Công ty CP Tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp (VIMCC) vừa trình lãnh đạo Tập đoàn Đề án thành lập Trung tâm kinh tế. PV Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thúy Minh (N.T.M) – Trưởng phòng định mức và giá VIMCC xung quanh vấn đề trên.
Bà N.T.M: Theo tôi, từ nhiều năm qua, các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế ngành phát triển rất chậm, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được các yêu cầu bức thiết của ngành khai thác khoáng sản nói chung và ngành khai thác than nói riêng do lực lượng lao động quá mỏng và ít có sự quan tâm của các cấp.
Trong lĩnh vực quản lý năng suất và vật tư, đã nhiều năm không có các công trình khảo sát, đánh giá việc thực hiện năng suất và hao phí vật tư trên thực tế so với năng suất và hao phí theo thiết kế hoặc chào hàng của nhà sản xuất nhằm làm cơ sở cho việc cải tiến vật tư, thiết bị, cải tiến tổ chức lao động, tổ chức sản xuất. Hệ thống định mức hao phí vật tư và định mức năng suất mới chỉ lập cho số ít loại thiết bị và công việc với phạm vi áp dụng hạn chế, thiếu linh hoạt. Đây là nguyên nhân làm giảm đáng kể hiệu quả của công tác khoán quản chi phí trong Tập đoàn và tại mỗi đơn vị thành viên.
Trong lĩnh vực về chế độ chính sách đối với ngành và quản lý kinh tế chung, chưa có các công trình nghiên cứu trước nhằm đề xuất với các cấp có thẩm quyền một cách kịp thời và phù hợp. Ví dụ như chính sách tiền lương và chế độ đối với người lao động, các định mức tỷ lệ do Nhà nước ban hành trong lĩnh vực xây dựng…
Trong lĩnh vực cung cấp thông tin phục vụ xây dựng và sản xuất của ngành, chưa có bộ phận chuyên trách hiểu biết các thông tin kinh tế – kỹ thuật ngành để tiến hành thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách, quản lý doanh nghiệp mỏ mói chung và các vấn đề kinh tế ngành nói riêng.
P.V: Vậy tại sao Phòng Định mức và Giá không nâng cao năng lực của mình để đảm nhận tốt các công việc trên mà nhất thiết phải thành lập Trung tâm Kinh tế?
Bà N.T.M: Những năm qua, Phòng Định mức và Giá đã thực hiện khá tốt các nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, do hoạt động dưới hình thức của một phòng chuyên môn trong Công ty nên không tránh khỏi những hạn chế nhất định về việc khai thác, phát triển thị trường và đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, Công ty cũng khó có thể thiết lập được cơ chế hoạt động riêng cho một phòng để phù hợp với tính chất công việc cũng như nhận thức về quản lý kinh tế của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Việc thành lập Trung tâm Kinh tế hoạt động với chức năng của một chi nhánh hạch toán độc lập nhằm thực hiện các yêu cầu nêu trên mà vẫn phát huy được sự gắn kết giữa kinh tế với kỹ thuật và công nghệ khi đặt trong mối quan hệ với Công ty.
P.V: Theo tôi hiểu, nhiệm vụ của Trung tâm là thực hiện các công việc xung quanh việc đánh giá định mức và giá cho ngành. Như thế có đúng không, thưa bà?
Bà N.T.M: Đúng nhưng chưa đủ. Khi đi vào hoạt động, ngoài nhiệm vụ lập và thẩm tra các chỉ tiêu năng suất vốn đầu tư, định mức, đơn giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, tổng mức đầu tư, hiệu quả của dự án, dự toán xây dựng công trình, Trung tâm còn tư vấn kiểm soát và giải đáp những vướng mắc về chi phí xây dựng công trình, lập hồ sơ thanh toán, quyết toán hợp đồng và vốn đầu tư. Trung tâm còn lập, thẩm tra kế hoạch đấu thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, xác định giá gói thầu và giá hợp đồng trong hoạt động xây dựng…
Trung tâm còn điều tra, khảo sát, xử lý, phân tích và cập nhật các dữ liệu về tình hình sử dụng vật tư, thiết bị công nghệ, lao động làm cơ sở cho các hoạt động quản lý chi phí xây dựng và quản trị doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; lập và thẩm tra các định mức năng suất, định biên lao động, định mức sử dụng vật tư, đơn giá khoán… theo các hình thức tổ chức lao động và sản xuất.
P.V: Việc thành lập Trung tâm có thành hiện thực không?
Bà N.T.M: Điều đó phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo.
P.V: Xin cảm ơn bà!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/can-thiet-gan-ket-giua-kinh-te-voi-ky-thuat-cong-nghe-451.htm” button=”Theo vinacomin”]