Nghẹn ngào, xót xa và đầy cảm phục – là những cảm xúc của chúng tôi khi đến thăm gia đình anh Lê Văn Cần – công nhân Công ty Vận tải và Đưa đón thợ mỏ vào một buổi chiều tháng 5 khi trời đã chạng vạng tối. Nhìn cô con gái gần 30 tuổi mà chỉ như trẻ mới lên 10 vì bị bại não với ánh mắt vô hồn, tay phải buộc vào ghế để không cào cấu mặt và được nghe câu chuyện cũng từng ấy thời gian người cha cần mẫn đi làm kiếm tiền nuôi con, người mẹ đồng hành chăm cho con từ việc nhỏ nhất với những yêu thương vô điều kiện, không ít người trong chúng tôi đã quay đi để gạt vội những giọt nước mắt…
Từ chợ Cẩm Bình đi lòng vòng qua những con hẻm ngóc ngách, chúng tôi đã đến tổ ấm của gia đình anh Cần và chị Thịnh ở số nhà 32, ngõ 65 đường Thị Đội (TP. Cẩm Phả). Vì hoàn cảnh gia đình của anh chị đặc biệt khó khăn, bởi vậy ngoài các khoản vay mượn thêm để xây sửa, đây cũng là căn nhà được hỗ trợ 40 triệu đồng từ quỹ “mái ấm công đoàn” của Công đoàn TKV.
Lắng lại vài phút trước khi chia sẻ về hoàn cảnh éo le của gia đình mình, chị Thịnh không khỏi nghẹn ngào, bởi có lẽ đó là những ký ức mà chị không bao giờ muốn nhớ đến. Cách đây gần 30 năm, ngày định mệnh nghiệt ngã đến với gia đình anh chị chỉ sau hơn 20 ngày chào đón bé Lê Thu Trang chào đời khoẻ mạnh, xinh xắn và hóng chuyện rất nhanh trong niềm vui vỡ oà, vậy mà chỉ sau một hai ngày cháu có biểu hiện chán ăn, sốt cao, đưa đến bệnh viện các bác sỹ đã chuẩn đoán Trang bị xuất huyết não, lên cơn co giật và đã có lúc tưởng chừng như không còn thở nữa. Nhìn con mà anh chị như chết lặng, thương con và đau đớn đến tột cùng.
Chút may mắn đã đến khi Trang thoát khỏi vòng tay của tử thần nhưng giờ đây cháu bị liệt, không có khả năng tự lo bất cứ sinh hoạt nào cho bản thân, tâm lý không bình thường, thậm chí không có sự nhận biết mọi thứ đang diễn ra xung quanh cuộc sống. Vậy là anh Cần, chị Thịnh lại bước vào một chặng đường dài đầy khó khăn, đôi khi thấy thực sự bế tắc. Năm 2003, anh chị sinh cô con gái thứ hai Lê Quỳnh Trâm. Anh Cần là công nhân thuộc Phân xưởng Sửa chữa, Công ty Vận tải và Đưa đón thợ mỏ, lương không cao và gánh nặng trên vai giờ đây là nuôi cả gia đình với 4 người và cô con gái bị bệnh nặng. Vợ anh phải túc trực 24/24h bên con nên không thể làm thêm bất cứ việc gì để phụ giúp cho anh được, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ và eo hẹp. Anh Cần bộc bạch “Khó khăn mấy, tôi cũng phải cố gắng lo toan cho vợ con, may trong công việc, tôi được lãnh đạo Phân xưởng tạo điều kiện, anh em trong tổ thường xuyên quan tâm hỏi han, ngày Tết được Công đoàn Công ty đến động viên và tặng quà… đó là những nguồn động lực vô cùng quan trọng giúp gia đình tôi tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.
Có lẽ khi nghe về những năm tháng dài anh chị đã đồng hành bên bé Trang, có thiếu thốn đến mấy cũng quyết tâm lo toan, chạy chữa cho con, rồi đến gần ba thập kỷ nay, với chị Thịnh, vui buồn trong cuộc sống chỉ xoay quanh hai cô con gái, nhất là như “hình với bóng” để chăm chút cho Trang… khiến chúng tôi thực sự thương cảm và khâm phục nghị lực của anh chị. Mới hiểu, gần 30 năm ấy, đong đầy biết bao nghĩa Mẹ, tình cha dành cho cô con gái nhỏ. Hàng ngày, từ khi mở mắt dậy, chị đã phải lo toan mọi vệ sinh cá nhân cho Trang; bón ăn sáng, rồi lo ăn trưa, ăn tối, thời gian còn lại chị phải ngồi trông con mà không dám lơ là phút nào bởi Trang hay lên cơn co giật, tay phải buộc vào ghế, nếu không sẽ cào cấu rách mặt mũi. “Dù trời nóng hay lạnh, tôi vẫn phải đi tất, mặc áo dài tay cho cháu để khỏi muỗi đốt và cũng là phòng cho cháu khỏi cào cấu. Có lúc nhìn con cào ứa máu trên mặt và khắp người rồi có nhiều đêm liên tục, Trang lên cơn co giật, la hét cả đêm, nhìn con mà lòng tôi đau thắt lại, xót xa vô cùng” – chị Thịnh chia sẻ.
Chắc hẳn, thật khó để dùng lời lẽ nào hay kể hết những chi tiết là sự gian nan, vất vả của gia đình anh Cần, chị Thịnh, điều đọng lại trong chúng tôi sâu sắc nhất chính là tinh thần lạc quan, không khuất phục số phận của gia đình những người thợ mỏ như anh chị. Chào anh chị để ra về, tôi bất chợt nhớ đến cuốn sách rất hay đã từng đọc “Xin đừng bỏ cuộc”. Trong đó nói rằng: khi mọi thứ trở nên tồi tệ, khi con đường bạn đang bước bỗng dường như trở thành dốc đứng, khi bạn muốn mỉm cười nhưng lại phải thở dài, khi đau đớn, lo âu đang đè nặng lên bạn… nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc bạn nhé. Bởi, nếu có lúc bạn cảm thấy chán sống, bạn nên nghĩ đến những người đang nằm trên giường bệnh, họ khao khát được sống như thế nào; nếu có lúc bạn cảm thấy đôi chân mỏi mệt, bạn hãy nghĩ đến những người bị liệt, họ đang khao khát được đi như bạn…Và những thông điệp ấy, chúng tôi muốn lắm gửi đến gia đình anh Cần, chị Thịnh với mong mỏi chặng đường sắp tới, anh chị sẽ bớt nhọc hơn, thêm vững tin vào một tương lai tốt đẹp phía trước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/30-nam-ay-dong-day-nghia-me-tinh-cha-201906121621264766.htm” button=”Theo vinacomin”]