Mới đây, Tập đoàn đã giao cho Trường Quản trị Kinh doanh – Vinacomin (VBS) xây dựng đề án và triển khai, vận hành Hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của TKV. Đây là nhiệm vụ quan trọng của TKV trong lộ trình hiện đại hóa sản xuất theo định hướng của cuộc cách mạng 4.0. Vậy đề án sẽ được xây dựng và triển khai như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đăng Phú, Hiệu trưởng VBS xung quanh vấn đề này.
Tổng Giám đốc Tập đoàn và lãnh đạo Trường Quản trị Kinh doanh – Vinacomin làm việc với Giám đốc Microsofl châu Á Thái Bình Dương về hợp tác ứng dụng CNTT trong Tập đoàn
Nền tảng chưa theo kịp cách mạng 4.0
Phóng viên (PV): Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí TKV. Ông có thể cho biết vì sao Tập đoàn lại quyết định giao cho VBS xây dựng đề án, triển khai ứng dụng, vận hành và quản trị hệ thống CNTT của TKV?
Ông Phạm Đăng Phú (P.Đ.P): Thực tế Tập đoàn và các đơn vị cũng đã triển khai việc ứng dụng CNTT vào việc quản lý và sản xuất từ rất nhiều năm, đặc biệt những năm gần đây, việc phát triển của Internet, hệ thống hạ tầng CNTT của Việt Nam mở rộng thì việc ứng dụng CNTT vào trong sản xuất và quản lý càng được quan tâm. Sau khi Đảng ủy Tập đoàn có Nghị quyết số 19-NQ/ĐU ngày 2/3/2017, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã ra Chương trình hành động số 188/CTr-TKV ngày 22/9/2017 về việc tập trung đẩy mạnh Cơ giới hóa, Tự động hóa, Tin học hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030. Trong đó CNTT được coi là nền tảng hướng tới công nghệ 4.0 mà hiện nay có lẽ chúng ta chưa theo kịp.
Để triển khai thực hiện chương trình nêu trên, Tập đoàn cũng đã có nhiều phương án tổ chức thực hiện, trong đó cần thiết phải có trung tâm CNTT để triển khai nhiệm vụ. Qua tìm hiểu được biết, nhiều tập đoàn, tổng công ty như EVN, PVN… họ đều có trung tâm CNTT với hàng trăm IT làm việc. Ngày 28/8/2018, HĐTV Tập đoàn đã thống nhất và ngày 30/8/2018, Tổng Giám đốc đã có văn bản số 4633- CV/TCNS giao cho VBS xây dựng đề án trình Tập đoàn xem xét và phê duyệt. Tôi cho rằng, đây là quyết định đúng đắn của HĐTV và TGĐ đối với nhiệm vụ này có 2 cơ sở chính. Một là Tập đoàn sẽ thành lập trung tâm CNTT hoàn toàn mới với nhân sự tuyển dụng mới và có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong khi đó VBS là chi nhánh của Tập đoàn, thực hiện nhiệm vụ của Tập đoàn giao. Hai là để triển khai dự án CNTT và ứng dụng thì cần phải có con người, trong khi đó lực lượng này trong Tập đoàn và các đơn vị rất mỏng, tuyển dụng cũng rất khó. VBS đã có phương án đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, đây lại là chức năng của nhà trường. Do vậy không ngạc nhiên gì khi Tập đoàn giao nhiệm vụ này cho VBS.
P.V: Vậy đối với VBS, việc triển khai nhiệm vụ này có những khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?
Ông P.Đ.P: Đây quả là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với trường, một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ trong khi cơ sở hạ tầng, vật chất cũng như con người gần như bằng 0, mà yêu cầu của Tập đoàn rất gắt gao và quyết liệt, gần đây chúng ta đều nghe từ “4.0” được nói đi nói lại rất nhiều chỗ, nhiều nơi và nhiều lần, toàn xã hội hừng hực khí thế bước vào nền công nghiệp lần thứ 4, nhưng thực tế lại không như thế, thực sự có rất nhiều cản trở khi triển khai nhiệm vụ này, bao gồm cả những khó khăn và thách thức, cả chủ quan lẫn khách quan.
Xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu
P.V: Vậy VBS sẽ định hướng triển khai như thế nào thưa ông?
Ông P.Đ.P: Ngay sau khi nhận được quyết định 2255- QĐ/TKV ngày 25/12/2018 của Tập đoàn, nhà trường cũng đã sẵn sàng bắt tay vào triển khai. Hiện nay, Tập đoàn đang xây dựng kế hoạch trình HĐTV Tập đoàn phê duyệt. Tôi xin khẳng định là, trường được giao nhiệm vụ nhưng cũng sẽ không ngoài định hướng và chỉ đạo của Tập đoàn, ở đây chức năng của Ban KCL thực hiện chỉ đạo của ban lãnh đạo Tập đoàn, trường có vai trò như là cánh tay nối dài của Ban KCL, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch phân công và bản hợp đồng phối hợp giữa Tập đoàn với nhà trường.
