“Nằm đêm nghe tiếng còi tầm/Nghe như tiếng vọng từ âm phủ về/Tiếng còi não nuột tái tê/Bước chân vào mỏ như lê vào tù… ”
Những vần thơ ấy, theo họ, được truyền miệng từ những năm 30 của thế kỷ trước, nhắc về hơn bảy thập kỷ người thợ mỏ phải chịu sự áp bức, bóc lột tàn nhẫn của thực dân Pháp. Nhưng chúng đã không khuất phục được ý chí và tinh thần đoàn kết đấu tranh của thợ mỏ. Minh chứng lịch sử là sự kiện cách đây 75 năm, ngày 12/11/1936, nổ ra Cuộc tổng bãi công thắng lợi của giai cấp công nhân và người lao động vùng mỏ Quảng Ninh…
Người cao tuổi nhất trong số cựu thợ mỏ tôi tiếp xúc, ông Lưu Văn Xước, sinh năm 1929, hiện trú khu Hải Sơn II-Cẩm Phả, đã kể về giai đoạn 1945-1954, ông và nhiều người bạn phu mỏ, hay còn gọi là culi (tiếng Pháp) ở các nhà máy Than luyện Hồng Gai, mỏ Công Kêu, Cái Đá, Hà Lầm… thuộc Công ty than Bắc Kỳ do Thực dân Pháp quản lý; đi làm chân đất, không trang bị bảo hộ lao động, không xe đưa đón, công việc khai thác than hầu hết là thủ công, thường xuyên bị đánh đập, cúp công, cúp lương. Tai nạn lao động sập lò, cháy lò, lở tầng… liên tục xảy ra do sự thiếu trách nhiệm ở khâu quản lý của cai mỏ.
Nhắc đến điều kiện ăn ở, ông Đoàn Đình Dực, sinh năm 1936, hiện trú phường Cẩm Phú-Cẩm Phả, đã mô tả về những khu nhà sở cho phu mỏ (dạng nhà tập thể) thô sơ chật chội, không điện nước, cuộc sống khổ sở, thiếu thốn đủ bề, con cái thất học. Các bệnh tật do nghèo đói, do môi trường sống và làm việc không đảm bảo vệ sinh (ghẻ lở, chấy rận, sâu quảng, sốt rét, dạ dày…) hoành hành đáng sợ.
Chỉ đến khi hòa bình lập lại, từ 1955, Chính phủ Việt Nam chính thức tiếp quản khu Mỏ, người phu mỏ mới được xóa đi tên gọi đầy tính miệt thị và địa vị thấp hèn. Cuộc sống của họ cũng dần đổi khác, họ được hưởng chế độ tem phiếu mua gạo, thực phẩm nhiều ưu đãi, chế độ khám bệnh, nghỉ phép, được khuyến khích tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ, được tham gia các phong trào TDTT tăng cường sức khỏe… Điều kiện làm việc của họ được cải thiện rõ rệt, quy chế an toàn được chấn chỉnh và nâng cao, thiết bị cơ giới xuất hiện nhiều thay thế dần cho sức người. Họ được biên chế vào đội ngũ công nhân chính thức làm chủ ngành Than và hưởng thụ đầy đủ, chính đáng thành quả lao động của mình.
Vậy là, từ kiếp nô lệ lầm than, người thợ mỏ đã đứng lên theo ngọn cờ Cách mạng, đập tan xiềng xích, làm chủ nhà máy, hầm mỏ. Giá trị của hai tiếng “độc lập” thấm thía sâu sắc trong trái tim người thợ mỏ. Bởi thế nên năm 1964, khi đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, mở đầu bằng loạt máy bay bắn phá Quảng Ninh, giai cấp công nhân mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục nêu cao sức mạnh “kỷ luật và đồng tâm”, vừa sản xuất, vừa cùng nhân dân cả nước đấu tranh đánh thắng quân xâm lược.
Hòa bình, lớp lớp thợ mỏ lại toàn tâm ý, dốc công sức cho sự nghiệp khai thác than, dần tạo sự đổi thay kỳ diệu cho bộ mặt vùng Mỏ và cuộc sống của họ. Điều kiện làm việc, ăn, ở của thợ mỏ nói chung, thợ lò nói riêng giờ được chăm sóc toàn diện. Nhớ lại trước đây, hình ảnh người thợ lò trở về nhà sau mỗi ca làm việc, áo quần xộc xệch, mặt mũi đen nhẻm chỉ thấy đôi mắt và hàm răng. Nay, trước khi vào lò, thợ lò được nhận quần áo bảo hộ lao động đã qua giặt sấy thơm tho. Giữa ca, được phục vụ ăn tại chỗ. Tan ca, được tắm nóng lạnh, ăn bữa cơm công nghiệp tự chọn chất lượng cao, đi về trong bộ dạng bảnh bao, sạch sẽ, có xe máy lạnh đưa đón. Thay vì những khu nhà ở xập xệ, nhiều gia đình nay đã xây được nhà tầng, sắm đủ tiện nghi.
Từ dĩ vãng cuộc sống tối tăm, suốt 75 năm qua, bao thế hệ thợ mỏ bằng ý chí nghị lực bất khuất kiên cường, bằng truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã xây đắp nên hình ảnh và thương hiệu một Tập đoàn kinh tế đa ngành hùng mạnh trên nền sản xuất than, tạo dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tất cả hiện thực ấy, theo các cựu thợ mỏ tuổi xế bóng, dưới thời thuộc Pháp, chỉ đến trong mơ.
Tạm biệt chiếu hàn huyên, ám ảnh tôi là tiếng còi tầm não nuột tái tê với lời dặn dò tâm huyết của các thợ mỏ tiền bối: “Hãy biết trân trọng, nâng niu những giá trị quý báu mình đang có”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tran-trong-gia-tri-minh-dang-co-732.htm” button=”Theo vinacomin”]