Với chiến lược và những bước đi cụ thể, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn, những năm qua, khối cơ khí mỏ đã vượt qua nhiều khó khăn và có những khởi sắc.
Từ những khó khăn…
Ai cũng biết, lực lượng cơ khí mỏ của ngành Than – Khoáng sản rất hùng hậu và đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, chế biến, sàng tuyển kinh doanh than, khoáng sản từ nhiều năm trước đây. Riêng vùng Quảng Ninh có thời điểm có tới 7 đơn vị cơ khí trực thuộc ngành Than như các Công ty Cơ khí Chế tạo máy, Công nghiệp ô tô, Thiết bị điện Cẩm Phả, Cơ khí Hòn Gai, Cơ khí đóng tàu, Cơ điện Uông Bí, Cơ khí ô tô Uông Bí, Cơ khí Mạo Khê. Ngoài ra, tại vùng Việt Bắc có Cơ khí 19-5 (Tổng công ty Khoáng sản), Cơ khí Việt Bắc hay một số đơn vị cơ khí của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc v.v. Các đơn vị đều có những mảng sản xuất và thế mạnh riêng khác nhau. Mặc dù số lượng các đơn vị khối cơ khí đông đảo như vậy, nhưng có những thời điểm, khối cơ khí mỏ đơn vị nào cũng gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng, công nhân thiếu việc làm, thu nhập thấp. Các đơn vị chủ yếu lấy việc tham gia sửa chữa các thiết bị xe máy, thiết bị mỏ của các đơn vị sản xuất làm doanh thu chính. Nhiều đơn vị phải tham gia uốn vì chống lò cho các đơn vị khai thác, đào lò. Sản phẩm này trước đây các đơn vị khai thác hầm lò cũng đã tự làm tại đơn vị.
Chế tạo thiết bị tại Công ty CP Công nghiệp Ô tô
Những khó khăn của khối cơ khí mỏ trong những năm trước đây cũng dễ hiểu, vì đa phần các đơn vị đều chủ yếu tập trung vào sửa chữa thiết bị phục vụ khai thác mỏ. Điều này làm cho cơ khí mỏ hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn vị khai thác mỏ. Khi kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, có nhiều sản phẩm cơ khí mới của các đơn vị cạnh tranh, cơ khí mỏ đương nhiên gặp khó. Trước tình hình đó, lãnh đạo Tập đoàn đã có nhiều giải pháp ngắn hạn cũng như lâu dài nhằm từng bước gỡ khó cho khối cơ khí mỏ. Cùng với đó, những công nhân, cán bộ và người lao động các đơn vị khối cơ khí mỏ đã có nhiều tự chủ, phát huy thế mạnh, đổi mới tư duy từng bước vượt qua khó khăn. Và cho đến nay, đa phần các đơn vị khối cơ khí mỏ đều đã đứng vững trên thị trường, đồng thời có nhiều sản phẩm cơ khí có giá trị. Các sản phẩm cơ khí của các đơn vị không những đã góp phần kịp thời cùng với các đơn vị sản xuất kinh doanh than ổn định sản xuất, mà còn giúp làm giảm tỷ lệ phải nhập khẩu thiết bị từ bên ngoài.
… đến nhiều sản phẩm cơ khí có giá trị
Nhìn lại những hoạt động của ngành cơ khí mỏ thuộc TKV trong những năm gần đây, có thể dễ nhận thấy, các đơn vị trong khối cơ khí mỏ đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm thiết bị có giá trị, hoàn toàn có thể thay thế cho việc phải nhập khẩu trước đây. Các sản phẩm nổi bật có thể kể đến như: Các thiết bị điện phòng nổ cho sản xuất than hầm lò; dàn chống thủy lực di động, giá khung thủy lực di động, toa xe đường sắt mỏ; đã chế tạo nhiều phụ tùng ôtô dần thay thế hàng nhập ngoại sử dụng trong việc sửa chữa các loại xe ôtô vận tải mỏ như xe: KOMATSU, CATERPILLAR, SCANIA, KAMAZ… ; chế tạo nội địa hoá chi tiết phụ tùng xe ôtô vận tải hạng nặng lắp ráp theo dự án sản xuất lắp ráp xe tải nặng của TKV, được thực hiện từ năm 2003 đến nay; chế tạo các loại xe chuyên dùng như xe xi téc nước, xe xi téc dầu, xe cầu, xe tải thùng hở, xe tải thùng kín mui bạt v.v.
