Cách đây 53 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) – cái nôi của ngành khai khoáng. Từ đó, ngày 15/9 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của ngành Khoáng sản Việt Nam Trải qua những nốt thăng trầm của lịch sử, ngày nay Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin (VIMICO) đã ngày một phát triển, khẳng định mình cùng những chiến lược sản xuất – kinh doanh mang tầm vóc thời đại.
Mỏ thiếc Tĩnh Túc xưa nằm trên xã Hồng Việt thuộc châu Nguyên Bình. Khi thực dân Pháp chiếm Cao Bằng (1886) có 9 chủ mỏ tranh giành nhau, đến năm 1903 có 3 công ty cạnh tranh thắng lợi, hợp nhất thành Công ty Thiếc Cao Bằng. Lúc đầu, Công ty khai thác thủ công nên năng suất thấp, chỉ thu được 40% tổng số vốn đầu tư, sản lượng hàng năm đạt trung bình từ 8-12 tấn quặng. Từ năm 1914-1918, sau đại chiến thế giới lần thứ nhất mới xây dựng nhà máy sàng, có xe goòng vận chuyển quặng. Cuối tháng 7/1917, Nhà máy thủy điện Tả Sa hoạt động cung cấp điện cho mỏ công suất 500 KW điện 3 pha, sau đó xây tiếp thủy điện Nà Ngần cách Tả Sa 3km, công suất 750 KW, đây là nhà máy thủy điện đầu tiên trong cả nước.
Giai đoạn 1940 – 1945, Nhật chiếm mỏ, tiếp tục khai thác quặng, khủng bố, giết hại một số công nhân có cảm tình với cách mạng. Cuối năm 1947, Pháp tiến công lên Việt Bắc, tái chiếm Cao Bằng, Tĩnh Túc.
– VIMICO vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2006); Công đoàn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007).- 350 căn hộ với hơn 14.000m2 nhà ở đã được VIMICO đầu tư xây dựng, giải quyết chỗ ở cho 1.500 CNLĐ.– Năm 2010, doanh thu đạt 3.558 tỷ đồng, thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng.
– Nhân kỷ niệm 52 năm ngày truyền thống ngành khoáng sản, VIMICO đã trích 4 tỉ đồng từ quỹ phúc lợi xây tặng Trường mầm non Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai).
Ngày 20/11/1956, được Liên Xô giúp đỡ, Chính phủ ta đã đưa 400 kỹ sư và công nhân với 2.000 tấn máy móc, thiết bị khôi phục lại mỏ. Sản lượng thiếc, wonlfram năm 1956 của mỏ đạt 56,376 tấn quặng, năm 1959 đạt 366,478 tấn quặng, năm 1962 đạt 619,163 tấn quặng và 11 kg vàng.
Ngày 15/9/1958, Bác Hồ lên thăm Mỏ Thiếc, lúc này mỏ có 2.000 công nhân, 150 đảng viên, có 174 lao động xuất sắc, 26 chiến sĩ thi đua. Bác Hồ tuyên dương công nhân có 815 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 277 tổ lao động xã hội chủ nghĩa, tổ cơ khí được tuyên dương Anh hùng lao động.
Mỏ thiếc Tĩnh Túc ngày nay trở thành đơn vị thành viên của Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng – VIMICO, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 15%. Công ty chủ trương nâng cấp nhà máy thủy điện Tả Sa, Nà Ngần, Nà Han, Bản Bắc để cung cấp điện cho công nghệ luyện kim và phục vụ sinh hoạt cho gia đình công nhân ở thị trấn Tĩnh Túc. Ngày nay, khu mỏ tiếp tục hoạt động với những công trình máy móc hiện đại như khu nhà tuyển quặng, lò luyện thiếc, hệ thống tời dây 2 km, hệ thống bơm, khu nhà ăn, phục vụ đời sống công nhân. Thị trấn Tĩnh Túc nay có trên 5.000 dân đa số là gia đình thế hệ ba bốn đời công nhân.
