Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất than, cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Vinacomin.
Ngoài hệ thống các trường nội tại của mình để chủ động chăm lo công tác đào tạo nguồn nhân lực, Vinacomin còn liên kết chặt chẽ với các trường đại học trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời sự đổi mới và tăng trưởng.
Dự án “Nâng cao năng lực ngành than ở các nước sản xuất than” là một trong những dự án lớn được triển khai hơn 10 năm giữa Nedo (Trung tâm phát triển năng lượng mới Nhật Bản) và Vinacomin nhằm đào tạo, chuyển giao công nghệ tiên tiến đến các doanh nghiệp sản xuất than, đã đạt được những kết quả khả quan.
Thực hiện dự án đó, từ năm 2001 đến nay, Vinacomin đã cử trên 1171 CNCB đi tu nghiệp tại Nhật Bản, tham gia học các lớp quản lý, đào lò, khai thác, an toàn, khảo sát mỏ, điện mỏ, thiết bị, khoan thăm dò, cấp cứu mỏ và thực hành thông gió thoát nước; gần 6.500 CBCN và hàng ngàn học sinh, sinh viên các trường cao đẳng nghề thuộc Vinacomin được các chuyên gia Nhật mở các lớp đào tạo chuyển giao công nghệ khai thác than tại các công ty than thuộc Tập đoàn.
Tu nghiệp sinh sau khi được đào tạo tại Nhật Bản và Việt Nam đã có cách tư duy mới, thay đổi quan niệm cũ về sản xuất và an toàn, tác phong công nghiệp của các cán bộ và công nhân đã có ý thức hơn về việc bảo vệ mình và đồng nghiệp khi trực tiếp tham gia sản xuất than. Một số nội dung có chất lượng tốt ứng dụng vào thực tế như công tác quản lý an toàn, quản lý thiết bị điện, tổ chức chỉ huy sản xuất, nâng cao ý thức tự giác và tinh thần, trách nhiệm đối với công việc được giao. Trang bị cho công nhân, cán bộ của các công ty có kiến thức tiếp cận với thực tế như phương pháp khai thác than vỉa dốc, đào lò nhanh, chống lò bằng neo dẻo, khoan thăm dò, công nghệ tuyển than sạch. Công nghệ đào lò nhanh đã cho kết quả rõ rệt ở các công ty than hầm lò. Trước khi chuyển giao công nghệ, đào lò, bốc xúc thủ công ở mức 40-50m/ tháng, sau khi chuyển giao công nghệ đã thực hiện bình quân 75-80m/ tháng, tăng 60%, có đơn vị hiện nay đã đạt ở mức 120-130m/ tháng. Hiệu quả sản xuất năm 2003 là 203 tấn/ người/ năm, năm 2010 là 600 tấn/ người/ năm, tăng 200%. Tỷ lệ tai nạn năm 2001 là 1758 người/ triệu tấn, năm 2010 là 1656 người/ triệu tấn, giảm 6%. Các lớp thiết kế mỏ được các chuyên gia Nhật hướng dẫn là những kiến thức mới, rất bổ ích và sát thực với nhu cầu hiện nay mà Tập đoàn đang cần.
Tu nghiệp sinh sau khi đào tạo tại Nhật Bản về nước đã có 374 người (chiếm 31,93%) được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cao hơn, trong đó có 45 người giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc, 243 người là trưởng, phó phòng, 86 người giữ chức quản đốc, phó quản đốc.
Dự án “Nâng cao năng lực ngành than ở các nước sản xuất than” được Vinacomin đề nghị cùng với Nedo tiếp tục triển khai. Theo đó, Tập đoàn hàng năm sẽ cử khoảng 100 người sang tu nghiệp, học tập tại Nhật Bản theo các lớp kỹ sư quản lý, công nghệ khai thác và đào lò bằng cơ giới hóa, an toàn mỏ và thông gió, kỹ thuật máy và tự động, khảo sát thiết kế mỏ, khoan thăm dò, cấp cứu mỏ và thực hành thông gió, thoát nước mỏ; tổ chức đào tạo chuyển giao công nghệ đào giếng đứng và phương pháp khai thác than dưới mặt nước biển mà phía Nhật đã áp dụng; mở các lớp đào tạo thiết kế và quy hoạch mỏ nâng cao để giúp các kỹ sư chuyên ngành thực hiện có hiệu quả các dự án phục vụ kịp thời sự tăng trưởng của ngành và duy trì thực hiện chuyển giao các công nghệ tiên tiến tại các công ty than như Mạo Khê, Quang Hanh, Nam Mẫu để từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng chuyển giao sang các đơn vị khác.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-cho-san-xuat-than-799.htm” button=”Theo vinacomin”]