, Hà đến Sydney (Australia) theo diện visa Working Holiday (lao động kết hợp kỳ nghỉ) 462.
Tuần đầu tiên, Hà kết hợp tham quan Sydney và tìm kiếm việc làm.
Cô tìm việc qua báo giấy tiếng Việt, hỏi người quen hoặc dò tìm trên mạng,… Hà không kén việc. Cô xác định nếu sang đây thì sẵn sàng làm nông, phụ bếp hoặc các công việc tay chân khác.
Hà khá ưng ý với công việc hái và đóng gói dâu tây ở Tasmania, phía Nam Australia. Cô liên lạc và nhận việc ngay khi trao đổi với bên tuyển dụng.
Công việc đóng gói nhẹ nhàng hơn hái dâu ở ngoài đồng
Làm nông ở vùng hẻo lánh
Hà làm việc tại thị trấn Cygnet – vùng hẻo lánh của đảo Tasmania. Ở đảo, mùa dâu bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vừa hay, Hà đến đảo làm việc từ tháng 10/2023 đến tháng 2/2024.
Công việc chính của Hà là đóng gói dâu tại nông trại D.M. Jennings & Sons. Nông trại này gồm 4 cánh đồng dâu: Riffle, Downham, Glanville và Gorrine. Hà làm thêm việc hái dâu vào buổi sáng.
Nông trại dâu ở ngoài trời, không có mái che. Nếu hái dâu cả ngày thì khá mất sức do thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài đóng gói, Hà còn làm thêm công việc hái dâu
Hà kể: “Trên đảo có gió hanh khô và thổi mạnh. Mưa diễn ra khá nhanh và bất chợt nhiều lần trong ngày. Nếu mưa nhỏ thì tôi vẫn phải làm việc”.
Hà được hướng dẫn hái dâu bằng tay. Để dâu tươi lâu và hái nhanh, cô phải dùng ngón tay ngắt cuống dâu. Hà liên tục ngắt cuống bằng hai tay. Nếu hôm nào quên mang găng tay y tế thì các đầu ngón tay khá đau.
Cánh đồng dâu có địa hình dốc. Luống dâu trồng thấp, người hái phải quỳ, cúi liên tục. Trong lúc hái, cô xách theo chiếc khay đựng dâu rất nặng. Vì thế, công việc hái dâu tương đối vất vả.
Nếu hái hết dâu ở cánh đồng này thì phải leo đồi sang cánh đồng khác để tiếp tục làm việc. Công việc này đòi hỏi sức bền, làm ngoài đồng từ 10 – 12 giờ. Thế nên, chủ nông trại ưu tiên tuyển người có thể lực tốt.
Người hái phải xách khay dâu nặng trong lúc làm việc
Vì công việc chính là đóng gói nên Hà may mắn làm đủ thời gian 3 tháng theo dự kiến. Nhiều người nhận làm cả ngày ở ngoài đồng đã bỏ cuộc ngay ngày làm việc đầu tiên hoặc sau 1 tuần cố gắng.
Nếu hái ít hơn 4 khay/giờ thì Hà nhận lương theo giờ (28,26 AUD (gần 470.000 đồng)/giờ, tính theo lương năm 2023). Nếu hái từ 4 khay/giờ trở lên thì cô được nhận lương khoán, 7 AUD (hơn 116.000 đồng)/khay (1 khay khoảng 5 – 6kg). Trong giờ giải lao, cô có thể ăn dâu miễn phí.
Hàng ngày, Hà làm việc ở cánh đồng đến khoảng 10h30, sau đó trở về khu vực đóng gói dâu. Công việc này nhàn hơn hái dâu. Mỗi giờ, Hà phải đóng được 170 hộp thì mới được xem là đủ chỉ tiêu.
Làm nông ở Úc khá vất vả
Hà cho biết: “Mỗi tháng, tôi chi hơn 1.000 AUD (hơn 16 triệu đồng) cho sinh hoạt, ăn uống, tiền phòng,…
Cygnet cách trung tâm đảo Tasmania hơn 70km. Ở đây không có chỗ vui chơi, trung tâm mua sắm. Dù có tiền cũng không có chỗ để tiêu.
Vào ngày nghỉ, tôi có thể thư giãn bằng cách đi dạo. Đường sá ở Cygnet rất vắng người, khung cảnh yên bình đến lạ”.
Ở Tasmania, Hà thường đi dạo vào ngày nghỉ
Đến tháng 2/2024, Hà chuyển đến thị trấn Perenjori, Tây Australia làm phụ bếp tại một khách sạn gia đình. Hàng ngày, cô có nhiệm vụ chuẩn bị các loại nguyên liệu cho đầu bếp, chiên đồ ăn, làm salad, dọn dẹp,…
Địa điểm làm việc mới của Hà thuộc vùng sâu vùng xa, có khoảng 600 người sinh sống. Tại đây, cô làm quen thêm nhiều người bạn mới. Họ sẵn sàng giúp đỡ và đưa cô đi khám phá nước Australia.
Nhờ ra nước ngoài làm việc, Hà có thêm nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm quý giá. Không chỉ mở mang tầm mắt, cô còn hiểu bản thân và định hướng tương lai tốt hơn.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cú sốc mất một cánh tay nơi xứ người của chàng trai Kiên Giang Chàng trai Kiên Giang sang Nhật Bản làm việc từ năm 20 tuổi. Bốn tháng trước, người này bị tai nạn lao động phải cắt bỏ một cánh tay. Người đàn ông học thạc sĩ ở Hàn Quốc, kể chuyện ăn vội bát mì cạnh chuồng lợn Để cải thiện kinh tế gia đình, người đàn ông Lào Cai chọn sang Hàn Quốc vừa làm vừa học thạc sĩ. Ngoài giờ học, anh làm thêm ở công trường, nông trại. Sang Nhật làm hộ lý, cô gái Việt nhận ‘thù lao’ đặc biệt từ người bệnh cao tuổi Năm ngoái, Nhung chọn sang Nhật làm hộ lý để thử sức ở môi trường mới. Công việc khá vất vả nhưng cô thấy ấm lòng khi nhận được thù lao đặc biệt.