Khi Tổng công ty Đông Bắc quyết định nhận nhiệm vụ thi công đê bao lấn biển, hạng mục quan trọng nhất của gói thầu san gạt mặt bằng công trình Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), nhiều nhà thầu khác tỏ ý nghi ngờ. Họ có lý bởi trước đó nhà thầu trong nước từng thất bại trong việc thi công tuyến đê biển của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng đó lại là cơ hội tuyệt vời để những người lính thợ Đông Bắc tỏ rõ bản lĩnh và năng lực của mình.
Hệ thống đê bao lấn biển này có tổng chiều dài toàn tuyến 3.312 m; cao trình đáy biển từ mức -1m đến -6m; cao trình đỉnh đê hoàn thiện từ 5 đến 6,9 m, chiều cao đê lớn nhất là 13,3 m, chiều rộng chân đê trung bình 40 m. Ngay sau khi khởi công xây dựng công trình, Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại (thuộc Tổng công ty Đông Bắc, đơn vị trực tiếp thi công) đã thường xuyên huy động hàng trăm cán bộ, công nhân có mặt ngày đêm trên công trường để triển khai công việc. Trong quá trình xây dựng, lực lượng cán bộ, công nhân thi công đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn ở khu vực cát trắng mênh mông, chỉ sẵn nắng gió và cỏ cây dại ngút ngàn, còn những thứ thiết yếu khác đều thiếu. Địa bàn này lại khá xa trung tâm nên việc huy động lượng vật liệu xây dựng (như: đá, cát, xi măng, sắt thép…) rất lớn gặp nhiều khó khăn. Rồi việc lựa chọn phương tiện, thiết bị nào để thi công cũng phải được tính toán kỹ lưỡng. Đơn vị đã tổ chức tham khảo, nghiên cứu kỹ quá trình thi công tuyến đê biển Dung Quất để học tập, rút kinh nghiệm. Sau đó còn mở lớp đào tạo lại quy trình thi công dưới nước cho cán bộ kỹ thuật.
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nam, Quản đốc công trường có lẽ là người thấu hiểu những khó khăn, vất vả nhất mà những người thợ ở đây phải trải qua. Nhớ lại ngày mới đặt chân lên vùng đất chỉ sẵn nắng, gió và cát trắng này, bản thân Nam – người đã cùng đơn vị chinh phục rất nhiều công trình ở nhiều vùng miền khác nhau – cũng khá ngạc nhiên với những gì các anh đã làm được ở đây. Anh cho biết, khối lượng công việc của Dự án san gạt mặt bằng Trung tâm điện lực Vĩnh Tân là rất lớn, nhưng khó khăn nhất thuộc về gói thầu 3b (thi công hệ thống đê bao lấn biển). Nếu thi công đê biển thành công, tổ hợp điện lực Vĩnh Tân sẽ có thêm 378 ha diện tích mặt bằng. Để thực hiện được điều đó không hề đơn giản, bởi trị thủy bình thường đã khó, thi công trong điều kiện thường xuyên có sóng to, gió lớn từ đại dương lại càng khó hơn. Nhưng dù khó khăn đến mấy cũng không cản được ý chí và quyết tâm của họ. Đơn vị đã phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng nhiều biện pháp khoa học tiên tiến trong việc giữ gìn, rải tấm lưới địa kỹ thuật gia cường lót đáy, thi công hệ thống đường công vụ vận chuyển vật liệu. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã xây lắp 28.620 m3 Tetrapod (phá sóng các lớp), 14.070 m3 Haro (mặt trượt ngoài đê), 483.400 m3 đá hộc lõi đê các loại, 35.158 m3 đá dăm làm tầng lọc ngược, 144.221 m2 lưới địa kỹ thuật gia cường lót đáy, 139.026 m3 bê tông khối phủ và khối phá sóng và 21.017 m3 bê tông chống ăn mòn môi trường biển … Để lắp đặt các cấu kiện phá sóng (Tetrapod có hình thù như củ ấu khổng lồ), trọng lượng từ 5- 9,7 tấn, phải dùng cẩu khéo léo đưa xuống, lắp ngầm dưới biển, theo góc dốc của bờ đê bao, sao cho các mấu củ ấu phải khớp vào nhau; cần có các thợ lặn và làm việc trong điều kiện nơi sóng to gió lớn, khối bê tông rất nặng và phải đặt tất cả 42.690 cấu kiện như thế. Theo kế hoạch tiến độ thực hiện toàn bộ tuyến đê bao lấn biển Vĩnh Tân được thực hiện trong thời gian 18 tháng, riêng phần lõi đê là 11 tháng. Song với sự cố gắng toàn thể CBCNV công trường đã tạo thành mối đoàn kết, thống nhất, thể hiện tính kỳ luật sáng tạo phấn đấu hoàn thành thi công lõi đê trong thời gian 6 tháng, sớm hơn 5 tháng so với tiến độ đã đề ra.
Hiện tại, con đê biển lớn nhất Việt Nam đã xong về cơ bản. Nó đang sừng sững, hiên ngang trước biển để che chắn, tạo ra diện tích mặt bằng đủ cho việc xây dựng tổ hợp nhiệt điện sau này. Công việc san gạt mặt bằng của Công ty đầu tư xây dựng và Thương mại vẫn tiếp tục. Vinh quang đã hoàn toàn thuộc về họ bởi không bao giờ họ là người lỗi hẹn. Say sưa ngắm nhìn con đê như ngắm nhìn sản phẩm vĩ đại của tạo hóa, bất chợt tôi nghĩ đến hình ảnh: những người lính – thợ Đông Bắc xếp hàng đứng trước Đại tướng Phùng Quang Thanh, Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển tiến lên trước và dập gót nói lớn: “Báo cáo Bộ trưởng, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ!”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vinh-quang-thuoc-ve-nhung-nguoi-khong-loi-hen-453.htm” button=”Theo vinacomin”]