Ngành công nghiệp khai thác than chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, quá trình khai thác than đã có những tác động xấu đến môi trường sống của một bộ phận người dân.
– Xin ông cho biết công tác đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Tập đoàn thời gian qua?
+ Hiện nay, hệ thống và nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) của Vinacomin đã có những thay đổi. Tuy vậy, mục tiêu, trách nhiệm, phạm vi và quy mô đầu tư trong lĩnh vực BVMT của Vinacomin không thay đổi và thậm chí còn tăng gấp gần hai lần so với 2-3 năm trước đây. Toàn bộ chi phí BVMT của chúng tôi hiện nay khoảng trên 700 tỷ đồng một năm. Trong đó 60-70% là dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ Môi trường tập trung, phần còn lại là dành cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án BVMT của các công ty con, được hạch toán thẳng vào chi phí sản xuất của đơn vị. Từ năm 2009 đến nay, Vinacomin đã đầu tư xây dựng 30 trạm xử lý nước thải, trong đó có những trạm hợp tác với nước ngoài với quy mô đầu tư gần 90 tỷ đồng như trạm xử lý nước thải mỏ Cọc Sáu. Đối với việc cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải mỏ, Vinacomin cũng đã và đang đầu tư thực hiện các dự án rất lớn như cải tạo bãi thải Ngã Hai – Dương Huy với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng, bãi thải vỉa 7, 8 Hà Tu với tổng mức đầu tư 58 tỷ đồng. Công trình cải tạo môi trường 4 hồ Đông Triều với tổng mức đầu tư 141 tỷ đồng đang được thực hiện. Vinacomin vẫn tiếp tục đầu tư vào các hệ thống kè, đập chống trôi lấp đất đá như kè mức +75 bãi thải Chính Bắc, kè chắn Giáp Khẩu bảo vệ khu dân cư Hà Khánh. Các tuyến đường vận chuyển than chuyên dùng tiếp tục được quan tâm đầu tư như tuyến đường mỏ Mạo Khê ra cảng Bến Cân, Đồng Vông – Tân Dân, mỏ Cọc Sáu – QL18A. Năm nay, chúng tôi sẽ thí điểm xây dựng một hệ thống rửa ô tô vận chuyển than tuyến mỏ Núi Béo – cảng Nam Cầu Trắng và lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý chất thải nguy hại phục vụ cho các đơn vị sản xuất than tại Quảng Ninh. Như vậy có thể thấy rằng Vinacomin luôn quan tâm và không ngại chi phí để đầu tư vào các công trình BVMT tại vùng than Quảng Ninh nhằm đạt được mục tiêu là đến năm 2020 sẽ cải thiện cơ bản môi trường vùng than Quảng Ninh.
– Vậy những kết quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ bảo vệ môi trường trong khai thác than hiện nay như thế nào, thưa ông?
+ Công cuộc BVMT của Vinacomin đã trải qua nhiều giai đoạn với những sự phát triển khác nhau cả về quy mô và ứng dụng kỹ thuật. Trong cuộc trò chuyện này, tôi chỉ xin phép được đề cập đến vấn đề ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cho hai lĩnh vực: Cải tạo, phục hồi các bãi thải mỏ than và xử lý nước thải mỏ. Hiện nay, hầu hết các mỏ than lộ thiên trong Vinacomin sử dụng hệ thống bãi thải ngoài với công nghệ đổ thải bãi thải cao nên thường gây ra các hiện tượng không ổn định, dễ sạt lở, thảm thực vật khó phát triển do nghèo dinh dưỡng. Để ổn định bãi thải, Vinacomin đã thay đổi công nghệ đổ thải, trong đó các bãi thải mới sẽ phải được thiết kế theo dạng bãi thải phân tầng, các bãi thải hiện tại sẽ được cải tạo, san cắt tầng. Công nghệ này đã được ứng dụng cho cải tạo các bãi thải như bãi thải V.7, 8 Hà Tu, lộ vỉa 14 Hà Tu (cũ), Ngã Hai, Chính Bắc – Núi Béo, Nam Lộ Phong – Hà Tu, Khe Rè – Cọc Sáu. Bên cạnh đó nhằm ổn định sườn bãi thải, chống sạt lở đất đá, giải pháp sử dụng cỏ vetiver đã được áp dụng thử nghiệm từ năm 2007 tại sườn phía Tây bãi thải Chính Bắc – Công ty CP Than Núi Béo. Sau thời gian trồng 12-14 tháng, bộ rễ cỏ có chiều dài 1,2m-1,4m, hệ rễ chùm, tạo thành bộ lưới sinh học giữ cho đất đá trên sườn bãi thải không bị sạt lở. Vinacomin đã cho áp dụng rộng rãi trong cải tạo bãi thải.
Trong lĩnh vực xử lý nước thải mỏ, việc ứng dụng công nghệ hoá – lý để xử lý nước thải mỏ được áp dụng thay thế cho phương pháp xử lý đơn giản, kém hiệu quả bằng các giải pháp hố lắng trước đây. Tính đến nay, đã có 29 trạm xử lý nước thải mỏ được đầu tư xây dựng, trong đó đã đưa vào vận hành 23 trạm. Các công nghệ xử lý nước thải được áp dụng có sự thay đổi lớn theo hướng ngày càng tiến bộ và hiện đại, từ hố lắng kết hợp sữa vôi đến phương pháp hoá – lý và lọc cơ học có áp lực. Các trạm xử lý nước thải thuộc thế hệ đầu tiên được áp dụng công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực như Hà Ráng, Hà Khánh, +260 và +320 Đồng Vông, +41 Lộ Trí, +131 Tràng Khê, Khe Chàm… Các trạm xử lý thế hệ thứ hai như Cọc Sáu, Vàng Danh, Mạo Khê đã được áp dụng công nghệ tấm lắng nghiêng nhằm tăng tốc độ lắng, đồng thời hạn chế diện tích bể lắng sử dụng so với công nghệ bể lắng ngang. Các trạm xử lý được thiết kế ngày càng hợp lý về bố trí mặt bằng, gọn, đồng thời ngày càng mang dáng dấp công nghiệp như các trạm xử lý nước thải Cái Đá, Hoành Bồ.
– Xin ông cho biết, thời gian tới, Tập đoàn có kế hoạch gì để làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường các vùng than khai thác?
+ Để tiếp tục giải quyết vấn đề môi trường vùng than, trong những năm tới đây, Vinacomin một mặt tiếp tục tăng cường quản lý và đầu tư vào các công trình bảo vệ môi trường, cải tạo bãi thải, xử lý nước thải và bụi, mặt khác tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực này. Đồng thời thực hiện các hợp tác với NEDO (Nhật Bản) trong việc sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện để khử tính axit của đất trên bãi thải, hợp tác với Tổng Công ty phục hồi môi trường mỏ (MIRECO) – Hàn Quốc để xử lý phủ thảm thực vật trên các sườn bãi thải mà thành phần chỉ có là đá và đá to. Các trạm xử lý nước thải mỏ trong những năm tới đây sẽ được xây dựng theo hướng tập trung theo quy mô lớn nước thải từ các khu vực có các nguồn phát thải gần nhau và tăng cường áp dụng giải pháp đầm lầy sinh học để xử lý các nguồn nước thải sinh hoạt của các mỏ và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ như khách sạn, nhà ăn, văn phòng, khu ăn ở sinh hoạt của công nhân mỏ ở các điểm sâu, xa.
– Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc-hoat-dong/nam-2020-se-cai-thien-co-ban-moi-truong-vung-than-quang-ninh-96.htm” button=”Theo vinacomin”]