Tự lập vì gia đình và chính bản thân
“Cuộc đời lấy đi của anh 8 ngón tay nhưng lại cho anh nghị lực phi thường”, đó là một trong số rất nhiều bình luận bày tỏ sự cảm phục chàng trai Huỳnh Tấn Phát (SN 1996, ở Long An), khi anh chia sẻ loạt video về cuộc sống đời thường.
Tấn Phát bị khuyết tật bẩm sinh. Ngay từ khi sinh ra, mỗi bàn tay của anh chỉ có 1 ngón và mỗi bàn chân có 2 ngón.
Chàng trai Long An may vá, viết chữ bằng 2 ngón tay. Video: Tấn Phát
Với đôi bàn tay chỉ có 2 ngón ấy, Tấn Phát vẫn sinh hoạt như một người bình thường, tự chủ mọi hoạt động cá nhân, thậm chí còn có thể làm được những việc mà nhiều người không thể như thêu thùa, may vá,…
Trong các video đăng tải trên TikTok, hình ảnh chàng trai Long An may quần áo, viết chữ, nấu ăn nhanh thoăn thoắt chỉ bằng hai ngón tay khiến nhiều người bất ngờ.
Tấn Phát kể, với đôi tay khuyết tật, tuổi thơ của anh khó khăn hơn bạn bè đồng trang lứa. Những việc bạn bè làm một cách dễ dàng thì anh phải xoay xở, luyện tập rất nhiều mới có thể làm được.
Khó khăn nhất với Tấn Phát là viết chữ. “Thầy cô thực sự không thể hỗ trợ mình trong việc tập viết. Mình phải loay hoay tự học trong thời gian rất dài.
Các bạn cầm bút 1 tay, còn mình phải cầm bút bằng hai tay. Mu bàn tay tì vào bàn giữ yên tập vở, hai ngón tay cầm bút viết từng nét chữ. Mỗi ngày một chút, tập mãi cũng thành quen, cuối cùng, mình có thể viết chữ như các bạn”, Phát chia sẻ.
Tấn Phát kiên trì học làm mọi việc bằng hai ngón tay
Mọi hoạt động khác trong cuộc sống như thay quần áo, đi giày, giặt giũ, nấu ăn,… cũng được Phát học từng chút một như thế. Với vỏn vẹn hai ngón tay, mọi việc đều khó khăn nhưng anh không nản lòng.
Tuy vậy, vẫn còn vài việc Phát chưa thể làm được như đóng đinh, sửa điện nước,…
“Những việc ấy cần có thêm ngón tay mới làm được nên khi cần mình phải nhờ người thân, hàng xóm giúp đỡ. Những việc khác mình đều cố gắng học cách làm, vì gia đình và vì chính bản thân mình”, Phát tâm sự.
Giúp mọi người có thêm niềm tin vào cuộc sống
Phát luôn thấy may mắn khi chưa từng nếm cảm giác bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Ngược lại, anh được bạn bè giúp đỡ rất nhiều, từ học tập đến cuộc sống thường ngày.
Gia đình cũng dành cho Phát nhiều sự động viên, khích lệ. Với mẹ, Phát là đứa con cần được bao bọc, bảo vệ.
Tấn Phát hạnh phúc khi có thể truyền cảm hứng sống cho mọi người
“Thêu thùa, may vá, nấu ăn,… mình đều học từ mẹ. Mẹ rất kiên nhẫn nên khi ở cạnh mẹ, mình không sợ sai”, Phát nói.
Tốt nghiệp cấp 3, Phát thi đỗ vào một trường cao đẳng nhưng học được 1 năm thì quyết định nghỉ vì điều kiện gia đình khó khăn.
Nhà Phát có một chiếc máy may, lại có mẹ chỉ dạy nên anh quyết định học may. Công việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo này đối với một người chỉ có 2 ngón tay càng thêm khó. Phải cố gắng, kiên trì rất lâu, Phát mới may thành thạo.
“‘Liệu mình có làm được không nhỉ?’, ‘Xỏ kim gãy thì phải làm sao’, ‘Ngón nào giữ vải, ngón nào thao tác’… Mình lo lắng rất nhiều nhưng vẫn quyết học cho bằng được.
Ban đầu theo quán tính, mình đạp máy vèo vèo, rồi kim gãy, may lệch. Sau này, mình làm từ từ, chậm nhưng chắc, mỗi ngày rút ra một tí kinh nghiệm, cuối cùng cũng may thành thạo”, Phát kể.
Hiện tại, Phát làm công nhân cho một công ty may mặc. Tùy theo từng mã hàng, anh sẽ chịu trách nhiệm may các công đoạn. Sau 4 năm làm nghề, Phát đã may thành thạo, có thể kiếm tiền lo cho bản thân và phụ giúp gia đình.
Tấn Phát nấu ăn bằng hai ngón tay
Chia sẻ video về cuộc sống đời thường trên TikTok, Phát nhận được nhiều bình luận tích cực, những lời khích lệ của mọi người. Có người nhắn tin cho Phát, nói nghị lực mạnh mẽ và sự lạc quan của anh giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống.
“Đọc những tin nhắn ấy, mình rất xúc động và hạnh phúc. Một phần nhỏ trong cuộc sống đời thường của mình đã khiến mọi người xung quanh cảm nhận được điều tích cực.
Dù không được trọn vẹn, hoàn hảo nhưng mình luôn tin cuộc đời rất công bằng, lấy đi của mình cái này thì sẽ tặng cho mình một thứ khác”, Phát tâm sự.
Ảnh: NVCC
Chàng trai Long An kiếm bộn tiền từ nghề lạ, khách ngoại liên tục ‘chốt đơn’Sở hữu nghề lạ, 9X ở Long An khiến khách nước ngoài liên tục chốt đơn sản phẩm, nhiều người mua về chỉ dám bỏ trong lồng kính để ngắm.