Đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày gần hai ngàn chiến sỹ Vùng than ra trận với tuổi trẻ và hoài bão cống hiến sức mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tạm gác lại nhiệm vụ sản xuất, những người thợ mỏ đã tình nguyện nộp đơn, gia nhập Binh đoàn Than theo tiếng gọi thiêng liêng từ đất mẹ, họ đã anh dũng chiến đấu và lập nên những chiến công hiển hách.
Hôm nay, dẫu cho thời gian đã trải màu lên họ mái tóc pha sương cùng làn da điểm mồi, vẫn còn đó vẹn nguyên những ký ức một thời hoa lửa mà những cựu chiến binh Binh đoàn Than mãi đem theo đến hết cuộc đời….
Trưởng ban Liên lạc Binh đoàn Than Nguyễn Hải Hiệp (73 tuổi): “Những chiến trường ác liệt nhất đều có dấu chân của chiến sỹ Binh đoàn Than”
Ông Nguyễn Hải Hiệp (bên trái) và ông Trịnh Xuân Đối cùng ôn lại những kỷ niệm về Binh Đoàn Than
Chúng tôi hẹn gặp ông Nguyễn Hải Hiệp khi ông đang tất bật chuẩn bị cho công tác hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm ngày Binh đoàn Than ra trận. Dù bận rộn là thế, khi được hỏi về câu chuyện về Binh đoàn Than năm xưa, ông liền nhớ và kể lại một cách mạch lạc như chỉ vừa mới đây. Ông chậm rãi kể: “Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy, đoàn quân chúng tôi gồm gần 2000 thợ mỏ con em ngành Than và một số ngành khác đã tự nguyện lên đường vào nam cứu nước. Đây là đợt tuyển quân lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh và ngành Than để chi viện cho chiến trường. Sau nhiều tháng huấn luyện gian nan, vất vả, đến ngày 15/12/1967, lễ xuất quân của chúng tôi được tổ chức tại huyện Nho Quan, Ninh Bình. Xúc động nhất là, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo ngành Than đều tới dự. Cũng tại đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Đàm đã thăm hỏi, động viên chúng tôi và đặt tên đơn vị là Binh đoàn Than. Đây không phải phiên hiệu quân đội, nhưng nó đã đi vào lịch sử ngành Than như một huyền thoại, là niềm tự hào của giai cấp công nhân vùng mỏ và khích lệ tinh thần chiến đấu của chúng tôi rất nhiều.
Binh đoàn Than phối hợp với các đơn vị chủ lực, đơn vị địa phương chiến đấu rất ngoan cường. Tiêu biểu như là Dũng sỹ diệt xe cơ giới Phạm Xuân Hùng (Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông). Nhiều chiến sỹ Binh đoàn Than khác đã phát huy truyền thống của người thợ mỏ, trong gian khổ vẫn chiến đấu kiên cường, góp sức cùng chiến trường trong chiến dịch Mậu Thân tiêu diệt hàng vạn quân địch.
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, do yêu cầu, nhiệm vụ, chiến sỹ Binh đoàn Than được tăng cường cho các đơn vị như Tiểu đoàn 406 đặc công tỉnh Kon-Tum và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Binh đoàn Than được tham gia hai mặt trận ác liệt nhất, đó là Khe sanh, Lao Bảo – Tà Cơn Quảng Trị thuộc mặt trận Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam bộ như Long An. Các chiến sỹ Binh đoàn Than đã lập nhiều chiến công xuất sắc, nhiều đồng chí được tặng các huy hiệu của Đảng và Nhà nước, đặc biệt như đồng chí Nguyễn Xuân Việt – Thợ mỏ Hà Lầm được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, một số chiến sỹ Binh đoàn Than được chuyển ngành về địa phương công tác. Số còn lại tiếp tục trở về ngành Than và các ngành khác, được lãnh đạo quan tâm cho đi học, ra trường vào làm các chức vụ trưởng phó phòng, Chủ tịch công đoàn, chánh phó giám đốc các công ty, xí nghiệp”.
– Vậy hiện nay, việc duy trì sinh hoạt của Binh đoàn Than ra sao?
– Hiện chúng tôi chỉ còn gần 200 cựu chiến binh đang sinh sống ở khu vực Hạ Long, Cẩm Phả và các vùng lân cận. Trong đó có đến 80% là thương binh, còn lại là bệnh binh bị phơi nhiễm chất độc màu da cam.
– Trở về từ những cuộc chiến ác liệt, các cựu chiến binh Binh đoàn Than đã làm gì khi trở lại với cuộc sống đời thường?
– Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, những đồng chí còn đủ sức khỏe về tham gia công tác tại địa phương như đồng chí Trịnh Xuân Đối, Trần Bá Đức, hay như chính tôi nhiều năm đều tham gia HĐND các cấp, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường và ở khu dân cư, sống gương mẫu, xứng đáng với tinh thần kiên cường của người thợ mỏ và người lính bộ đội cụ Hồ. Chúng tôi luôn tự hào vì mình đã đóng góp một phần tuổi trẻ và cả xương máu cho công cuộc thống nhất nước nhà.
Ông Trịnh Xuân Đối (78 tuổi): “Giữa chiến trường khốc liệt, tôi thấy mình như trưởng thành hơn”
Khác với sự nhanh nhẹn của Trưởng ban liên lạc Binh đoàn Than Nguyễn Hải Hiệp, thể lực của “Người được bốn lần phong tặng Dũng sỹ diệt Mỹ” Trịnh Xuân Đối nay đã không còn được như trước. Tuổi cao cộng với bệnh tật khiến ông không đủ sức để tham gia chuyến thăm chiến trường xưa cùng đồng đội hồi đầu tháng vừa qua.
Nhấp chén nước vối mới hãm, ông Đối từ từ nhớ lại khoảng thời gian khốc liệt ngày trước. Hàng đêm, những ngày bom đạn nơi chiến trường vẫn cứ tua đi tua lại trong tâm trí ông như một cuốn phim tài liệu lịch sử. Ông Đối nhớ lại: “Theo lời kêu gọi thanh niên toàn quốc tòng quân lên đường vào Nam chiến đấu, tôi khi đó là thợ lò 4/6 của mỏ than Thống Nhất. Tôi cùng anh em làm đơn xung phong. Nguyện vọng được chấp nhận, chúng tôi bắt đầu lên đường từ tháng 7 năm 1967.
Vào Nam chiến đấu có nhiều trận đánh xảy ra vô cùng khốc liệt. Nhưng với tôi, đáng nhớ nhất là trận đánh ở xã Nhật Linh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Hồi ấy, tôi là tiểu đội trưởng. Hôm đó, khoảng 3h chiều tháng 8 năm 1969, Mỹ cho một tốp máy bay trực thăng đổ quân biệt kích xuống một ấp xã Nhật Linh. Lệnh của cấp trên là cho đại đội của tôi đánh đơn vị biệt kích Mỹ này. Trước khi đánh phải cho trinh sát xem nó ở chỗ những nhà nào, bao nhiêu tên. Đại đội tôi ngồi bên một cái lộ (đường). Lúc ấy, lúa mọc đang tốt, tôi được trung đội trưởng phân công cảnh giới, có động thì báo cho đại đội.
Tôi ra ngồi gác cách đại đội tầm 200m, súng AK lên nòng sẵn sàng. Vừa ngồi cỡ 5 phút bắt đầu lính Mỹ đi ra. Nó đi thẳng về phía tôi. Tôi đấu tranh tư tưởng, nếu nó quặt đi hướng khác thì thôi. Nhưng nó lại tiến thẳng vào chỗ đại đội mình đang đóng. Tình hình quá nguy hiểm rồi, nếu mình chạy thì nó biết nó bắn ngay, mà nếu lội dưới ruộng thì đi không kịp. Tôi quyết định một mình đánh để cứu đơn vị.
Quyết định nhanh chóng, tôi chọn một vị trí ở góc ruộng, vừa đó thì thằng Mỹ đầu tiên cách khoảng chục mét rồi.Tôi bèn nổ súng bắn hết 1 loạt súng AK. Chúng chỉ kịp kêu lên một tiếng “Ự” rồi nằm la liệt như ngả rạ. Đến một tuần sau tin mật báo báo ra, tôi bắn chết gần 20 tên. Sau trận ấy cũng là lần đầu tiên trong bốn lần tôi được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Tôi thấy mình như trưởng thành hơn. Về sau tôi cũng được phong danh hiệu này thêm ba lần nữa.
– Quả là một trận phục kích đầy kịch tính. Xin hỏi thêm một chút, trong tình hình điều kiện lúc bấy giờ, việc làm lễ truy điệu cho các chiến sỹ đã hy sinh được thực hiện thế nào?
– Chúng tôi không có điều kiện làm truy điệu. Do chèo thuyền giỏi, tôi được giao nhiệm vụ làm công tác đi chôn đồng đội. Có lần đang đào hố thì trực thăng đêm nó chiếu đến pha sáng rực xem ta có hành quân đêm không. Vừa đào được 20-30 phút thì máy bay địch ì ì nã đạn đến, tôi phải nhanh tay gói thi thể đồng đội lại bằng ni-long. Miếng ni-long chỉ mét rưỡi, người thì mét sáu, mét bảy. Cuộn được đầu thì hở chân, được chân thì hở đầu. Tôi đành chôn vội rồi giao cho địa phương và rút. Có những trường hợp chúng tôi chôn đêm nay, vài ba hôm sau quay lại thì chỗ ấy chỉ còn lại toàn hố bom trống không. Có ngày đánh trận nguyên ngày, đói quá, tới chiều tối Mỹ rút, chúng tôi đi lấy xác anh em về xếp như xếp gỗ rồi bảo họ: “Các cậu nằm đấy, chờ chúng tớ ăn một tí lót dạ rồi mới có sức đi chôn các cậu được” – Ông nghẹn ngào bật khóc.
