Về công việc, đời sống của thợ lò khai thác than, nhiều người đã biết khá rõ. Nhưng chắc hẳn ít người biết rằng, Tổng công ty Khoáng sản hiện cũng có ba khu vực khai thác quặng bằng công nghệ hầm lò, đó là khu vực Suối Bắc, thuộc Quỳ hợp (Nghệ An), Làng hích (thuộc Đồng Hỷ, Thái Nguyên) và Chợ Điền (thuộc Chợ Đồn, Bắc Cạn). Các khu vực trên đều là vùng cao, đặc biệt khó khăn. Và điều chắc chắn có thể khẳng định là thợ lò ở vùng cao này có nhiều điểm khác biệt.
Thời Pháp, quặng khai thác ở khu vực Chợ Điền này được vận tải bằng cáp treo, dài hơn 3 cây số. Có lẽ đây là hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam. Hiện, cáp treo vẫn còn. Trên đó còn treo lơ lửng cái goòng. Hệ thống vận tải quặng về xuôi của người Pháp cũng khác bây giờ. Sau khi tập kết ở mặt bằng, quặng chuyển ra sông Gâm bằng tàu hỏa, sau đó vận tải bằng đường thủy, về Quảng Yên chế biến.
Đoàn công tác của Công ty than Hòn Gai lên tham quan, từ trong lò ra, người nào quần áo cũng sạch sẽ, như chưa vào lò. Ông Hà Sỹ Lực, Công nghệ trưởng Hầm lò của Than Hòn Gai cao hứng, thốt lên: “Tuyệt vời!”. Ông Lực nói rằng, mát lắm. Nhiệt độ trong lò chừng 24 độ C. Thợ lò ở đây cũng giỏi. Đào được cái phỗng đứng 40 mét trong đá cứng như thế là rất giỏi. Ông Lực tiếp, ở đây mỗi khâu bốc xúc hơi vất vả, vì quặng ướt, nặng, còn lại các khâu đều nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn khai thác than rất nhiều. Là bởi, lò đi trong đá cứng ổn định nên cả hệ thống khai thác ở đây chỉ có khoảng 100 mét chống sắt, còn lại chẳng chống giữ gì. Đường lò không có khí nổ, bụi nổ nên thiết bị đơn giản; công tác quản lí kỹ thuật cũng đỡ phức tạp. Ai đó trong đoàn phản ánh, thiết bị lạc hậu quá, công nhân đi lại trong lò cũng xa, leo mấy trăm mét lò giếng cũng mệt. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Công ty Kim loại màu Thái Nguyên giải thích, biết là vậy nhưng cả khu vực mỏ này, trữ lượng chưa đến 1 triệu tấn, đầu tư thiết bị hiện đại, liệu rằng hiệu quả sao đây? Công ty cũng đang chuẩn bị đầu tư thăm dò, đánh giá lại trữ lượng. Có kết quả thật chính xác mới dám đầu tư các bước tiếp theo.
Khác với vùng than Quảng Ninh, thợ lò ở đây chủ yếu trai bản địa phương. Trong số 345 công nhân làm nghề nặng nhọc của Công ty, có khoảng 60% là người con em các dân tộc tỉnh Bắc Cạn, khoảng 30% người Tuyên Quang và 10% các địa phương khác. Công ty hiện đang gửi đào tạo lớp thợ lò tiếp theo, 50 người, chủ yếu tuyển dụng con em địa phương và một lớp trung cấp khai thác hầm lò, đào tạo tại chỗ. Ông Tạ Văn Bình, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty phân tích, do công việc khai thác quặng đỡ nặng nhọc hơn khai thác than, thu nhập có thể thấp hơn, nhưng cao hơn so với mặt bằng chung của vùng cao và công nhân là người địa phương nên tình trạng bỏ việc không nhiều.
Tại Phân xưởng Khai thác 1, chúng tôi gặp các chị xúc quặng và làm các công việc phụ trợ như bắt đẩy goong, vệ sinh công nghiệp cho Phân xưởng. Hầu hết các chị là người địa phương, có chồng làm thợ lò. Chị Hà Thị Bạch, người Tày, chồng là Nông Ích Canh, thợ lò PX Khai thác 1, cho biết: vợ chồng chị làm ở Công ty hơn 10 năm. Anh chị đã có 2 cháu, có nhà riêng, cuộc sống khá hơn nhiều so với dân bản. Hàng ngày, anh chị đi làm có xe Công ty đưa đón. Thu nhập hai vợ chồng tháng cao, gần mười triệu; tháng thấp, bảy tám triệu. Anh chị còn được đi tham quan nghỉ mát, được khám chữa bệnh miễn phí… Chị Hoàng Thị Vị, có chồng là anh Nông Văn Chiến, thợ lò PX Khai thác 1. Trong bảng lương của Công ty, tháng vừa qua, anh Nông Văn Chiến đạt mức thu nhập trên 6,735 triệu, bằng mức thu nhập bình quân của thợ lò Quảng Ninh. Trong bảng lương, tôi thấy có hàng chục người đạt mức thu nhập trên 7 triệu đồng, như các anh Nguyễn Công Hàn, Trương Văn Hữu, Hứa Văn Tế, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Quốc Việt… Chị Vị cho hay, những năm trước, công nhân thiếu việc, đời sống khó khăn lắm. Từ năm ngoái đến nay, việc làm và thu nhập ổn định nên đời sống gia đình chị cũng như anh em trong PX phấn khởi hơn.
Vậy là, thợ lò vùng cao Bắc Cạn làm việc không quá vất vả như thợ mỏ Quảng Ninh. Hầm lò của họ cũng giản đơn, không được đầu tư lớn như các hầm lò khai thác than. Nhưng có một điểm chung là hiện tại vai trò của họ khá quan trọng, cung cấp quặng cho nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên. Họ rất yêu nghề và gắn bó với nghề để duy trì cuộc sống và đảm bảo hoạt động cho các đơn vị đứng phía sau họ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khac-biet-tho-lo-bac-can-355.htm” button=”Theo vinacomin”]