Là ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Bảo – chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty đầu tư Việt Hà – đánh giá chính sách giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cần xem kỹ vì chưa trúng thực tế.
– Tám nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có giải pháp giãn, giảm thuế, theo tôi là đúng, phản ứng hợp lý trước khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi, về giải pháp thuế đang tồn tại hai vấn đề. Thứ nhất là chưa trúng, thứ hai là quá tượng trưng, không đủ tính động viên.
* Giải pháp giãn, giảm thuế là một trong những giải pháp tổng hợp nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp. Theo ông, nó có thật sự có ý nghĩa cho các doanh nghiệp đang khó khăn?
– Đúng là giải pháp giãn, giảm thuế nằm trong hệ thống các giải pháp rất đầy đủ của Chính phủ. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn cho rằng các giải pháp đó thiếu tính đột phá. Cần giải pháp trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hơn. Riêng giải pháp về thuế, tôi nghĩ có yếu tố chưa trúng. Chưa trúng vì cách chúng ta khoanh vùng đối tượng được giãn, giảm thuế năm 2011.
Theo con số thống kê, hiện 40% doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng, cố giảm lỗ để duy trì sản xuất. Thế nhưng đối tượng được giãn, đề nghị giảm thuế TNDN 30%, theo đề xuất của Bộ Tài chính, chủ yếu là các doanh nghiệp vẫn có lãi, đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận để nộp thuế. Khu vực khó khăn nhất, đang lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản thì cơ bản không được hỗ trợ. Thuế TNCN cũng là miễn thuế cho người có thu nhập thuộc dạng khá cao trong xã hội. Mức giảm thuế TNCN cho người có thu nhập ở bậc một, thực tế chỉ khoảng 150.000 đồng, theo thời giá hiện nay, thật sự không nhiều ý nghĩa.
Tôi công nhận quy luật nền kinh tế thị trường phải tôn trọng sự chọn lọc tự nhiên, chính sách thuế mà Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ nhằm vào mục tiêu như thế. Nhưng câu hỏi đặt ra là biến động vĩ mô hiện nay có phải chỉ loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, hiệu quả đầu tư thấp, năng lực kém hay không? Theo tôi, với lãi suất cao như hiện nay, ngay cả những doanh nghiệp đầu tư dài hạn, hoạt động hiệu quả, đóng góp vào ngân sách và tạo được nhiều công ăn việc làm cũng có thể lâm vào khó khăn, mất ổn định. Cái đó không phải do doanh nghiệp mà do bất ổn vĩ mô.
Thêm đối tượng được giãn thuếBộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng bổ sung đối tượng được gia hạn nộp thuế TNDN trong một năm. Theo đó, đối tượng được bổ sung là thuế TNDN phải nộp năm 2011 từ hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, sản phẩm phân bón, hóa chất… của doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
– Lãi suất 15% đã là quá cao, nay đến 20% thì rất khó kinh doanh. Việc hỗ trợ là cần thiết. Doanh nghiệp được hỗ trợ, với mức như hiện nay, thì tâm lý chung chỉ là được đồng nào hay đồng ấy thôi.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp thật sự giảm được khó khăn để phát triển thì tôi cho rằng cần có giải pháp bổ sung mạnh hơn. Chúng ta cần phân loại cụ thể: doanh nghiệp làm ăn chụp giật, không đầu tư nhiều, buôn bán lòng vòng, đóng góp không đáng kể cho ngân sách và tạo việc làm ít thì dứt khoát không giúp đỡ.
Đối tượng thứ hai là họ đầu tư bài bản, có đóng góp thì cần giúp đỡ để họ vượt qua khó khăn, giúp công nhân có việc làm, góp phần tạo ổn định xã hội, giữ nguồn thu. Thứ ba là đối tượng ít bị ảnh hưởng nhưng có khả năng đóng góp cao thì cũng có thể cân nhắc giúp. Theo tôi, phải tập trung vào đối tượng thứ hai.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Sẽ từng bước giảm thuế trong 10 năm tớiVề câu hỏi mức giảm thuế TNCN và thuế TNDN, tôi cho rằng hiện tại còn nhiều quan điểm, nhất là thuế TNCN. Quan điểm xây dựng chính sách thuế đúng là phải có được nguồn thu nhưng đồng thời phải tạo điều kiện để nuôi dưỡng nguồn thu. Chúng tôi xây dựng chính sách thuế không bao giờ muốn thu cho được nhưng rồi doanh nghiệp và người dân khó khăn.
Nên định hướng chiến lược thuế 10 năm tới, quan điểm chung là sẽ giảm động viên tiền thuế trên đầu người dân, trên đầu đơn vị sản phẩm. Mục đích để từng người dân tích lũy được vốn để tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Chính điều này sẽ giúp tăng cường nguồn thu cho thuế lâu dài và vững chắc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc-hoat-dong/de-xuat-gian-giam-thue-van-chua-trung-220.htm” button=”Theo vinacomin”]