Lần thứ hai trong hai năm liên tiếp đại diện của Công ty CP than Hà Lầm – Vinacomin được xướng tên vinh doanh tại hạng mục trao giải Nhất của Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2018 với công trình “Nghiên cứu thu hồi dàn chống và các thiết bị trong lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng cáp thép 21,5mm kết hợp với lưới thép B40 thay thế cho các phương pháp thu hồi truyền thống đảm bảo an toàn, hiệu quả”. “Chính tinh thần quyết tâm, phát huy sự sáng tạo, đoàn kết và quan trọng là luôn giữ vững niềm tin sẽ chinh phục được mọi khó khăn đã giúp chúng tôi thành công” – Giám đốc Công ty than Hà Lầm Trần Mạnh Cường, chủ nhiệm công trình chia sẻ ngay bên lề Lễ trao Giải thưởng VIFOTEC 2018.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng chia vui với nhóm tác giả đạt giải Nhất của Công ty than Hà Lầm
Từ một phương án tưởng chừng không khả thi…
Giám đốc Công ty than Hà Lầm Trần Mạnh Cường, chủ nhiệm công trình “Nghiên cứu thu hồi dàn chống và các thiết bị trong lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng cáp thép 21,5mm kết hợp với lưới thép B40 thay thế cho các phương pháp thu hồi truyền thống đảm bảo an toàn, hiệu quả” đã bắt đầu cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí bằng câu nói rất thật lòng ấy.
“Những năm qua, Công ty CP than Hà Lầm luôn là đơn vị tiên phong và mạnh dạn đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, điển hình là các dàn chống cơ giới hóa đồng bộ 600 nghìn tấn/năm và 1,2 triệu tấn/năm. Đến thời điểm hiện nay, công đoạn khai thác ở một số vỉa than đã kết thúc. Do đó, Than Hà Lầm phải khẩn trương thu hồi toàn bộ thiết bị của hệ thống công nghệ khai thác trên để vận chuyển, lắp đặt ở vị trí khai thác mới, duy trì sự ổn định và sức tăng trưởng của đơn vị. Tuy nhiên, thực tế là để tháo dỡ, vận chuyển hàng ngàn tấn thiết bị trong các đường lò chật hẹp đến vị trí tập kết là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp bởi đó là hệ thống thiết bị lớn siêu trường, siêu trọng. Yêu cầu đặt ra là phải tìm giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất nhằm giảm chi phí vật tư, giảm sức lao động và đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, thiết bị trong tất cả quá trình vận chuyển, lắp đặt và thu hồi thiết bị. Tôi và các cộng sự là đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Công ty đã cùng nhau đề xuất giải pháp kỹ thuật thực hiện thu hồi dàn chống cơ giới hóa đồng bộ bằng phương pháp sử dụng cáp thép 21,5 mm kết hợp với lưới thép B40 để giằng néo trên nóc lò, hông lò thay thế phương pháp truyền thống là sử dụng vật liệu cứng như gỗ cây, xà sắt hoặc thanh bê tông. Với đặc tính của các vật liệu cáp thép và lưới thép là mềm, dẻo, đàn hồi. Ban đầu, những đề xuất của chúng tôi được coi là không khả thi và khó đi vào áp dụng thực tế” – Giám đốc Trần Mạnh Cường chia sẻ về xuất phát hình thành ý tưởng thực hiện công trình.
… Đến một công trình thành công và được áp dụng rộng rãi
Xuất phát điểm của việc nghiên cứu và thực hiện công trình là muôn vàn khó khăn bởi đây là giải pháp chưa từng được nghĩ tới trước đây, không có bất kỳ tài liệu hay sự hướng dẫn nào. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, bằng sự dày công tìm tòi, sáng tạo và cả tinh thần quyết tâm không nản trí, nhóm tác giả đã thành công với việc đưa ra giải pháp tối ưu nhất để thu hồi các thiết bị trong lò chợ cơ giới hóa đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế.
Tính mới và sáng tạo của công trình thể hiện ở việc sử dụng những đặc tính mềm, dẻo, đàn hồi của cáp thép phi 21,5mm và lưới lưới thép B40 kết hợp với các vì chống tạo ra khả năng chịu lực tốt hơn so với các vật liệu thông thường khác. Đây cũng là phương pháp có nhiều ưu điểm như: đối với vật liệu cáp thép không nhất thiết phải sử dụng cáp thép mới, mà có thể tận dụng cáp thép thu hồi để tái sử dụng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực; tiết kiệm chi phí, công sức vận chuyển từ trên mặt bằng xuống vị trí làm việc so với các vật liệu khác; đảm bảo an toàn lao động do giảm khối lượng công việc và thi công dễ dàng an toàn hơn so với phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, giá trị làm lợi mà giải pháp mang lại là tiết kiệm về thời gian, vật tư so với phương pháp truyền thống, đồng thời thời gian đưa lò chợ vào vận hành sớm hơn giúp tăng sản lượng than khai thác
Qua thực tế, Than Hà Lầm đã áp dụng thu hồi tất cả các dàn chống cơ giới hóa đồng bộ 600 nghìn tấn/năm, 1,2 triệu tấn/năm và các lò chợ giá xích thành công với phương pháp chống giữ lò bằng cáp thép, lưới thép. Điều này đã khẳng định sự thành công của công trình, là một giải pháp sáng tạo, đột phá giúp thu hồi thiết bị khai thác nhanh chóng và an toàn cao. Không chỉ vậy, giải pháp này còn có khả năng ứng dụng cao với tất cả các công nghê khai thác than trong ngành mỏ như: giá thủy lực di động XDY-1T2/LY, giá thuỷ lực liên kết xích ZH/1800/16/24/HT – công nghệ khai thác than bằng cơ giới hóa đồng bộ sử dụng dàn chống tự hành để thu hồi kết thúc hoặc chuyển diện khai thác. “Cùng với niềm vui dành được giải Nhất Giải thưởng VIFOTEC năm 2018, điều chúng tôi thấy tự hào là đã thuyết phục được mọi người đây là giải pháp hiệu quả, không chỉ áp dụng thành công rộng rãi ở Hà Lầm mà đã, đang và sẽ tiếp tục được sử dụng phổ biến cho các đơn vị khác trong toàn Tập đoàn thời gian tới” – Giám đốc Trần Mạnh Cường nhấn mạnh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/niem-tin-chinh-phuc-thu-thach-201906121630346797.htm” button=”Theo vinacomin”]