LTS: Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, ngành Than – Khoáng sản Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của đội ngũ các nhà văn, nhà thơ. Gần đây, Công ty than Khe Chàm vinh dự được đón đoàn nghệ sỹ về tiếp cận mỏ, gặp gỡ CNCB, mục sở thị công nghệ sản xuất than mà đơn vị đang áp dụng, vui với cuộc sống đời thường của những người thợ mỏ ở đây. Bài bút ký này phản ánh góc nhìn khá mới mẻ của nhà văn, nhà thơ Vân Long – một người luôn nồng nàn cảm xúc với ngành Than.
Chuẩn bị đến với mỏ than xa nhất, hẳn là sẽ được tắm mình ngày đêm trong một không gian mờ ảo bụi than, nên tôi mặc ngay từ nhà bộ quần áo xám, loại “họ hàng” với than. Sinh họat giữa những người công nhân dầu mỡ, than bụi, mình phải chia sẻ chan hoà với anh chị em chứ! Nghĩ thế và làm thế nên tôi bỗng dưng bị lạc điệu ngay từ giây phút đầu tiên gặp họ: tất cả mọi người đều một màu áo trắng, ngực áo thêu hai chữ K.C.(Khe Chàm). Văn phòng Công ty là dãy nhà ba tầng khang trang bề thế, mường tượng như một cơ quan cấp bộ ở Hà Nội. Phía trước mặt là hàng cọ dầu lớn.
Nhóm nhà văn chúng tôi được mời ngay vào cuộc giao ban đầu tuần của Công ty, cũng là để giám đốc giới thiệu chúng tôi với các cán bộ đầu ngành của mỏ. Giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ngô Hoàng Ngân, một trung niên vạm vỡ trắng trẻo, anh như hoà lẫn vóc dáng người thợ với một trí thức vẻ thị thành. Anh giới thiệu các cán bộ đầu ngành của Công ty, rồi nhường lời cho nhà thơ Nguyễn Trác trưởng đoàn giới thiệu từng người trong nhóm nhà văn. Anh em tỏ ra nhận biết vài tên tuổi nhà văn quen thuộc khi được giới thiệu: A! Phan Thị Thanh Nhàn “Hương thầm” ? à! Nguyễn Việt Chiến “Tổ quốc nhìn từ biển”!… Để đáp lại nhiệt tình đón tiếp của các chủ nhân, Nguyễn Việt Chiến đọc sôi nổi bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển theo yêu cầu. Rồi chúng tôi thấy không nên lạm dụng thời gian của buổi giao ban, nên xin phép rút lui khỏi cuộc họp để dư âm bài thơ nói hộ: thơ văn của chúng tôi những ngày này đều cập nhật những vấn đề nóng bỏng của đất nước.
Lần đầu tôi biết Khe Chàm không từ cán bộ cơ sở, mà từ bài viết của ông Phó TGĐ Tập đoàn Vũ Mạnh Hùng trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Công ty (1/1/1986-1/1/2011): “Khe Chàm! Đồng nghĩa với đổi mới, Khe Chàm là nơi khởi thảo những đề án đổi mới trong khai thác than hầm lò của Than Việt Nam: Cột chống ma sát, cột chống thuỷ lực đơn, giá chống mang ký hiệu XDY đến máy khấu MG 200 hệ thống cảnh báo khí CH4…Và tới đây sẽ là dàn chống siêu nhẹ, cột thuỷ lực nước, trạm giám sát người ra vào lò bằng hệ thống kiểm soát định vị trên thẻ từ cũng được khởi đầu từ đây…”
Một chuỗi danh từ kỹ thuật với những khái niệm mà chỉ nghe giải thích không tận mắt nhìn cũng chả hiểu là bao. Tôi chỉ nghĩ khái quát đơn giản qua những con số: Trong điều kiện than lộ thiên đã khai thác sắp hết, nay phải khai thác xuống tầng sâu. Đào xuống đã vậy, mở rộng ra thành nhiều nhánh nhiều vỉa, phải chống đỡ làm sao cho an toàn khối lượng đất đá dầy và khí độc hại cho trên 1.500 thợ lò ngày đêm lao động.
Dù trang thiết bị ngày một hiện đại hơn, nhưng càng đào sâu xuống, càng nhiều khó khăn hơn. Một tấn than hầm lò tất nhiên phải chi phí trí tuệ, công sức, tài và lực gấp 5,6 lần tấn than khai thác lộ thiên. Thợ lò đến 50 tuổi là được nghỉ hưu với đủ mọi chế độ, để thấy hoàn cảnh lao động, môi trường lao động dưới hầm sâu khắc nghiệt, suy giảm sức khoẻ người thợ đến thế nào.
