Chuông điện thoại reo khá muộn. Đầu dây bên kia giọng Hạnh hào hứng: “Bác xuống mỏ mà không bảo em. Bác ít thời gian, bây giờ anh em mình gặp nhau, làm ly café, lâu quá rồi…”
Nguyễn Tiến Hạnh, thợ lò bậc 5/6 Công ty than Dương Huy kéo theo một người bạn còn khá trẻ lên trung tâm TP. Cẩm Phả. Trong tiếng nhạc réo rắc, Hạnh giới thiệu: “Đây là Chung, bạn em. Nó bẽn lẽn lắm, người dân tộc thiểu số trên Bắc Kạn xuống làm mỏ mới được mấy năm. Vậy mà khá phết đấy anh…”. Qua câu chuyện, được biết Mông Lợi Chung sinh năm 1990, người dân tộc Nùng ở Bắc Kạn, là thợ lò bậc 4/6 Công ty than Dương Huy. Anh biết đến việc tuyển sinh nghề mỏ qua một vài người bạn và quyết tâm theo học nghề khai thác mỏ từ năm 2014. Sau một thời gian học tập tại trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam, Chung ra trường về Công ty than Dương Huy làm việc. Chung mới lấy vợ là một cô gái trong một gia đình làm lâm nghiệp khu vực Ngã hai, xã Dương Huy. Hiện hai vợ chồng đang ở cùng gia đình vợ. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng theo như Chung tâm sự thì đây là thành công lớn của anh trong việc lựa chọn nghề mỏ và xây dựng cuộc sống.
Chung chậm rãi cho biết, thời gian trước khi đi học nghề, em lông bông ở nhà chẳng biết làm gì, ruộng nương cấy trồng chẳng có thu nhập, nhà lại đông anh em. Sau khi biết trên bản em có vài người cũng đã xuống Quảng Ninh học nghề mỏ và đi làm có thu nhập khá cao, thế là Chung cũng cất bước đi theo. Lúc đầu Chung cũng chưa hiểu công việc làm mỏ là thế nào, chỉ mường tượng một phần và nghĩ chắc sẽ rất khó khăn, nhưng đi học rồi ra trường làm mới thấy thực tế cũng không quá khó. Khi được hỏi Chung có thấy vất vả không, anh nói ngay: “Công việc nào chả vất vả anh. Nhưng cái chính em thấy là có thu nhập khá ổn. Hơn thế nữa, các điều kiện về ăn ở, đi lại Công ty chăm sóc chu đáo. Chúng em ở nhà vất vả, cũng trèo đèo, lội suối suốt ngày mà còn không có thu nhập, quanh năm chẳng có đồng tiền, chỉ cấy trồng được bát cơm ăn là quý rồi…” Nói về dự định của mình, Chung cho biết, anh đã xây dựng gia đình và sẽ nỗ lực làm việc để có thu nhập xây dựng cuộc sống tại Vùng Mỏ. Anh cũng đang định hướng cho người em trai của mình xuống học nghề mỏ và làm việc tại Quảng Ninh.
Cũng qua câu chuyện, Hạnh chia sẻ, Chung hiền lành, chịu khó, tích cực làm đủ công nên thu nhập thường xuyên đều trên mười triệu đồng/tháng, có tháng cao còn được tới 20 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập ấy, vợ chồng Chung cũng đủ trang trải cuộc sống. Gia đình vợ cũng vừa cắt cho một mảnh vườn, chắc làm ăn dành dụm vài năm, vợ chồng Chung sẽ tính chuyện xây dựng một căn nhà nhỏ để ra ở riêng rồi sinh cháu… Trong công việc, mặc dù thời gian học tập trong nhà trường không dài, nhưng nhờ chịu khó học hỏi các đồng nghiệp từ quá trình thực tế làm việc nên Chung bắt nhịp nhanh và có nhiều sáng tạo. Nhờ đức tính cẩn trọng nên trong quá trình làm việc Chung luôn đảm bảo an toàn và lao động có hiệu quả, năng suất cao. “Em đang động viên và Chung cũng đồng ý thời gian tới sẽ xin lãnh đạo công trường bố trí công việc để đi học thêm nâng cao trình độ chuyên môn vì đã xác định làm việc, gắn bó lâu dài với mỏ…” – Hạnh nói.
Trong ánh sáng mờ ảo của một quán cafe, tôi nhìn ra đường loang loáng những xe cộ. Cuộc sống đang thay đổi từng ngày. Cũng như Chung đã có những bước thay đổi lớn trong cuộc sống. Dù cho còn nhiều khó khăn hay những vất vả trong cuộc mưu sinh, trong nghề nghiệp, nhưng sự thay đổi đó thực cần thiết ít nhất đối với hoàn cảnh của Chung hay những người thân trong gia đình Chung…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/su-lua-chon-cua-chung-201903281547560089.htm” button=”Theo vinacomin”]