Ông Nhữ Đình Dũng (69 tuổi): “Làm sao trọn niềm vui khi còn rất nhiều đồng đội tôi chưa trở về…”
Sau cuộc trò chuyện, ông Trịnh Xuân Đối đưa tôi đến thăm một cựu chiến binh cùng chiến trường Long An ngày trước. Ngôi nhà của ông Nhữ Đình Dũng nằm gọn trên con phố Hòa Bình, bao bọc bởi một màu xanh cây lá tươi tốt. Với ông Dũng, chuyến đi thăm lại chiến trường xưa hồi đầu tháng 7 đã đem đến cho ông nhiều cảm xúc. Cũng đã hai mươi năm trôi qua, kể từ ngày Tổng Công ty Than tổ chức cho các cựu chiến binh Binh đoàn Than gặp mặt và trở lại chiến trường lần đầu tiên. Nhưng chuyến đi lần này đã để lại cho ông Dũng cũng như những người tham gia nhiều điều trăn trở.
“Cảm xúc rất nhiều. Buồn vui lẫn lộn” – Đó là cách ông Dũng mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.- “Cái vui là đất nước ta đã hòa bình, chúng tôi còn được sống mà trở lại vùng chiến sự mà chúng tôi đã đi qua. Đoàn của chúng tôi, từ cấp Trung ương đều nhận xét là đoàn khỏe nhất, đảm bảo quân số nhất. Tôi tham gia đại đội 3 tiểu đoàn 386 ở làng Bông, Nho Quan, Ninh Bình. Buổi xuất quân, ông Nguyễn Ngọc Đàm tặng cho chúng tôi danh hiệu “Binh đoàn Than. Mỗi khi nghe câu hát “Trung đoàn năm xưa nay đã thành sư đoàn” là chúng tôi lại bồi hồi, xúc động lắm.
– Vậy điều gì khiến ông băn khoăn, trăn trở?
– Ngày hòa bình, anh em tôi nằm lại đây không được nhìn lại người thân. Vào đến nghĩa trang, thấy đồng đội nằm đó mà không sao kìm được nước mắt. Ngày trước, chúng tôi còn bên nhau, chia nhau từng nắm cơm, ngụm nước. Nay, đầu đã không còn xanh, không thể “Xẻ dọc Trường Sơn” như xưa nữa. Các cậu ấy nằm xuống rồi, được quy về đây thì chúng tôi còn ấm lòng. Còn những người khác còn đang nằm lại chiến trường, chưa được tìm thấy để đưa về, sao chúng tôi còn sống mà trọn niềm vui được…
Đôi mắt ông bỗng ầng ậng nước. Nhắc đến những người bạn từng sát cánh bên mình, thậm chí có những người là hàng xóm cùng khu như ngay phố Yết Kiêu, phố Hòa Bình nơi ông ở, cũng có những người đồng đội đã ngã xuống mà chưa tìm thấy dù chỉ là nắm đất. Hòa trong niềm xúc động, ông Dũng bày tỏ: “Những ngày truyền thống tôn vinh thương binh chúng tôi, thêm vào tuổi già sức yếu, điều kiện kinh tế hạn hẹp nên việc tổ chức gặp mặt nhau đã là quá sức rồi. Thật may mắn cho chúng tôi, Tập đoàn Than – Khoáng sản dù trong điều kiện khó khăn vẫn lo cho chúng tôi một chuyến đi tươm tất và ý nghĩa như vậy. Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn rất rất nhiều”.
Vẫn biết sinh tử giữa chiến tranh nó ác liệt lắm. Mang trong mình mảnh đạn vẫn găm lại, đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, đầu lại đau buốt, ngón tay co quắp phải từ bỏ ước mơ cầm bút, cầm cọ vẽ, ông Dũng vẫn thấy mình may mắn, được sống trở về là cả một niềm hạnh phúc, mỹ mãn rồi. Thêm một lần trong đời, ông cùng đồng đội được trở về thăm đồng đội, về nơi những chiến hữu đã ngã xuống, hóa vào núi sông để đất nước mãi tươi đẹp, trường tồn.
[odex-source url=”http://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cuu-chien-sy-binh-doan-than-nhung-ky-uc-con-dong-lai-201707271413008479.htm” button=”Theo vinacomin”]