Ngành Cơ khí Vinacomin đặt mục tiêu tạo bước đột phá trong các lĩnh vực như chế tạo, sửa chữa máy và thiết bị mỏ; lắp ráp, chế tạo linh kiện ô tô; cơ khí đóng tàu; thiết bị điện- điện tử… Đây chính là bốn nhóm ngành và sản phẩm nằm trong chiến lược phát triển chung của ngành cơ khí Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến 2020. Ưu tiên các nhóm ngành trọng điểm này, Cơ khí Vinacomin đã thu được nhiều thắng lợi, chế tạo thành công nhiều thiết bị, phụ tùng mới, giảm nhập khẩu, tiến tới chủ động sản xuất
Bên cạnh đó, ở lĩnh vực chuyển giao công nghệ, Cơ khí Vinacomin chú trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm và bước đầu chọn lọc, nhận chuyển giao một số công nghệ để phát triển sản phẩm mới trong giai đoạn 2003-2011. Ngoài các đề tài nghiên cứu KHCN và Dự án SXTN trong các Chương trình nghiên cứu KHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Cơ khí Vinacomin còn tham gia một trong mười Chương trình KHCN trọng điểm của Tập đoàn- Chương trình thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí , chế tạo máy, thiết bị điện, điện tự động hóa. Bằng sự hỗ trợ kinh phí trong các Chương trình KHCN của Nhà nước, Bộ Công Thương và Tập đoàn, Cơ khí Vinacomin đã tạo ra nhiều sản phẩm mới và có các công nghệ mới như: Giá chuyển hướng toa xe đường sắt mỏ, chế tạo các thiết bị điện phòng nổ, chế tạo băng tải dốc, chế tạo máng cào uốn, chế tạo dàn chống tự hành Vinaanta, công nghệ đúc mẫu tự thiêu… Ngoài ra, các đơn vị cơ khí Vinacomin bằng nguồn vốn của mình cũng đã phát triển nhiều sản phẩm mới: máy xúc đá hầm lò 0,32 m3, tàu điện ắc quy 12 T…
Cơ khí Vinacomin đang triển khai rất hiệu quả chủ trương nội địa hóa thông qua việc triệt để sử dụng các sản phẩm trong ngành hoặc các sản phẩm sản xuất trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa ước đạt từ 15-90%, trong đó, đóng tàu 30%, thiết bị mỏ 50-60%, trong đó cao nhất là chế tạo toa xe đường sắt mỏ 30T, máy xúc đá đạt tỷ lệ nội địa hóa tới 90%. Điều đặc biệt ở Cơ khí Vinacomin là đã có sự chuyên môn hóa cũng như sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên trên cơ sở điều phối, phân công sản phẩm, phân chia thị trường của Tập đoàn. Lấy ví dụ, thực hiện hợp tác, phân công, sản xuất các sản phẩm cơ khí trong Vinacomin, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn, các đơn vị cơ khí, thương mại đã trao đổi, phân tích các thế mạnh về thiết bị, công nghệ, lợi thế cạnh tranh từng đơn vị, lựa chọn 15 sản phẩm cơ khí chủ lực, sản xuất với số lượng lớn để phân công hợp tác, sản xuất, tiêu thụ. Vinacomin đã ban hành văn bản 8320/TKV-KH-CK ngày 31/12/2009 để chỉ đạo và kiểm tra giám sát thực hiện định kỳ. Cụ thể như: Sử dụng ắc quy đầu tàu điện của Công ty CP Cơ khí Ô tô Uông Bí trong chế tạo đầu tàu điện 5-8 T; sử dụng xích máng cào của Công ty CP Cơ khí Mạo Khê để chế tạo máng cào; dùng dung dịch nhũ tương, dầu bôi trơn của Xí nghiệp dầu bôi trơn 12-11 cho cột, giá chống thủy lực trong lò.
Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và đầu tư kịp thời của Tập đoàn, cơ khí Vinacomin năm 2011 nói riêng, giai đoạn 2003-2011 nói chung đã có được những kết quả rất đáng ghi nhận. Doanh thu toàn ngành đạt mức tăng trưởng khá, trung bình 23% mỗi năm, trong đó, có nhiều đơn vị đạt mức cao như Công ty CP cơ khí ô tô Uông Bí, Công ty Cp Thiết bị điện, Công ty CP cơ khí và thiết bị áp lực. Về giá trị sản xuất, sản phẩm của Cơ khí Vinacomin chủ yếu phục vụ trong nội bộ Tập đoàn – khoảng 90%, trừ một số sản phẩm đạt tỷ trọng doanh thu ngoài Vinacomin là đóng tàu và biến áp 110 kV. Hiện nay, chất lượng của các sản phẩm cơ khí Vinacomin về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của ngành. Các sản phẩm hợp tác với nước ngoài như: Lắp ráp xe KamaZ, Scania đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất chính hãng, có chất lượng và bước đầu tạo sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Cơ khí Vinacomin vẫn còn bất cập, thể hiện tập trung ở khối cơ khí đóng tàu. Xét về nguyên nhân, ngoài những khó khăn chung do suy thoái kinh tế còn có những nguyên nhân chủ quan. Bởi vậy, để đảm bảo việc làm cho người lao động, Tập đoàn đã “mở” cơ chế cho Công ty CP cơ khí Đóng tàu Vinacomin. Trước mắt, Công ty này đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các con tàu nhận từ Đóng tàu Sông Ninh về và sớm triển khai đóng tàu 8800 tấn. Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý, thu hồi công nợ, và giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn đọng. Từ năm 2012, phải tự cân đối, chủ động tài chính tiến tới có lãi và đảm bảo ổn định sản xuất.
Cơ hội lớn cho ngành cơ khí Vinacomin vẫn đang ở phía trước nhất là trong những năm tới, Tập đoàn tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động khai thác chế biến than, khoáng sản và các ngành khác như, than, điện, bôxit- nhôm, quặng sắt, ti tan, ximăng, hoá chất và các thiết bị để phục vụ cho việc khai thác hầm lò xuống những độ sâu -300; -500 và sâu hơn nữa; đòi hỏi khối lượng chế tạo và sửa chữa thiết bị phụ tùng lớn. Do vậy, Cơ khí Vinacomin rất cần được đầu tư thỏa đáng và đúng hướng về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ để nắm bắt được những vận hội này…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/co-khi-uu-tien-phat-trien-nhom-nganh-trong-diem-772.htm” button=”Theo vinacomin”]