Trong suốt hành trình 35 năm hình thành và phát triển, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ – Vinacomin luôn lấy công tác nghiên cứu khoa học công nghệ làm nhiệm vụ trọng tâm, với nguyên tắc KHCN phải luôn gắn liền với nhu cầu của sản xuất và phục vụ sản xuất. Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ các Bộ, Ngành và đặc biệt từ Tập đoàn, những giải pháp điều hành phù hợp của Ban lãnh đạo, tập thể CBCNV Viện đã đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, khẳng định được vị thế và phát triển ngày càng bền vữ
Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ hiện nay tiền thân là Viện Máy Mỏ (tên đầy đủ là Viện Nghiên cứu và Thiết kế Chế tạo máy mỏ) trực thuộc Bộ Mỏ và Than, được thành lập từ ngày 01/7/1981. Viện ra đời khẳng định sự cần thiết trong quá trình phát triển của Cơ khí ngành Than – Khoáng sản Việt Nam và đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
Trải qua các giai đoạn phát triển và nhiều lần thay đổi tên cũng như sáp nhập, năm 2001, Bộ Công nghiệp đã có Quyết định số 25/2001/QĐ-BCN chuyển Viện thành đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam). Và từ ngày 01/10/2010, Viện Cơ khí Năng lượng & Mỏ chính thức được chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khi mới thành lập, lực lượng của Viện khá nhỏ bé với trên 100 người, tổng tài sản gần 120 triệu đồng, cùng với khu nhà văn phòng cũ và một số trang thiết bị lạc hậu. Đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất của Viện khi phần lớn CBCNV thiếu việc làm, thu nhập không ổn định. Xác định rõ nhiệm vụ là chủ động xây dựng các chương trình hành động cụ thể theo hướng gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành Than, các thế hệ lãnh đạo Viện đã đưa ra nhiều giải pháp thích hợp với từng giai đoạn nhằm đảm bảo việc làm, thu nhập của CBCNV và đưa Viện vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để ngày càng phát triển.
Nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, tư vấn, chuyển giao công nghệ, triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa các sản phẩm mới, các sản phẩm sau nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, Viện đã từng bước đầu tư các công trình như: Xưởng pilot luyện kim bột, Xưởng thực nghiệm, Phòng Thí nghiệm Vật liệu tính năng kỹ thuật cao, Phòng thí nghiệm Kiểm định hiệu suất năng lượng cho các thiết bị tủ lạnh, điều hòa không khí (theo công nghệ Mỹ), Phòng chứng nhận, giám định vật liệu, máy móc thiết bị, Phòng thí nghiệm kiểm định hiệu suất năng lượng cho một số sản phẩm điện gia dụng và công nghiệp (theo công nghệ Nhật Bản). Đặc biệt, để tăng cường năng lực nghiên cứu ứng dụng, Viện triển khai đầu tư “Nhà máy chế tạo máy mỏ” tại khu Công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội với quy mô 7000 m2 nhà xưởng trên tổng diện tích đất trên 2ha, với hàng trăm thiết bị gia công, trong đó có các trung tâm gia công CNC hiện đại, công suất chế tạo có thể đạt 3000 tấn sản phẩm mỗi năm.
Sau 35 năm xây dựng và phát triển, Viện đã không ngừng lớn mạnh cả về lượng và chất. Tổng nguyên giá tài sản cố định đã tăng hơn 1000 lần so với khi thành lập. Lực lượng CBCNV của Viện hiện có 264 người, trong đó trình độ trên đại học có 32 người, đại học – cao đẳng 167 người, trung cấp – công nhân kỹ thuật 65 người và 10 cán bộ đang tham gia đào tạo nghiên cứu sinh. Đây là lực lượng quan trọng, quyết định sự thành công trong hoạt động nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ của Viện. Ngoài ra, Viện còn tăng cường hợp tác với các viện, trường trong và ngoài nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo đại học, sau đại học mang lại nhiều hiệu quả đáng khích lệ.
Viện đã không ngừng vươn lên trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, chủ động tham gia vào nhiều chương trình KHCN của Nhà nước, Bộ Công thương, Tập đoàn TKV với hàng trăm đề tài, dự án được đánh giá cao. Nhiều sản phẩm KHCN của Viện được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả như: vì chống lò ma sát, giá thủy lực di động, vỏ bình ắc quy tàu điện mỏ, bơm mỏ, tời mỏ (cả tời chở người), băng tải các loại, thiết bị sàng, tuyển theo công nghệ của Nga, Balan, Úc…
Với sự chỉ đạo của TKV, công tác tư vấn gần đây được Viện quan tâm đẩy mạnh hơn. Hai công trình: “Chiến lược & quy hoạch phát triển cơ khí ngành than giai đoạn đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” và “Đánh giá hiện trạng và đề ra chiến lược sử dụng ô tô vận tải mỏ của TVN” của Viện đã đánh giá được hiện trạng về năng lực sản xuất cơ khí cũng như sử dụng ô tô vận tải mỏ của TKV, định hướng cho sự phát triển ngành cơ khí Than – Khoáng sản, đồng thời xác định chiến lược sử dụng ô tô vận tải ở các mỏ của TKV – một trong những đơn vị sử dụng nhiều ô tô nhất Việt Nam.
Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp, với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của Viện thường xuyên tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm mới phục vụ trực tiếp cho sản xuất của nhiều đơn vị trong và ngoài Ngành như: máy tuyển huyền phù MTHP – 20, tời cáp treo chở người TCCN, phụ tùng xe tải nặng (CAT, HD), thiết bị làm mát động cơ – máy phát điện 110 MW, máy cuốn dây tự động… Giá trị các sản phẩm do Viện tạo ra hàng năm không ngừng tăng lên, bình quân mỗi năm tăng khoảng 35%. Qua việc làm này, Viện đã góp phần khẳng định khả năng làm chủ công nghệ, tự chế tạo trong nước của lực lượng khoa học kỹ thuật Việt Nam, thay thế nhập khẩu, tạo tính chủ động trong sản xuất công nghiệp, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục sắp xếp theo hướng tinh gọn, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, từng bước chuyển đổi theo chương trình tái cơ cấu của Tập đoàn; nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với yêu cầu mới, bám sát nhu cầu thị trường của ngành cơ khí – năng lượng và của Tập đoàn. Một số phòng thí nghiệm chuyên ngành sẽ được đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Viện đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo một số sản phẩm cơ khí có giá trị gia tăng cao, thay thế nhập ngoại trong các dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến Than – Khoáng sản; góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa trong các công đoạn thăm dò, khai thác, chế biến, chuyển tải khoáng sản; tham gia các chương trình KHCN các cấp… Đặc biệt, chú trọng việc nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ CBCNV để hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đáp ứng mọi nhu cầu của các đơn vị trong và ngoài ngành Than – Khoáng sản.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, Viện Cơ khí năng lượng và Mỏ – Vinacomin đã vinh dự được đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Ba cho những nỗ lực và thành tích mà tập thể CBCNV Viện đã đồng lòng phấn đấu xây dựng nên.
[odex-source url=”http://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hanh-trinh-sang-tao-doi-moi-201606302155213034.htm” button=”Theo vinacomin”]