Đến tham quan khu nhà ở tập thể công nhân than Đồng Vông mới khánh thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 7, chúng tôi tình cờ bắt gặp một tốp thợ lò của Phân xưởng KT2 – Công trường 320 Bắc Đồng Vông, những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ nhưng có ánh nhìn rắn rỏi, mạnh mẽ. Câu chuyện về cuộc sống thường ngày của họ cứ thế cuốn chúng tôi đi. Mới hay, dù công việc vất vả nhưng thợ lò của ta lạc quan, yêu đời và cũng rất yêu nghề.
Từ chuyện ở, chuyện ăn…
Khu tập thể “Gốc mít” giờ là cụm sinh hoạt tập trung của công nhân với nhiều hạng mục khép kín từ trung tâm điều hành sản xuất, đến nhà ở, căng tin nhà ăn, nhà tắm giặt, trạm y tế…
– Mấy anh em ở tập thể Công ty thấy thế nào? tôi hỏi
Nguyễn Thọ Tuân, thợ lò bậc 5/6, PX KT 2 nhanh nhảu đáp: “Từ lúc vào làm công nhân, bọn em ở tập thể của Công ty cho tiện xe đưa đón đi làm. Trước ở trong những dãy nhà cấp 4. Giờ chuyển sang khu nhà cao tầng đẹp thế này, còn mong gì hơn nữa”.
– Công ty bố trí mấy người một phòng?
“5 người một phòng. Hơi chật một tý, nhưng em nghĩ, hết giờ làm việc về chỉ toàn ngủ, còn thời gian thì xem ti vi, có làm gì đâu mà cần rộng lắm. Công ty trang bị bàn ghế, ấm chén, phích nước, quạt điện…đầy đủ cả.”
– Điện nước ra sao?
“Nước thì công ty bao cấp toàn bộ, cả nước sinh hoạt và nước lọc tinh khiết. Nhưng điện thì dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Em nghĩ thế cũng phải, để bọn em còn có ý thức tiết kiệm, thanh niên mà.” Vừa nói Tuân vừa cười xuề xòa.
Hỏi chuyện ăn uống, thợ lò bậc 4/6 Lê Kim Bách chia sẻ, “Bọn em được phục vụ tất, trước khi đi làm hay đi làm về đều có cơm ăn ngay.”
– Có đủ no không,
“No chứ, ở đây, chúng em ăn theo hình thức bán tự chọn, thức ăn thì chia suất, còn cơm canh thì thoải mái, muốn ăn bao nhiêu cũng được.”
– Thế độ “ngon” thì sao, về phòng có phải nấu ăn thêm không?
“Ổn mà, nói chung như ăn cơm ở nhà với mẹ, về phòng nấu nướng làm gì nữa cho mệt. Thỉnh thoảng thèm mì tôm thì xuống căng tin.”
Gặp anh Nga, Trưởng ngành đời sống Công ty, thấy anh tất bật, vừa chỉ đạo nhân viên bếp, thoắt cái đã thấy anh đang kiểm tra nội vụ các phòng bên khu nhà ở. Anh cho biết, mỗi ngày ngành đời sống phục vụ khoảng trên 1.000 suất cơm, trong đó có 900 suất cơm hộp đưa đến tận khai trường. Trong thời kỳ lạm phát, giá cả tăng chóng mặt như hiện nay, cán bộ cấp dưỡng phải tích cực chế biến để cải thiện chất lượng bữa ăn. Bên cạnh đó, với lực lượng 119 người, PX đời sống còn đảm nhận phục vụ 900 lượt giặt sấy ất khoảng 150 dây chuyền.
… Đến chuyện việc làm, thu nhập
So với các công ty khác trong Tập đoàn, Đồng Vông là công ty than có quy mô nhỏ hơn, tài nguyên phân tán, đi lại khó khăn. Lại hỏi:
– Công việc thế nào? ngày công trên tháng cao nhất là bao nhiêu?
“Trung bình cỡ độ 23 đến 25 công, bọn em chỉ nghỉ chủ nhật. Thu nhập đều đều khoảng 9-10 triệu/tháng. Ở phòng bên cạnh có anh 3 năm chưa hết một sổ phép”. Nguyễn Bá Tài, thợ đào lò đá PX KT2 bộc bạch.
Ngồi bên cạnh, Nguyễn Thọ Tuân tiếp lời: “Có tháng cao nhất được 17 triệu, em gửi về nhà gần hết, chỉ giữ lại vài đồng tiêu vặt. Ở đây không phải mua sắm gì. Bên Khai thác 1, có anh mới làm được 5 năm đã góp được tiền xây nhà 3 tầng ở quê.”
– Mấy anh em có tính tích cóp một vài năm rồi xin vào làm khu công nghiệp cho gần nhà không?
“Bây giờ về quê, làm gì cho đủ sống. Tính sơ sơ, tiền ăn, tiền sữa cho con đã hết 4 triệu/tháng. Mà có phải ai cũng xin được vào khu công nghiệp đâu. Công việc, lương lậu ở mỏ cứ đều đều thế này là bọn em yên tâm làm thôi.” Lâu nay, chúng ta cứ cho rằng, các khu công nghiệp mới hình thành là nguyên nhân khiến một số lượng không nhỏ thợ lò bỏ việc. Tuy nhiên, nghe những chia sẻ mộc mạc, chân tình của Tuân, Bách, hay Tài… ngẫm thấy, chưa hẳn đã vậy. Nếu thợ lò có việc làm và thu nhập ổn định như vậy, cộng với việc được chăm lo chu đáo, có lẽ họ không nghĩ tới con đường “hồi hương”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/den-dong-vong-nghe-tho-lo-ke-chuyen-373.htm” button=”Theo vinacomin”]