Về các dự án đầu tư cơ khí lớn có thể nói đến gồm một số dự án đã hoàn thành và đưa vào sản xuất có hiệu quả như: Dây chuyền công nghệ chế tạo cột chống thủy lực đơn, dây chuyền lắp ráp xe tải nặng; Dự án đầu tư di chuyển mở rộng và nâng cấp cơ sở đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy, Dự án đầu tư dây chuyền cán thép vì lò và thép hình… và các dự án khác đầu tư bổ sung thiết bị phục vụ sản xuất. Ngoài ra còn có các dự án phục vụ công tác nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm sản phẩm cơ khí như Phòng thí nghiệm vật liệu tính năng kỹ thuật cao, Trung tâm công nghệ cao v.v.
Thay đổi tư duy từ sửa chữa sang chế tạo
Để đáp ứng các nhu cầu chế tạo thiết bị phục vụ khai thác, sàng tuyển than, khoáng sản trong tình hình mới, có thể khẳng định thành công lớn nhất của khối cơ khí mỏ trong TKV những năm qua là đã thay đổi được tư duy từ “cơ khí sửa chữa” sang “cơ khí chế tạo”. Đây cũng là một trong những điểm nhấn trong chiến lược phát triển ngành cơ khí mỏ của lãnh đạo Tập đoàn trong nhiều năm qua. Với sự chỉ đạo quyết liệt, có thể nói là “cầm tay – chỉ việc”, trong những năm qua, nhiều hội nghị bàn về các giải pháp phát triển cho cơ khí mỏ được lãnh đạo và cả hệ thống chính trị Tập đoàn vào cuộc. Chương trình hành động thực hiện Quy hoạch phát triển cơ khí Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đến năm 2025 đã chỉ rõ từ 2015 là tập trung theo hướng chuyển đổi công nghệ sản xuất từ “cơ khí sửa chữa” thành “cơ khí chế tạo”. Cụ thể, bên cạnh việc “hiện đại hóa cơ khí sửa chữa” là một ngành sản xuất chính, các đơn vị sẽ chế tạo ngày càng nhiều sản phẩm cơ khí có chất lượng phục vụ sản xuất.
Các chỉ tiêu đặt ra đối với chế tạo phụ tùng sản phẩm như: Cung cấp từ 60 – 65% nhu cầu phụ tùng cho toàn ngành Than – Khoáng sản; cung cấp từ 50 – 55% nhu cầu bổ sung và thay thế thiết bị của toàn ngành; ổn định, hoàn thiện công nghệ chế tạo đối với một số thiết bị hầm lò, thiết bị điện phòng nổ, sàng tuyển, chế biến than và khoáng sản đã chế tạo, tàu lớn đến 10.000DWT, các loại toa xe từ 30 – 50 tấn; đảm bảo cung cấp toàn bộ thép uốn vì lò; chế tạo một số thiết bị phục vụ cơ giới hóa mỏ hầm lò, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 50 – 60% vào năm 2020, đến nay đã có những sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 80%. Đến nay, hầu như mỗi nhà máy cơ khí đã xây dựng chiến lược phát triển riêng và có sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. Và cái được lớn là tư duy của công nhân, cán bộ trong các đơn vị cơ khí mỏ đã thực sự thay đổi.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/co-khi-mo-khoi-sac-20190612162647086.htm” button=”Theo vinacomin”]