Năm 2019 là năm Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam xác định chủ đề hoạt động trọng tâm của Nhà trường là “Năm tuyển sinh thợ lò”. Theo đó, Nhà trường tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò, đáp ứng nguồn nhân lực cho Tập đoàn TKV.
Đột phá trong công tác tuyển sinh
Năm 2018, Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tích trong công tác tuyển sinh đào tạo, khẳng định thương hiệu đào tạo nghề TKV. Đây là một năm Nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp có tính đột phá trong công tác tuyển sinh mang lại hiệu quả. Có thể khẳng định, trong điều kiện công tác tuyển sinh khó khăn thì đây là một năm công tác tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò đạt được cao nhất trong 3 năm trở lại đây và là năm Nhà trường hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ.
Tổng Giám đốc Tập đoàn khen thưởng Nhà trường hoàn thành xuất sắc công tác tuyển sinh nghề mỏ hầm lò năm 2018
TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Nhà trường luôn xác định rõ trách nhiệm trong công tác tuyển sinh nghề mỏ hầm lò và chủ động ký hợp đồng tuyển sinh đào tạo với các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong TKV thực hiện các nội dung (số lượng, trình độ đào tạo, nghề đào tạo, thời gian, hình thức và tiêu chuẩn tuyển sinh), thống nhất tỷ lệ tuyển sinh giữa Nhà trường và các doanh nghiệp. Nhà trường huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện công tác tuyển sinh và giao chỉ tiêu cũng như gắn trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong công tác tuyển sinh…
Trong thời gian qua, Nhà trường đã chú trọng xây dựng mạng lưới tuyển sinh với hệ thống sâu rộng mang thương hiệu TKV tại các địa phương. Làm rõ thương hiệu của TKV trong tuyển dụng thợ lò, mở rộng thông tin tuyển sinh đến 53 tỉnh, thành phố. Đảng ủy Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với 12 huyện ủy các địa phương trong công tác tuyển sinh và giải quyết việc làm; phối hợp với các doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới tuyển sinh cấp công trường, phân xưởng để tuyển sinh qua CNVCLĐ của các đơn vị…
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, CNVC trong toàn trường, kết quả tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò hệ A năm 2018 đạt 3.712 học sinh, tăng 1.646 học sinh so với năm 2017; trong đó Nhà trường tuyển đạt 3.305 học sinh, đạt 103,7% kế hoạch TKV giao. Cùng với đó, các chỉ tiêu đào tạo ngắn hạn, đào tạo lái xe, giáo dục thường xuyên, huấn luyện an toàn, dịch vụ sản xuất… đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, mang lại hiệu quả cao cho Nhà trường, từ đó nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giáo viên, CNVC ngày càng tốt hơn. Nhà trường vinh dự được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu thi đua; Đảng bộ Nhà trường đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu năm 2018…
Nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả làm việc
Nhà trường xác định chủ đề công tác năm 2019 là “Năm tuyển sinh thợ lò” với chỉ tiêu tuyển đạt 4.230 học sinh TKV giao, phấn đấu thực hiện tuyển đạt 4.480 học sinh. Theo đó, Nhà trường tiếp tục thực hiện huy động tối đa các nguồn lực cho tuyển sinh, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao đối với tất cả cán bộ, giáo viên, CNVC của Nhà trường trên quan điểm thống nhất và xuyên suốt: “Mỗi người cần đổi mới và cải tiến phương pháp làm việc với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, đứng đầu công việc…, nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả làm việc của mỗi cá nhân để hoàn thành các nhiệm vụ và kế hoạch được giao năm 2019”.
Đảng ủy Nhà trường ký quy chế phối hợp với Huyện ủy Nậm Pồ – Điện Biên
Trong công tác tuyển sinh, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh mạng lưới tuyển sinh tại các địa phương, mở rộng địa bàn tuyển sinh đến các tỉnh Nam Miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài các huyện ủy đã ký quy chế phối hợp, năm 2019 Đảng ủy Nhà trường tiếp tục ký quy chế phối hợp với các huyện ủy các huyện thuộc tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lào Cai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về TKV và các doanh nghiệp, về chính sách tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo để cử đi học nghề và bố trí việc làm; quyền lợi của người học; về điều kiện làm việc, chế độ tiền lương và các chính sách chăm lo đời sống cho người lao động…
Theo ThS. Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, giới thiệu việc làm, một thực tế hiện nay là trong những năm gần đây, tỉ lệ tuyển sinh là người dân tộc thiểu số có xu hướng tăng, như năm 2018, tỷ lệ tuyển học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm tới 65% và sẽ tiếp tục tăng. Do vậy, Nhà trường và các doanh nghiệp cần tăng cường tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán người dân tộc thiểu số, để có các cơ chế, chính sách thu hút và có các ứng xử phù hợp, hài hòa nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực con người, giảm thiểu tình trạng thợ lò bỏ việc. Cần cụ thể hóa chính sách sử dụng lao động đặc thù đối với lao động là người dân tộc thiểu số: các ngày nghỉ lễ – tết, các ngày lễ truyền thống đặc biệt của họ….; tổ chức các hoạt động văn hóa, các môn thể thao dân tộc; xây dựng các gương điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số trở thành người có uy tín trong đơn vị đối với lao động là người dân tộc thiểu số để giúp cho công tác tuyên truyền, vận động người lao động là người dân tộc thiểu số hòa nhập cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ trong sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp…
-Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải-
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nam-tuyen-sinh-tho-lo-20190329110937963.htm” button=”Theo vinacomin”]