Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam có hàng trăm đơn vị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ nhiều năm nay, Tập đoàn luôn thống nhất quan điểm gắn sự phát triển của Ngành với việc chung tay góp sức xây dựng địa phương giàu mạnh. Tại cái nôi của ngành Than, quan điểm đó được thể hiện rõ nét qua hình ảnh 3 trung tâm lớn của tỉnh Quảng Ninh.
Sự kỳ vĩ và huyền ảo cùng bao truyền thuyết lấp lánh quanh quần thể di tích Hạ Long sống mãi trong tâm thức người Việt. Vịnh Hạ Long vinh dự hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (1994, 2000). Ngành Than có nhiều đơn vị đứng chân ở thành phố du lịch nổi tiếng thế giới này và họ tự hào có những đóng góp đáng kể cho việc tạo nên diện mạo lung linh của Hạ Long.
Nhiều năm qua, khai thác than là một trong những ngành công nghiệp chủ đạo, đóng góp lớn cho ngân sách của Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Hiện tại trên địa bàn Thành phố có khá nhiều đơn vị khai thác than đứng chân như Núi Béo, Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai… Thời gian qua, các đơn vị này đã chung tay cùng Thành phố để xây dựng Hạ Long ngày một phát triển. Các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, nạn khai thác than thổ phỉ được quyết liệt đẩy lùi… Tuy nhiên, sớm nhận ra những xung đột trong phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, TP. Hạ Long, Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các đơn vị thành viên đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp như: Chuyển toàn bộ việc vận chuyển, bốc rót than ra khỏi khu vực trung tâm thành phố; chuyển cảng bốc rót than chuyên dùng thành cảng khách Hòn Gai; ngừng hoạt động chuyển tải, bốc rót than trên Vịnh; triển khai các dự án môi trường… đem lại một môi trường xanh – sạch – đẹp hơn cho Hạ Long.
Ngày 8/10/2008, Hạ Long vinh dự được nhận Cúp “Thành phố bền vững về môi trường”. San sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường cùng Thành phố, các đơn vị thuộc Vinacomin đã chủ động đề ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa gây ô nhiễm. Lấy Công ty CP than Núi Béo làm ví dụ. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty đã rất chú trọng đến việc cải tạo, phục hồi môi trường. Trong quá trình khai thác và sản xuất than, rất nhiều vùng đất xung yếu trên khai trường của Công ty đang dần dần được phủ bằng màu xanh. Đến nay, Công ty đã trồng được gần 20 ha cây xanh tại các khu vực xung yếu và xung quanh nơi làm việc của các đơn vị, công trường, phân xưởng. Đặc biệt, Công ty đã trồng được trên 4 ha cỏ Vetiver, trồng thử nghiệm cây Cọc Dậu để phủ xanh bãi thải chính Bắc. Hiện tại, Công ty đang tiếp tục hợp tác với tổ chức hoạt động môi trường của CHLB Đức nghiên cứu đề tài hoàn nguyên môi trường các bãi thải vùng Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Vinacomin cũng nhanh chóng chuyển dần các công ty khai thác than lộ thiên tại Hạ Long như Hà Tu, Núi Béo… sang khai thác hầm lò. Đó là một việc làm đẹp, rất ý nghĩa của một Tập đoàn kinh tế lớn luôn cùng địa phương tạo nên sự vững chắc của một “Thành phố bền vững về môi trường”.
Cẩm Phả xây dựng thành phố công nghiệp tương lai
Thị xã Cẩm Phả là một địa phương rất có tiềm năng để phát triển và thực tế thời gian qua đã phát triển với tốc độ khá nhanh. Xác định đúng ưu thế và tiềm năng, những năm gần đây, thị xã đã xây dựng định hướng phát triển nhằm chuẩn bị những điều kiện cần thiết để nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Theo ông Nguyễn Trọng Minh, Chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả thì đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã với địa phương là rất lớn và hết sức quan trọng. Đặc biệt, các đơn vị của Vinacomin còn có sự gắn kết máu thịt với thị xã. ở Cẩm Phả hiện nay hầu như gia đình nào cũng có người đã và đang làm việc trong ngành Than. Cũng theo ông Chủ tịch thị xã, địa phương đã được hưởng lợi rất nhiều từ những nhân tố của Vinacomin. Từ diện mạo của thị xã, cho tới ngân sách địa phương rồi nếp sống văn minh đô thị đều được cải thiện rất nhiều là nhờ vào sức đóng góp của nhiều Công ty than lớn trên địa bàn như Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn, Thống Nhất, Khe Chàm, Dương Huy, Quang Hanh…
Ý thức được trách nhiệm với địa phương là nơi các đơn vị hoạt động và phát triển, quan điểm chung của lãnh đạo các đơn vị là phải có sự phối hợp chặt chẽ, gắn bó bền chặt với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã. Hầu hết các đơn vị thuộc Vinacomin thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc về sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống CNCB đồng thời cũng là công dân của thị xã công nghiệp này. Các nghĩa vụ đóng góp với địa phương, tham gia mọi phong trào do địa phương phát động được các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh và tích cực.