Từ truyền thống, vươn lên khẳng định mình
Trong những năm qua, có những thời điểm, VIMICO rơi vào khủng khoảng trầm trọng khi “cơn bão” suy thoái kinh tế thế giới tràn qua (thời điểm cuối năm 2008, đầu 2009). Tuy nhiên, đội ngũ những người thợ mỏ ngành Khoáng sản đã khẳng định bản lĩnh, vươn lên để đơn vị xứng đáng là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về khai thác, chế biến khoáng sản kim loại màu.
Khó khăn lớn nhất của VIMICO là địa bàn hoạt động chủ yếu ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những ngày đầu thành lập Tổng công ty (năm 1995), tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn, lao động thủ công còn phổ biến… nên tình hình chung của đơn vị là khó khăn, tiền lương và thu nhập của người lao động thấp. Tuy nhiên từ năm 2003, đặc biệt là từ năm 2005 – khi VIMICO trở thành đơn vị thành viên của Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt nam – đến nay, các đơn vị trong Tổng Công ty đã được chuyển đổi theo cơ chế mới, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) đã tác động mạnh mẽ đến tình hình sản xuất nói chung và đời sống, thu nhập của người lao động nói riêng. VIMICO là đơn vị thực hiện chuyển đổi các DN sớm và nhanh nhất trong Bộ Công thương khi thực hiện chương trình đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước giai đoạn 2006-2010. Ngoài ra, Tổng công ty còn thực hiện khá mạnh việc phát triển DN thông qua xúc tiến triển khai dự án, liên kết các đối tác để thành lập các công ty cổ phần mà Tổng công ty nắm giữ cổ phần chi phối (trên 51% vốn điều lệ). Hiện tại, VIMICO là Tổng Công ty nhà nước hạng đặc biệt, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – con, có 3 công ty trực thuộc, 14 công ty con, 13 công ty cổ phần chi phối và 15 công ty liên doanh, liên kết trải rộng trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước Đông Nam á. Đây chính là điều kiện thúc đẩy nhanh chóng quá trình thực hiện đầu tư các dự án, tạo đà cho sự tăng trưởng và phát triển các năm tiếp theo.
Công tác phát triển nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật luôn được xác định là một trong những điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Tổng Công ty khi đơn vị đang tiếp tục đẩy mạnh chế biến sâu và tinh các loại khoáng sản, đồng thời mở rộng SXKD, xây lắp các công trình công nghiệp mỏ và dân dụng. Ngoài xây dựng chính sách khuyến khích CNCB tăng cường đảm nhận nhiệm vụ tại các dự án ở vùng sâu, vùng xa, thì công tác đào tạo công nhân kỹ thuật là vấn đề quan trọng được VIMICO tập trung giải quyết.
Một vị lãnh đạo của VIMICO cho biết, hiện nay, Tổng Công ty đang thực hiện chiến lược mở rộng khai thác các loại khoáng sản tại Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên… với nhiều dự án mang tầm cỡ quốc gia như: “Kẽm điện phân Thái Nguyên”, “Tổ hợp đồng Sin Quyền – Lào Cai”; các dự án về luyện gang, thép tại Cao Bằng, Lào Cai và chế biến đất hiếm tại Lai Châu… Để người lao động thực sự gắn bó với đơn vị, cống hiến hết tài năng, tâm sức cho công việc thì trước hết đời sống của họ phải luôn được đảm bảo. Xác định rõ điều này nên ngay từ khi xây dựng các dự án, VIMICO đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng nhà tập thể, nhà sinh hoạt văn hóa – thể thao cho người lao động. Đây là việc làm hết sức nhân văn của đơn vị. Và đó là những cơ sở vững chắc để người ta tin tưởng rằng VIMICO sẽ tiếp tục vươn lên, khẳng định là một trong những thương hiệu mạnh của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vimico-khang-dinh-tam-voc-tren-be-day-truyen-thong-560.htm” button=”Theo vinacomin”]