Phó giám đốc phụ trách sản xuất kiêm Bí thư Đảng ủy Vũ Quang Tuyến là một trong số người có thâm niên cao nhất ở Khe Chàm. Anh có mặt ở mỏ từ 1987, trải qua hầu hết các vị trí lãnh đạo, từ Phó quản đốc tới vị trí như hiện tại. Với bề dầy thời gian, kinh qua nhiều công tác trực tiếp hoặc gián tiếp, anh nắm con người và công việc của mỏ như trong lòng bàn tay. Bà vợ làm lao động tiền lương bên mỏ Cao Sơn liền kề, con gái đầu đang học Cao đẳng Tuyển khoáng. ở Quảng Ninh, một gia đình 3,4 thế hệ gắn bó với ngành than, hoặc một hai thế hệ vợ chồng cha con, dâu rể đều góp phần sản xuất than là khá phổ biến. Môi trường than cũng mở rộng cửa cho chí tiến thủ của lớp trẻ với những chuyên gia, thạc sĩ, tiến sĩ giờ không còn là hiếm ở ngành than.
Chúng tôi được nghe anh Tuyến điểm lại quá trình xây dựng mỏ, có bất trắc thảm thương (vụ tai nạn ngày 8-12-2008 làm 10 người thiệt mạng), và hình dung thêm để thấy hoàn cảnh khó khăn khi anh Ngô Hoàng Ngân được cử về làm Giám đốc Than Khe Chàm, ngay sau vụ tai nạn chưa đầy một tháng (1-1-2009). Bộ máy quản lý lãnh đạo cũ tất nhiên phải cùng giám đốc mới lo toan phục hồi sinh khí của đơn vị. Công tác tư tưởng phải được nhuần thấm tới mọi cấp, nhất là với hàng ngũ thợ lò. Bên cạnh vấn đề trách nhiệm, lương tâm người thợ vùng than, có thể thấy không ngành nào không có tai nạn nghề nghiệp. Khe Chàm hôm nay có hơn 3.000 CBCNV, trong 25 năm xây dựng, mất 25 sinh mạng vì tai nạn, tỷ lệ đó không phải là cao nếu so với tai nạn giao thông, nhưng dù chỉ mất 1 người thôi cũng đau xót lắm chứ!
Giám đốc Ngô Hoàng Ngân tìm hiểu thêm cả lề lối làm việc trước khi xẩy tai nạn, tức trước khi anh có mặt ở Công ty. Anh thấy chỉ phục hồi như trước thôi là chưa đủ. Nhân cuộc chấn chỉnh này, phải bắt đầu xây dựng một nếp sống văn hoá doanh nghiệp, tác phong công nghiệp cho mỗi CBCNV như một số hầm mỏ tiên tiến nước ngoài anh từng du học, qua thăm. Điều này không phải dễ khi phần lớn lớp thợ trẻ xuất thân từ nông thôn.
Mọi người còn nhớ buổi họp đầu tiên thực hiện nội quy mới: họp giao ban đúng giờ. Đúng 8 giờ sáng, mới có độ ba phần tư số người vào phòng họp. Cũng có một số người đã đến, nhưng cho rằng chưa đủ người thì còn phải đợi như mọi khi, nên cứ nhẩn nha đứng tán chuyện ngoài sân. Sau tiếng chuông báo giờ, giám đốc ra lệnh đóng và khóa cửa hội trường, không mở cho người đến chậm. Đến buổi giao ban sau, cánh cửa vẫn đóng sập đúng giờ, và theo đúng nội quy: người đến muộn phải nộp 200 ngàn vào công quỹ và làm bản kiểm điểm. Cho đến bây giờ thì người lề mề nhất cũng không dám tới chậm. Và thấy ngay thành quả, khi cần phối hợp với đơn vị bạn ngay từ đầu giờ, không phải chờ hoặc tìm gặp người này người khác như trước.
Điều nghiêm cấm tuyệt đối: Không được mang bất cứ vật gì của mỏ ra ngoài, hễ bảo vệ bắt được, làm biên bản nộp cho tổ chức. Và khỏi cần vật đó đáng giá hay không, chỉ có một mức kỷ luật là đuổi việc. Một thợ lò lâu năm nhặt một nắm dây đồng vụn khoảng 1 kg, gói lại mang về, bảo vệ bắt được làm biên bản. Hôm sau đã có quyết định sa thải… mặc những điều tiếng trách tổ chức quá nguyên tắc làm đơn vị mất một thợ giỏi. Nhưng vài tháng sau, thấy anh thợ không xin được việc, Công ty cho người đến hỏi anh có muốn trở lại làm việc không thì viết đơn giám đốc xét. Rồi được nhận lại làm công việc cũ, nhưng anh ta đã thành người chín chắn hơn, không còn tham vặt. Chỉ vài trường hợp như vậy, tác động đến những người thợ khác là chuyện dĩ nhiên, không còn ai dám nhặt nhạnh của công, để “cái sẩy nẩy cái ung”.
