Nắng vẫn đang rát, gắt. Trời ong ong, hơi nước bốc lên leo nheo như có ai đốt lửa. Bãi thải Nam Đèo Nai nóng hầm hập. Nơi ấy những người công nhân vẫn đội nắng mải miết làm việc…
Công việc chính của dự án gồm nghiên cứu chất đất sườn bãi thải; gia cố sườn bãi thải; trồng cây thử nghiệm và xây dựng các rãnh thoát nước sườn bãi thải.
Chúng tôi đã đến thực địa. Đó là một khoảng sườn bãi thải cao và rất dốc, nhiều chỗ bị xói mòn do mưa lũ, thành rãnh dọc, trơ ra toàn đá hoặc xít, nhưng trên sườn ấy vẫn còn sót lại một số bụi cây le, cây keo được trồng trước đó đang lên xanh tốt. Phía dưới chân sườn, đất đá bị bào mòn phía trên trôi xuống như tạo thành một sườn bãi thải khác.
-“Sườn dốc phía trên kia sẽ là nơi thử nghiệm dùng các biện pháp gia cố để trồng cây. Bằng chứng khá rõ: chỗ nào đất đá không bị trôi trượt, cây trụ lại được, chúng như một sự gia cố; hay nói cách khác, cây trụ lại được đã ngăn không cho đất đá xói lở nữa. Mấy bụi cây chứng minh điều đó” – Anh Trần Xuân Gụ, Phó giám đốc Công ty môi trường chỉ cho tôi.
– “Thế còn khoảng đất đá phía dưới chân sườn bãi thải, mưa lũ tạo ra như một sườn bãi thải mới, tôi thấy đã chia ra thành 3 khoảnh?”
– “3 khoảnh ấy để nghiên cứu chất đất và trồng cây thử nghiệm. Khoảnh ngoài cùng phía bên trái, dùng tro xỉ nhà máy nhiệt điện pha trộn với đất đá bãi thải theo một tỷ lệ mà Công ty của bạn đã nghiên cứu. Khoảnh giữa này, phía trên được xếp các bao tải xỉ, như anh thấy kia, mưa gió sẽ giúp chúng thẩm thấu xuống đất đá sườn bãi thải. Còn khoảnh ngoài cùng phía bên phải, để nguyên. Các khoảnh sau đó được trồng các loại cây giống nhau để đối chứng.”
Quảng Ninh đêm qua mưa lớn, tầm tã, tưởng hôm nay ỉu giời. Ai dè, lúc hơn 2 giờ chiều, nắng rát, gắt. Bãi thải nóng hầm hập. Các công nhân của Công trường môi trường thuộc Công ty môi trường-Vinacomin đội nắng làm việc. Một nhóm lát rãnh thoát nước nơi khoảng giữa sườn dốc bãi thải phía trên và khoảng đất đá đang thử nghiệm phía dưới. Nhóm khác, đang trồng cỏ ven ti vơ xen lẫn cây chít, theo hàng, cách đều nhau. Giữa hai hàng trên, dưới cây cỏ ấy, người công nhân đã cuốc những cái hố, cách đều, để trồng vào đó cây keo. Anh Gụ nói với anh Trung, Đội trưởng: “Bảo anh chị em, nếu nắng quá, tạm thời nghỉ, lát nữa trời râm làm tiếp, kẻo say nắng thì khốn”.
Họ dựng lán ăn ở ngay tại công trường. Ngay gần lán, các bầu giống cây chít, cỏ ven ti vơ, hơi úa vàng, xếp sát bên nhau. “Có úa vàng như thế, chúng mới đói, cắm xuống mới mong mọc xanh tốt trở lại.”- anh Trung giải thích.
Tôi để ý, cũng ngay tại đó, có hai ô đất nhỏ, mỗi ô có 3 hàng rau muống gieo hạt đã nhú lên xanh xanh. “Các chuyên gia người Nhật đang thử nghiệm đấy – Anh Trung nói – Một ô trộn đất đá bãi thải với tro xỉ, một ô đất đá bãi thải để nguyên. Không chăm sóc, không tưới tắm gì, để xem rau muống phát triển thế nào. Họ bảo, rau muống, cũng như người Việt Nam, sức sống mãnh liệt lắm”.
Thế là… đang định viết tiếp về dự án cải tạo và phục hồi môi trường bãi thải Chính Bắc ở mỏ than Núi Béo do các chuyên gia CHLB Đức nghiên cứu đã mấy năm nay, để tiện so sánh với các chuyên gia Nhật đang làm bây giờ, bỗng nhiên thấy thừa. Bởi tại câu chuyện rau muống anh Trung kể trên xen vào mất rồi.
Tôi nhìn anh Trung, người thấm đẫm mồ hôi, mặc bộ quần áo bảo hộ màu phớt vàng nên càng thấy bức bối.
Và bất giác, tôi quay lại nhìn lên bãi thải. Nắng vẫn đang rát, gắt. Trời ong ong, hơi nước bốc lên leo nheo như có ai đốt lửa. Bãi thải nóng hầm hập. Nơi ấy những người công nhân vẫn đội nắng mải miết làm việc…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bai-thai-nam-deo-nai-ngay-nang-gat-467.htm” button=”Theo vinacomin”]