Về định hướng triển khai dự án, trong định hướng và kế hoạch Tập đoàn cũng đã đề ra thì trong thời gian tới nhà trường tập trung việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống viễn thông công nghiệp, tham gia quản trị hệ thống CNTT cả phần cứng và mềm đã và đang được đầu tư tại Tập đoàn, tham gia tư vấn trong việc đầu tư, xây dựng những dự án CNTT trong TKV, đặc biệt dự án đầu tư xây dựng 2 trung tâm dữ liệu (DC) tại Hà Nội và Quảng Ninh, tham gia trong việc ứng dụng phần mềm quản lý (ERP) tại TKV và còn nhiều nhiệm vụ nữa.
P.V: Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Ông P.Đ.P: Cụ thể, hệ thống tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Thứ nhất, Xây dựng nền tảng hạ tầng CNTT dùng chung cho toàn Tập đoàn theo mô hình Trung tâm dữ liệu, đáp ứng được khả năng an toàn, tiên tiến trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud computing), có khả năng lưu trữ và xử lý được dữ liệu lớn (Big Data). Thứ hai, triển khai ứng dụng các hệ thống phần mềm dùng chung trong toàn Tập đoàn trên nền tảng Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Thứ ba, triển khai các ứng dụng trong thiết kế, quản lý, khai thác mỏ tiến tới kết nối với hệ thống ERP.
Ngay trong năm 2019, VBS sẽ bắt tay vào tuyển dụng nhân lực IT cấp chuyên gia làm nòng cốt, đồng thời tổ chức bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ IT của TKV để đáp ứng yêu cầu triển khai công tác “3 Hóa” của Tập đoàn, trong đó Tin học hóa làm bước đột phá.
P.V: Ngoài sự quyết tâm và các giải pháp trên, ông có đề xuất gì với Tập đoàn và các đơn vị để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ?
Đây phải là quyết tâm của toàn thể hệ thống chính trị của Tập đoàn, Nhà trường sẽ là mũi nhọn, tiêu biểu, thúc đẩy sự quyết tâm này. Hiện nay, giải pháp trước mắt đối với nhà trường là tham gia xây dựng quy chế quản lý cũng như phối hợp giữa nhà trường và Tập đoàn. Cần phải có cơ chế chính sách bứt phá trong đầu tư lĩnh vực này, nếu chủ trương mà đúng đắn, chúng ta vẫn phải theo những chính sách cũ, những thủ tục cũ sẽ làm mất cơ hội, vòng đời của dự án CNTT rất nhanh, nếu chậm thủ tục sẽ lạc hậu nhanh chóng. Thứ hai đó là con người, đúng ra con người phải là số 1, nhưng ở đây tôi đưa con người số 2 sau cải cách, đổi mới, vì có đổi mới, có cơ chế mới thì mới thu hút được nhân lực. Một trung tâm CNTT của EVN có hơn 350 người làm việc tại trung tâm, có 1.200 kỹ sư IT tại các cơ sở. Trung tâm CNTT của ngân hàng BIDV hơn 300 người với mức lương trung bình 25 triệu đồng/người/tháng v.v.. Trong khi đó biên chế thêm cho trường đến năm 2020 có 15 người, giai đoạn 2020-2025 là 35 người? Vậy giải pháp gì, điều hành như thế nào, trả lương như thế nào để hoàn thành với khối lượng công việc lớn như vậy? Chúng tôi đã đề xuất tuyển chọn những chuyên gia, kỹ sư giỏi để triển khai dự án, việc quản trị hệ thống sẽ phải triển khai theo đúng vị trí chức danh và đánh giá KPI, còn đội ngũ tư vấn phải là chuyên gia giỏi và có tầm nhìn, sẵn sàng liên kết với chuyên gia giỏi của xã hội để hỗ trợ tham gia. Ngoài ra, để có được đội ngũ phong phú của TKV trong việc triển khai các dự án thì tôi quan tâm đến công tác đào tạo, cần đào tạo chính con người của TKV để triển khai, đó mới là đội ngũ chính sau này, họ hiểu về ngành, họ có văn hóa TKV thì họ sẽ gắn bó với TKV.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai sẽ có các đề xuất cụ thể hơn. Tôi cho rằng, đây là một sự thay đổi lớn, một cuộc cách mạng về CNTT của TKV. Trong một buổi làm việc cùng với Giám đốc Microsoft Châu Á – Thái Bình Dương, ông ấy có nhắc đến câu “Kỷ luật là sức mạnh”. Thiết nghĩ với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” và sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo Tập đoàn, của lãnh đạo các đơn vị, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
P.V: Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tao-su-thay-doi-lon-ve-cong-nghe-thong-tin-cua-tkv-201902011437593837.htm” button=”Theo vinacomin”]