Tận dụng hết những quyền lợi người lao động được hưởng mà Tập đoàn đã quy định, thí dụ xây nhà ăn, bàn ghế, quạt máy, điều hòa…đều tính vào chi phí sản xuất… Công ty lần lượt xây dựng, kiện toàn những cơ sở vật chất. Điều kiện làm việc cho người lao động được đầu tư gấp nhiều lần so với năm 1986. Năm 2.000 Công ty hoàn thiện khu văn phòng. Gần đây, quy định mặc áo trắng đồng phục, có thêu hai chữ tắt K.C. được chấp hành nghiêm chỉnh, khiến bộ mặt văn phòng Công ty sáng trưng. Công ty may cho mỗi CBCNV 2 bộ/năm, nữ văn phòng được thêm đôi váy sẫm màu. Chúng tôi đến nhà ăn của văn phòng, gặp mấy cô gái xinh đẹp tiếp viên, mặc áo trắng muốt thêu K.C trên ngực, nhưng “nữ tính” hơn ở nếp áo ngực, váy màu tím than. Đẹp và sang chẳng khác các tiếp viên của khách sạn 3,4 sao. Một nhà báo trẻ hỏi trêu: Em ơi! K.C là gì hả em? Hay là… “Không cấm”? Cô gái nở nụ cười rất tươi, láu lỉnh đáp: Nhà báo đoán nhầm rồi, K.C. là “Không cho”!
Trước đây, lắp máy điều hòa rất chóng hỏng do môi trường nhiều bụi bị hút vào máy. Nay Công ty cho bê tông hoá toàn bộ không chỉ khu văn phòng mà cả khu điều hành mỏ, khu nhà ăn… nên máy điều hòa nhiệt độ được trang bị khắp những nơi cần thiết và chạy vô tư bất cứ lúc nào cần. Có khoảng đất nào trống, đều đuợc trồng cây xanh. Công nhân từ khu tập thể ngoài Cẩm Phả được ô tô của mỏ đưa đón (25 cây số) vào đến văn phòng, hoặc vào thẳng khu khai thác đều có thể mặc áo trắng mà không dính bụi than. Vào đến đây, có phòng thay quần áo bảo hộ. Hết giờ làm việc, vào phòng tắm, quần áo bảo hộ thay ra có người giặt. Lại có thể mặc quần áo trắng sạch, đi…ăn cưới cũng được.
Khi vào ca, từ phòng thay quần áo, công nhân đi bộ khoảng năm trăm mét đến cửa hầm khai thác. Hai năm nay, con đường được lợp mái che mưa nắng, mà trước đây ngỡ như không cần thiết. Việc lợp mái cho con đường tưởng như quá nhỏ, nhưng đã thể hiện sự quan tâm đến từng bước đi của người thợ.
Anh Tuyến đưa chúng tôi đến khu vực điều hành, có nhà nhận lệnh, có trung tâm quan sát. Mọi hoạt động quan trọng duới hầm lò đều thể hiện ngay trên màn hình. Chỉ cần quan sát 9 ô hình chữ nhật trên màn hình, người trực ngồi tại chỗ vẫn nắm được diễn biến chung.
Chúng tôi được mặc bộ quần áo bảo hộ với đủ tất, ủng, mũ có gắn đèn thợ mỏ, đặc biệt là chiếc máy cứu hộ, trợ thở, hình thù như chiếc máy ảnh đeo vào thắt lưng. Khi có cảnh báo nguy hiểm, phải thao tác nhanh úp lên mặt. Học thao tác mà cứ lo lo, nhỡ lúc gấp lại quên hết các thao tác! Chúng tôi được dẫn qua cửa hầm khá rộng, thấy một đường ray và hai toa xe trần với mỗi hàng ghế ngồi được hai hay ba người, mỗi toa chứa được 24 người, vị chi mỗi chuyến xuống 48 người. Chạy dọc theo đường ray trên trần hầm là hai đường ống sắt lớn phi 400, bơm nước đã xử lý vào lò. Tại cửa hầm xuống lò có gắn chiếc quạt máy lớn cực mạnh, hẳn đủ sức bóc tách khí CH4 khỏi than, khí và bụi than bị xua bạt, theo con đường khác ra khỏi hầm mỏ.
Dự buổi lễ sơ kết 6 tháng của Khe Chàm, được thấy cái vui xả láng, lành mạnh của những trí thức vùng than, từ giám đốc đến kỹ sư mới ra trường đều hát hò, trêu đùa nhau thoải mái. Sau cuộc vui, ngay ngày mai họ lại chuẩn bị, hoàn thiện tiếp mọi khâu kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ đào lò cho việc khai thác sản lượng Khe Chàm III mà Tập đoàn giao cho Công ty làm chủ đầu tư xây dựng và khai thác từ năm 2010. Ngày mai, người bên ngoài, người tiếp tục vào sâu trong lòng đất để phối hợp với nhau đưa ra những tấn tài nguyên quý giá. Đó là niềm vinh dự của tất cả những người thợ Khe Chàm, là sự chờ đợi của cả ngành than.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khe-cham-tien-sau-trong-long-dat-445.htm” button=”Theo vinacomin”]