Nhà thơ Trần Nhuận Minh từng có rất nhiều năm sống và làm việc ở vùng than Quảng Ninh. Ông đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong sáng tác văn học. Rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao
của ông có hình ảnh người thợ mỏ trong đó.
Trước yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong đà xây dựng chủ nghĩa xã hội, người thợ đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình là đem sức lực, lòng hăng say và trí tuệ để đánh thức những “mỏ vàng đen” còn đang nằm ngủ trong lòng đất. Người thợ mỏ trăn trở, lo toan với con số trần trụi và khô khan – con số sản lượng pháp lệnh than của mỏ: 4.000.000 tấn: Có vượt qua những ngày gian khổ / Mới hiểu được vì sao / Vì sao con số / Trần trụi / Khô khan / Con số / Lại vỗ vào đời anh như sóng vỗ / Lại đập vào ngực anh như trận gió rừng… ( 4.000.000 )
Sau những bộn bề lo toan và trải qua bao nỗi vất vả, nhọc nhằn trong lao động, người thợ lại có một khoảng bình yên để cởi lòng mình trong nỗi rung động tình yêu, và trải hồn mình vào không gian lãng mạn đầy chất thơ giữa màu nước xanh trong, của hương biển, gió trời, để tận hưởng cái cảm giác lâng lâng, thanh thản: Và rồi em sẽ quen với anh / Tay gạt núi, mở chân trời mơ mộng / Anh yêu em lặng thầm và cháy bỏng / Đến tận cùng năm tháng cuộc đời anh… (Em về vùng mỏ)
Và rồi hạnh phúc tươi hồng cũng đã đến với người thợ. Đó là hạnh phúc của anh “lái bò” có tiếng còi rất điệu, cất giọng nam cao ngang tàng trong ngày cưới của mình với cô vẫy đầu đường hàng ngày để cho xe anh đổ đá: Anh lái bò cất giọng nam cao / Giọng hát khỏe, vút thẳng từ lồng ngực /
Tay quen lái những cung đường gấp khúc / Lời ca quen những âm điệu ngang tàng… (Đám cưới cô vẫy đầu đường và anh chàng lái xe bò tót)
Chính mảnh đất “phố mỏ Hòn Gai quanh năm rừng rực nắng trời” này, đã xe duyên, kết mối cho bao đôi lứa người thợ khi họ gặp nhau trên một công trường. Đây là lời anh thợ gõ nồi hơi, đưa “cô bạn” thợ hàn về quê ra mắt mẹ: Bạn con đấy, rất là hiền mẹ ạ / Biết têm trầu và biết khâu vá /
Biết nấu canh cua đồng với rau mồng tơi… (Thưa mẹ)
Hình tượng người công nhân có lúc được phác họa trên cái nền không gian của vũ trụ, vừa toát lên vẻ đẹp chân thực, vừa láp lánh vẻ đẹp lãng mạn trong một tâm thế phấn chấn, lạc quan, yêu đời, nhưng cũng xen vào đó là một nét tinh nghịch đáng yêu: Chính anh nào phải ai nào / Lái xe giữa một tầng cao chín đầy / Nhìn qua óng ánh mây trời / Vùng than điện sáng cũng dầy như sao… (Thư cho em gái)
Cứ như thế, dí dỏm, không màu mè, hình tượng người thợ mỏ trong thơ Trần Nhuận Minh ngày càng rõ nét, như là kết quả của sự thu hút các mảnh đời, quy tụ vốn liếng bao nhiêu năm ông sống với vùng mỏ. Và vùng mỏ cũng rất đỗi tự hào bởi chính nơi này đã góp phần tạo nên danh tiếng của nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thi ca của đất nước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hinh-anh-tho-mo-trong-tho-tran-nhuan-minh-450.htm” button=”Theo vinacomin”]