Sau một thời gian tham gia cơ chế khoán của Tập đoàn, Tổng Công ty Khoáng sản (TCT) đã đạt được những kết quả rất đáng biểu dương. Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Tổng giám đốc, công tác khoán quản đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động của CBCN đối với việc thực hiện nhiệm vụ SXKD, làm cho giá trị gia tăng tăng liên tục trong các năm qua, nhất là năm 2010 và 2011. Tổng Công ty Khoáng sản chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai cơ chế khoán, quản trị chi phí năm 2012
Tạo bước tiến mới về việc làm và thu nhập
Trong quá trình thực hiện, Tổng Công ty đã gặp không ít khó khăn như tài nguyên manh mún, nhỏ lẻ khó khăn cho việc đầu tư cơ giới hóa ở trình độ cao; hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật chưa hoàn thiện; phần lớn các đơn vị trong TCT đang áp dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp dẫn tới phát sinh chi phí nhiều. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác khoán quản trị chi phí tại các đơn vị còn thiếu và yếu về năng lực quản lý, quản trị. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc bội chi đối với các công ty thời gian trước đó.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo TCT, công tác khoán quản trị chi phí đã và đang giúp cho các đơn vị trực thuộc luôn đạt mức tăng trưởng khá, việc làm và thu nhập của người lao động ổn định và dần được nâng cao. Điểm qua tình hình ở một số công ty thành viên có thể thấy rõ kết quả này. Công ty CP KLM Nghệ Tĩnh, khi chưa tham gia cơ chế khoán, thu nhập bình quân năm 2009 đạt 2,13 tr.đ/người/tháng. Ngay trong năm đầu tiên áp dụng cơ chế khoán giá mua bán nội bộ Tổng công ty – năm 2010, thu nhập bình quân đã đạt 4,27 triệu đồng /người/tháng, tăng 2 lần so với năm 2009, 9 tháng đầu năm 2011 là 6,1 tr.đ/người/tháng, bằng 142,85% so với năm 2010. Hay như Công ty CP Khoáng sản 3, bắt đầu tham giá khoán từ năm 2011, Công ty đã nhận thức rõ vai trò của công tác khoán. Thu nhập bình quân năm 2010 đạt 7,14 triệu đồng/người/tháng, thì 9 tháng đầu năm 2011 đã đạt 8,91 tr.đồng/ người/tháng. Cùng với đó, công tác quản lý kỹ thuật cơ bản tại các đơn vị đã được nâng lên rõ rệt. Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, chỉ tiêu công nghệ cũng được hoàn thiện hơn.
Nhìn chung toàn Tổng công ty, năm qua, bằng việc triển khai quyết liệt cơ chế “5 quản 1 tập trung”, Khoáng sản đã tập trung quản lý việc tuyển dụng, đào tạo và sử dụng lao động để nâng cao chất lượng, năng suất lao động. Theo thống kê, hệ số lao động sử dụng bình quân cao, đạt 6.146 người trên tổng số 6.667 CBCN. Đặc biệt, mặt bằng tiền lương đã tạo được bước tiến mới, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2009, từ 2,7 triệu lên hơn 4,4 triệu đồng/người/tháng.
Ký kết Hợp đồng phối hợp SXKD giữ TCT với các đơn vị thành viên
Hiện nay Tập đoàn đang thực hiện cơ chế mua bán đối với các sản phẩm của Tổng công ty theo công văn số 5110/TKV-KH-KT ngày 13/9/2010 trong đó giá mua của Tập đoàn đối với các sản phẩm kẽm thỏi, đồng tấm và các khoáng sản khác đi kèm đến hết năm 2011 theo cơ chế khoán với nguyên tắc để lại toàn bộ lợi nhuận cho Tổng công ty. Cơ chế này đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty trong quá trình điều hành sản xuất cũng như có nguồn vốn bổ sung để tái đầu tư, phát triển và mở rộng sản xuất, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính sau khủng hoảng có nhiều biến động phức tạp như thời điểm này, ngân hàng tăng lãi suất, nguồn vốn vay trung dài hạn gần như đóng băng, tỷ giá đồng đô la/VND điều chỉnh tăng… việc huy động vốn cho đầu tư sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Đức Hùng, trưởng phòng Đầu tư Tổng công ty cho biết, tổng giá trị khối lượng đầu tư xây dựng năm 2011 của khoáng sản là 1.100 tỷ đồng, trong đó, xây lắp là 407 tỷ, thiết bị 630 tỷ, khác 62 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ chủ động thực hiện cơ chế khoán quản trị cho phí đến từng đơn vị; đồng thời làm tốt việc theo dõi thanh quyết toán tiền mua bán sản phẩm nội bộ cho các công ty con theo đúng hợp đồng phối hợp sản xuất kinh doanh đã ký từ đầu năm, đảm bảo dòng tiền luân chuyển nhanh nên Tổng công ty đã tập trung được vốn để tái đầu tư.
Đồng thời, TCT thường xuyên tiến hành rà soát tiến độ góp vốn, sử dụng vốn của các Công ty cổ phần chi phối để cân đối tài chính chung của công ty mẹ; phối kết hợp với các đơn vị thành viên, các tổ chức tín dụng để khai thác những nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi cho các dự án trọng điểm của TCT hiện nay như, dự án Khu Liên hiệp gang thép Cao Bằng, dự án đầu tư nâng cao chất lượng và công suất tổ hợp đồng Sin Quyền (phần mỏ – tuyển), dự án cải tạo nâng cao chất lượng nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên, dự án khu liên hợp gang thép Lào Cai…
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán quản trị chi phí
Đến nay, hầu hết các đơn vị trong Tổng công ty đã nhận thức rõ vai trò của công tác khoán quản trị chi phí. Trên cơ sở hệ thống ĐM KTKT hiện hành của Tổng công ty và kết quả thực hiện định mức này qua các năm, Tổng công ty đã rà soát và xây dựng hoàn thiện hệ thống định mức KTKT của Công ty mẹ phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. TCT cũng đề nghị các đơn vị phải xây dựng kế hoạch điều hành chi phí cả năm, tổ chức kiểm soát chi phí hàng tháng, quý, năm nhằm xây dựng nề nếp quản trị chi phí kinh doanh, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Trong năm 2012 Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai cơ chế khoán quản trị chi phí đến các đơn vị: Công ty CP KLM Tuyên Quang, Công ty CP Phát triển khoáng sản 4 và dự kiến đến 2015 tất cả các công ty trong Tổng công ty sẽ tham gia vào cơ chế khoán, góp phần vào chiến lược ổn định và phát triển bền vững của Tổng công ty Khoáng sản.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gia-tri-gia-tang-tang-tu-khoan-quan-773.htm” button=”Theo vinacomin”]