Một vấn đề lớn được Tập đoàn và các đơn vị ở Cẩm Phả quan tâm, đầu tư nhiều trong thời gian qua là việc bảo vệ môi trường, cảnh quan cả ở những khu vực khai thác than và các khu dân cư trong thị xã. Mới đây, Tập đoàn đã giao cho Tổng công ty Đông Bắc làm chủ đầu tư Dự án cải tạo môi trường cảnh quan khu vực Khe Sim – Lộ Trí – Đèo Nai với tổng mức đầu tư lên tới 170 tỷ đồng. Là dự án lớn nhất về môi trường được triển khai trên địa bàn Cẩm Phả, khi hoàn tất dự án sẽ mang lại cảnh quan đẹp, một thảm xanh chạy suốt chiều dài phía tây thị xã. Năm 2010, Tổng công ty Đông Bắc còn khởi động Dự án khu dân cư đô thị, công trình công cộng, du lịch, thương mại và cây xanh công viên hồ cảnh quan nằm trên vị trí dọc theo vịnh Bái Tử Long. Theo quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, diện tích đất gần 395.000 m2 sẽ dành để xây chung cư cao tầng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 2.500 người. Khu nhà ở xây dựng theo hướng hiện đại này sẽ có đường đi, sân chơi, đường dạo, tiểu cảnh, đất dành cho cây xanh, công viên, hồ cảnh quan… có cả khu vui chơi thiếu nhi và các trường học, khu dịch vụ thương mại.
Rất nhiều dự án lớn nữa về hạ tầng, bảo vệ môi trường đã và đang được các đơn vị thuộc Vinacomin triển khai xây dựng. Đó vừa là nhu cầu phát triển, vừa là những đóng góp của ngành Than vào sự phát triển chung của thành phố công nghiệp Cẩm Phả trong tương lai gần.
Uông Bí, thành phố trẻ giàu tiềm năng
Ông Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí nhận định rằng, thành phố trẻ này rất có tiềm năng để phát triển, nhưng hiện tại cơ sở hạ tầng cần được đầu tư nâng cấp. Và do thành phố gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn vốn đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn là rất quan trọng.
Quả thực, nhìn vào cán cân kinh tế của thành phố Uông Bí, người ta thấy tỷ trọng nguồn thu nghiêng hẳn về khối các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn. Và cũng như các địa phương khác, các đơn vị thuộc Vinacomin là lực lượng hùng mạnh nhất, có những đóng góp quan trọng nhất cho địa phương này.
Trong thời gian tới, Công ty Than Nam Mẫu tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn đường phía đông và phía nam sân vận động thị xã cùng hệ thống chiếu sáng với tổng giá trị đầu tư là 2,5 tỉ đồng. Với những nỗ lực đó, Công ty Than Nam Mẫu được bình chọn là 1 trong 15 doanh nghiệp tiêu biểu trong phong trào xây dựng thành phố Uông Bí giàu đẹp, văn minh.
Nằm xa trung tâm thành phố, Công ty Cổ phần than Vàng Danh cũng có nhiều công trình và hạng mục công trình, có tác dụng làm tăng năng lực sản xuất than của Công ty cũng như góp phần vào diện mạo đô thị được đưa vào hoạt động như: Cầu Lán Tháp, nhà văn phòng điều hành sản xuất, tuyến đường vào kho mìn Khe Thần, Trạm xử lý nước thải hầm lò; Cải tạo nâng cấp tuyến đường vận chuyển than từ Vàng Danh đến Uông Bí và mở rộng cảng Điền Công để tăng năng lực vận chuyển và tiêu thụ than cũng như bảo vệ môi trường tại các khu dân cư…
Song song với nhiều công trình phúc lợi, các đơn vị trong vùng cũng có nhiều hoạt động xã hội khác góp phần xây dựng Thành phố Uông Bí vững mạnh toàn diện. Công ty than Uông Bí là đơn vị có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa được thực hiện hàng năm với các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, giá trị hàng tỷ đồng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chung-suc-xay-dung-vung-than-giau-manh-734.htm” button=”Theo vinacomin”]