Trong hơn 10 năm qua, ngành công nghiệp than Việt Nam nói chung và TKV nói riêng đã nhận được sự giúp đỡ quý báu, sự hợp tác có hiệu quả của Chính phủ và tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đào tạo. Trong đó đặc biệt là “Dự án nâng cao kỹ thuật khai thác và an toàn của các nước sản xuất than” do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Công nghệ và Năng lượng mới (NEDO), Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (JCOAL), Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC), Công ty CP than Kushiro (KCM) hợp tác với TKV thực hiện.
Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Cừ (T.V.C) – Trưởng Ban Tổ chức Nhân sự Tập đoàn – về Dự án cũng như những triển vọng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
P.V: Chào Ông! Năm nay là năm thứ 15 “Dự án đào tạo chuyển giao công nghệ khai thác than” giữa TKV và JOGMEC đã được triển khai. Xin Ông chia sẻ đôi điều về mối “lương duyên” dẫn đến sự hợp tác này?
Ông T.V.C: Với mục đích nâng cao năng lực sản xuất than của Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam nhằm tăng sản lượng than xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, ngày 7/5/2001, NEDO và TKV đã ký Hợp đồng chọn cử 60 cán bộ đầu tiên của TKV đi tu nghiệp tại Nhật Bản. Các cán bộ này được cử đi nhằm tiếp cận với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong khai thác than hầm lò. Từ đó đến nay, hàng năm, NEDO (từ năm 2012 là JOGMEC) và TKV đều ký kết các bản kế hoạch thực hiện chương trình dự án trong mỗi năm tài khóa.
P.V: Cụ thể, Dự án đã được triển khai như thế nào tại cả 2 phía Nhật Bản và Việt Nam, thưa Ông?
Ông T.V.C: Tại Nhật Bản, hàng năm, TKV chọn cử các cán bộ làm việc tại các công ty than hầm lò tham dự các khóa đào tạo tại Nhật Bản. Đến hết năm 2015, có 1.569 cán bộ, công nhân của TKV đi tu nghiệp tại Nhật Bản các chuyên đề: Quản lý khai thác và an toàn mỏ; Kỹ thuật cơ giới hóa khai thác; Kỹ thuật tự động hóa và thiết bị; Quản lý thông gió, khí mỏ và an toàn; Nâng cao kỹ thuật cứu hộ mỏ. Thời gian các khóa học kéo dài từ 1 đến 3 tháng (tùy từng chuyên đề).
Tại Việt Nam, các chuyên gia của Nhật Bản được phái cử sang Việt Nam đào tạo cho các cán bộ, công nhân của TKV. Các chuyên đề tập trung đào tạo: Kỹ thuật khai thác, kỹ thuật đào lò đá, kỹ thuật khoan thăm dò, kỹ thuật thông gió, kỹ thuật khoan neo… Ngoài ra, JOGMEC vẫn tổ chức các buổi hội thảo nhằm hiểu kỹ hơn về nhu cầu cũng như những thực trạng, khó khăn trong khai thác tại các mỏ than của Việt Nam. Từ năm 2002 đến hết năm 2015, có trên 40.000 lượt cán bộ, công nhân của TKV tham gia các chương trình đào tạo, huấn luyện do chuyên gia Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện.
P.V: Thực tế, các tu nghiệp sinh (TNS) của TKV sau khi trở về nước đã phát huy được kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Ông T.V.C: Qua hơn 10 năm thực hiện, Dự án đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất và quản lý an toàn tại các mỏ than của Việt Nam. Các bạn Nhật Bản đã đặc biệt quan tâm giúp đỡ khi số TNS Việt Nam được đào tạo đã chiếm đến một nửa số lượng TNS nước ngoài tại Nhật Bản.
Các TNS của TKV, sau khi được tiếp xúc với quy trình công nghệ hiện đại và được sự tận tình giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, đã có cách tư duy mới, thay đổi nhiều quan niệm về công nghệ sản xuất và an toàn. Họ đã có ý thức hơn về việc bảo vệ mình và đồng nghiệp khi trực tiếp tham gia sản xuất than. Sau khi tu nghiệp tại Nhật Bản, nhiều TNS đã được bố trí làm việc ở các vị trí quan trọng của mỏ, như cán bộ quản lý về kỹ thuật, công nghệ, an toàn, chỉ huy sản xuất. Họ cũng chính là những hạt nhân quan trọng truyền đạt những hiểu biết về công nghệ, phong cách quản lý hiện đại và hiệu quả của ngành than Nhật Bản tới những người làm việc cùng công ty chưa có cơ hội học tập tại dự án. Thời gian tu nghiệp tại Nhật Bản là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời họ.
Tại Cơ quan đầu não của TKV cũng có một số TNS của Dự án, như tại Ban Tổ chức Nhân sự của chúng tôi hiện nay có một cán bộ là Phó trưởng phòng đã tu nghiệp tại Nhật Bản năm 2010. Sau khóa học, anh đã tiếp thu được nhiều kiến thức để áp dụng vào công việc thực tiễn, đưa ra những ý tưởng mới trong việc quản lý lao động của Tập đoàn nhằm đổi mới cơ cấu lực lượng lao động để tăng năng suất lao động ngành Than.
P.V: Ông có thể chia sẻ những ý kiến về triển vọng hợp tác giữa 2 bên trong thời gian tới?
Ông T.V.C: Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục phối hợp cùng phía đối tác Nhật Bản thực hiện các kỳ tiếp theo của dự án quan trọng này. Trong đó, sẽ tập trung vào các nội dung đào tạo kỹ thuật chuyên sâu như: Kỹ sư quản lý, công nghệ đào lò cơ giới, khoan thăm dò mỏ, khảo sát thiết kế mỏ, an toàn mỏ. Dựa trên những kết quả hết sức tốt đẹp hai bên đã đạt được trong suốt hơn 10 năm thực hiện “Dự án hợp tác đào tạo nâng cao năng lực sản xuất than”, TKV cùng các bên liên quan của Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp để kiến nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tài trợ để kéo dài dự án đào tạo sang các năm tiếp theo nhằm tạo điều kiện để dự án đạt hiệu quả cao nhất, góp phần nâng cao tình hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản – Việt Nam.
P.V: Xin chân thành cảm ơn Ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/hop-tac-quoc-te/du-an-dao-tao-chuyen-giao-cong-nghe-khai-thac-than-thanh-cong-va-trien-vong-201606080951443415.htm” button=”Theo vinacomin”]