Mặc dù là những đơn vị khó áp dụng công nghệ cơ giới hóa trong khai thác, nhưng do lựa chọn công nghệ phù hợp nên sản lượng của Công ty than Uông Bí và Thống Nhất vẫn đạt sản lượng cao 2,1 đến 2,7 triệu tấn/năm. Đây là một những yếu tố quan trọng mà các đơn vị khai thác hầm lò cần nghiên cứu phù hợp với điều kiện thực tế ở đơn vị mình.
Than Uông Bí và con số 2,7 triệu tấn năm 2019
Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn kiểm tra sản xuất tại Công ty than Uông Bí – TKV
Đây là mức sản lượng mà Công ty than Uông Bí đặt mục tiêu thi đua sản xuất trong năm 2019. Ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Công ty than Uông Bí, cho biết, để đạt được sản lượng trên, có lẽ giải pháp hiệu quả nhất là Công ty đã tập trung vào một số giải pháp công nghệ khai thác phù hợp và các công việc cụ thể cho từng khu vực khai thác để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng than đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Mặt khác, Công ty phát huy hiệu quả một số công nghệ và các thiết bị cải tiến đã áp dụng thành công tại Công ty. Hiện nay, các khu vực khai thác của Than Uông Bí đều đã đạt công suất thiết kế và gặp nhiều khó khăn như: Một số vỉa than có dấu hiệu tự cháy; diện sản xuất của phân xưởng dàn trải, điều kiện địa chất phức tạp, chất lượng các vỉa than kém. Công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác đào lò, trong đó có nhiều khu vực đưa vào đào lò sớm để chuẩn bị diện sản xuất. Hiện Công ty đang duy trì 18 lò chợ và gần 30 gương đào lò hoạt động đồng thời bao gồm nhiều công nghệ khác nhau để phấn đấu đạt chỉ tiêu thi đua trong năm 2019 khai thác 2,7 triệu tấn. Đây là mức sản lượng cao nhất của đơn vị trong nhiều năm gần đây.
Trong dịp kiểm tra sản xuất tại Công ty than Uông Bí gần đây, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn đã biểu dương CNCB Than Uông Bí về việc áp dụng công nghệ khai thác hiệu quả, trong đó công nghệ chống giữ bằng giàn mềm đối với vỉa dốc đứng là điển hình. Ngoài ra, trong lĩnh vực sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, Công ty đã chế tạo, cải tiến nhiều thiết bị hiệu quả áp dụng trong khai thác hầm lò, giúp giảm sức lao động cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, đóng góp sản lượng khai thác hoàn toàn bằng công nghệ hầm lò khá cao cho Tập đoàn. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn lưu ý, trong thời gian tới, Công ty than Uông Bí cần phát huy hiệu quả các công nghệ đã áp dụng và tiếp tục nghiên cứu cải tiến phù hợp với thực tế tại đơn vị và các giải pháp đồng bộ như: Làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, nhất là việc cháy nội sinh tại các vỉa than… Về mặt bằng công nghiệp của Công ty cần được quy hoạch lại phù hợp với việc gia tăng sản lượng khai thác. Tiếp tục cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động. Tiếp tục phát huy phong trào sáng tạo, công tác dân chủ trong doanh nghiệp, đẩy mạnh quản trị tốt chi phí sản xuất tại đơn vị. Phối hợp tốt với địa phương và các đơn vị trong ngành để làm tốt công tác xã hội. Về mục tiêu dài hạn, Than Uông Bí cần quan tâm xây dựng chiến lược, trong đó đặc biệt quan tâm đến các dự án sản xuất. Phải xác định rõ về sản lượng khai thác, chất lượng từng chủng loại than để lựa chọn công nghệ phù hợp, sản xuất ra các sản phẩm than phù hợp với thị trường…
Có thể cơ giới hóa ở mức trung bình
… và Công ty than Thống Nhất – TKV (Ảnh Mạnh Hùng)
Cũng như Than Uông Bí, Công ty than Thống Nhất, mặc dù chưa áp dụng cơ giới hóa nhưng năm 2019, Công ty vẫn đặt mục tiêu sản xuất trên 2,13 triệu tấn than do các điều kiện sản xuất kinh doanh của đơn vị được chuẩn bị tốt, các công nghệ phù hợp, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện lao động ngày càng được cải thiện…Tính đến thời điểm giữa tháng 5/2019, Công ty than Thông Nhất đã sản xuất trên 700 ngàn tấn than nguyên khai; đào trên 4000 mét lò các loại tiết diện, trong đó có 150 mét lò xây dựng cơ bản; doanh thu trên 600 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật toàn Công ty đều đạt từ 30% đến 40% kế hoạch năm 2019.
Kiểm tra tình hình sản xuất của Than Thống Nhất, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh, Than Thống Nhất cần nghiên cứu để áp dụng cơ giới hóa vào khai thác. Tuy nhiên, căn cứ các điều kiện cụ thể, không nhất thiết phải áp dụng các công nghệ cơ giới hóa quá lớn mà có thể nghiên cứu ở mức trung bình, vừa và nhỏ. Điều quan trọng, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Công ty cần tiếp tục tìm mọi giải pháp để tăng năng suất lao động thông qua giải pháp công nghệ phù hợp với thực tế, để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và những tiêu chí khác đề ra như sản lượng khai thác ngày càng tăng, điều kiện làm việc cho người lao động được cải thiện v.v.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn cũng chỉ đạo, Than Thống Nhất phải đồng bộ nhiều giải pháp như: Làm tốt công tác quản trị chi phí, quản trị tài nguyên; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để giảm chi phí phát sinh để đạt hiệu quả cao trong sản xuất; cần đặc biệt quan tâm, chăm lo đến môi trường sản xuất ngày càng tốt hơn; phải luôn đề cao tính dân chủ trong doanh nghiệp, phải tạo điều kiện cho người lao động được trình bày quan điểm, nguyện vọng của mình, cán bộ phải luôn lắng nghe ý kiến của người lao động để xử lý công việc hài hòa, hợp lý; đối với đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật cần tiếp tục huấn luyện chuyên sâu, ngoài huấn luyện chuyên sâu thì còn phải huấn luyện, đào tạo bổ sung nghề cho công nhân kỹ thuật; có cơ chế ưu đãi, thu hút nhân tài, thợ lành nghề chuẩn bị cho chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp v.v.
Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những chỉ đạo sát thực của lãnh đạo Tập đoàn về vấn đề nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, theo mục tiêu chuyển từ sản xuất tiêu thụ sang sản xuất kinh doanh, mà điển hình là cách làm mà các đơn vị Than Uông Bí và Than Thống Nhất đã và đang phát huy hiệu quả.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hieu-qua-tu-nhung-cong-nghe-phu-hop-201906121644017891.htm” button=”Theo vinacomin”]