Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đã gây tác động xấu đến nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực và có những tác động lớn đến thị trường than nước ta. Hơn 10 năm sau (cuối năm 2008), thợ mỏ Than – Khoáng sản Việt Nam (Tổng Công ty Khoáng sản hợp nhất với Tập đoàn Than VN tháng 12/2006) lại đối mặt với những khó khăn thách thức do ảnh hưởng xấu từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Sau khi thành lập (10/1994),Tổng Công ty Than Việt Nam đã tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ v.v. nên sản lượng tăng vọt. Đến năm 1999, sản lượng than đạt khoảng 10 triệu tấn. Than Việt Nam đã tới được hơn 30 nước trên thế giới.
Đang đà phát triển, diện mạo vùng than khởi sắc thì cuộc khủng hoảng kinh tế Châu á lan tới đã tác động xấu đến thị trường than Việt Nam. Nhu cầu sử dụng than trong nước và các bạn hàng nước ngoài giảm sút. Đến tháng 5/1999, ngành Than tồn kho gần 4 triệu tấn than các loại, trị giá 662 tỷ đồng, mỗi tháng phải trả lãi 7 tỷ đồng, đẩy mức hao hụt cả năm lên 14 tỷ đồng. Tại vùng than Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, khắp các phố mỏ, bến xe, bến tàu, bãi biển, đâu cũng thấy công nhân nhao ra đường, người chạy xe ôm, người bán rau, cào mỏ quạ. Đây là hiện tượng chưa từng có đối với công nhân mỏ, kể từ khi tiếp quản vùng Mỏ (ngày 25 tháng 4 năm 1955).
Trước tình thế đó, ngành Than quyết định tạm thời cho giãn sản xuất một thời gian. Việc tạm giãn sản xuất được thực hiện trong mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 9/1999 và bố trí so le giữa các mỏ để không có mỏ nào phải tạm ngừng sản xuất quá hai tháng. Riêng các mỏ hầm lò giảm số ngày làm việc trong tuần. Lương trong thời gian tạm ngừng sản xuất sẽ được trả cho CNCB bằng 70% mức lương tối thiểu nhân với hệ số cấp bậc.
Quyết định trên đã được thông qua Hội đồng Quản trị Tổng Công ty. Tại Đại hội Đại biểu CNVC ngành Than lần thứ hai tổ chức ngày 26.5.1999, những người đại diện cho hơn 8 vạn thợ đều nhất trí cao với quyết định của Tổng Giám đốc và tham gia hiến kế để ngành Than vượt qua khó khăn nghiệt ngã này. Đó là những tiếng nói đồng tình, khẳng định sự đồng tâm của thợ mỏ, đùm bọc nhau, tạm thời lùi để tiến, để lập lại thế cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ.
Thời đó, hàng ngày, giở bất cứ tờ báo lớn nào cũng thấy nói về ngành Than, trong đó một số bài báo có góc nhìn phiến diện, sai sự thật, đưa ra những số liệu về than tồn kho, phương án giảm tồn kho, nợ đất đá… không chính xác; áp đặt những ý nghĩ chủ quan cho ngành Than, cho rằng ngành Than báo cáo tồn kho nhiều để lấy lý do giãn thợ… Thậm chí có bài báo còn ẩn chứa những ác ý, gây hiểu nhầm trong nhân dân, làm xáo trộn dư luận xã hội.
Quả nhiên, quyết định trên không những đã lập lại thế cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ trước mắt mà còn có tác động rất lớn về đổi mới tư duy kinh tế cho CNCB ngành Than trước cơ chế thị trường đầy biến động. Sau đận ấy, ngành Than đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến năm 2005, sản lượng than thương phẩm đạt trên 30 triệu tấn, vượt 7 triệu tấn so với quy hoạch đề ra cho năm 2010, tăng gấp 2 lần so với chỉ tiêu than do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra cho năm 2005. Trong 5 năm, kể từ khi có quyết định giãn thợ tai tiếng ấy, GDP bình quân mỗi năm của TVN tăng khoảng 30%; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu tăng 12%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 40%. TVN đã hình thành rõ nét cơ cấu kinh doanh mới trên nền công nghiệp than bao gồm than – các nhà máy điện – chế tạo máy – vật liệu nổ công nghiệp – vật liệu xây dựng – thương mại dịch vụ v.v.
Vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Tháng 10/2008, nhóm phóng viên Tạp chí Than Khoáng sản Việt Nam tỏa đi các vùng sản xuất than và khoáng sản của Tập đoàn như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng v.v. Khi phóng viên trở về, Ban Biên tập nhận được những bài báo phản ánh bức tranh tiêu thụ than, khoáng sản thật u ám và nỗi lo toan nóng bỏng của người thợ. Tại Cảng Cửa Ông, Nhà báo Trần Giang Nam có bài phóng sự “Ngày không nghe tiếng còi tàu”. Cảng Cửa Ông là đầu mối tiêu thụ than lớn nhất Tập đoàn mà tàu vào ăn than thưa thớt, thậm chí có ngày “không nghe tiếng còi tàu” là đe dọa đến việc làm và đời sống của hàng vạn thợ mỏ sản xuất than rồi!
Nhóm phóng viên đi Cao Bằng, Thái Nguyên năm 2009 về cũng phản ánh tình hình việc làm và đời sống của công nhân trên đó đang rất bi đát. Có đơn vị khoảng 50 % công nhân không có việc làm hoặc nghỉ luân phiên; thu nhập quá thấp. Nhà báo Lệ Huyền lên Cao Bằng đã có bài viết “Nước mắt hạt dẻ” đăng 2 kỳ trên Tạp chí Vinacomin làm nhiều người xúc động trước cuộc sống gian khó của thợ mỏ khoáng sản nơi đây.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do SXKD của Tập đoàn chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Tổng Công ty Khoáng sản. Lúc này, Nhà máy Luyện đồng Lào Cai mới đi vào hoạt động, nhưng chất lượng sản phẩm chưa ổn định; sản phẩm chính của Tổng Công ty chủ yếu là kẽm thỏi của Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên; là thiếc thỏi ở Cao Bằng, Thái Nguyên, Nghệ Tĩnh v.v. Nhưng cuộc khủng hoảng nêu trên khiến giá kim loại màu trên thế giới bị rớt thảm hại. Hầu hết các sản phẩm của Tổng Công ty Khoáng sản bị giảm tới 50% so với trước, thậm chí có sản phẩm giá bán còn thấp hơn giá thành.
Trước tác động xấu của cuộc khủng hoảng đó, Tập đoàn đã đề ra nhiều biện pháp tích cực để đối phó. Đối với công nghiệp than, Tập đoàn chủ trương tăng cường hợp tác, củng cố các bạn hàng để đẩy mạnh tiêu thụ; đối với khoáng sản, Tập đoàn “bơm” 300 tỷ để thu mua sản phẩm và trợ cấp cho công nhân chưa sắp xếp được việc làm v.v. Ngoài ra, Tập đoàn còn thực hiện các giải pháp khác như quản lý đầu tư, quản lý kỹ thuật, quản lý tiền lương v.v. Bằng những giải pháp tích cực đó, việc làm của trên 120 vạn thợ mỏ Than – Khoáng sản dần ổn định. Đến hết tháng 12/2008, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 57 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 3 tỷ USD (vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2010 là 2,5 đến 3 tỷ USD), lợi nhuận 6.400 tỷ đồng, nộp ngân sách 7.318 tỷ đồng; năm 2009, tổng doanh thu tăng 2% so với năm 2008, sản lượng than sạch 40,5 triệu tấn, tiêu thụ 43,7 triệu tấn, tăng 23,5% so với 2008 (trong đó, nhu cầu trong nước được đáp ứng đầy đủ với lượng tiêu thụ là 19,7 triệu tấn, tăng 8,4% so với 2008); sản xuất kẽm thỏi đạt 108% KH, đồng kim loại đạt 100% KH và năm 2010, hầu hết các chỉ tiêu chính đều vượt kế hoạch và tăng cao so với năm trước, trong đó tổng danh thu 84,4 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8,61 ngàn tỷ đồng (215% kế hoạch), nộp ngân sách 11,96 ngàn tỷ đồng. Lao động bình quân 132 ngàn người với lương bình quân 6,2 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, tác động xấu của cuộc khủng hoảng vẫn chưa có điểm dừng. Thợ mỏ vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với truyền thống “Kỷ luật – Đồng tâm”, với sức mạnh thợ mỏ, chúng ta đã vượt qua. Chỉ tính 9 tháng đầu năm, toàn Tập đoàn đã đạt doanh thu 65.682 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; sản xuất trên 35,6 triệu tấn than; doanh thu khoáng sản trên 2.122 tỷ đồng. Việc làm của trên 135 nghìn thợ mỏ ổn định với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/suc-manh-tho-mo-nhin-tu-hai-cuoc-khung-hoang-kinh-te-733.htm” button=”Theo vinacomin”]