Nhạc sỹ Hoàng Vân có hai ca khúc về thợ mỏ nổi tiếng, đó là “Tôi là người thợ lò” (chứ không phải “Tôi là người thợ mỏ” như một số cuộc thi ca nhạc đã giới thiệu) và “Tình ca người thợ mỏ”.
“Tôi là người thợ lò” luôn vang lên trong các hội diễn văn nghệ quần chúng của ngành Than, trong các chương trình truyền thanh của các công ty mỏ, trên sân khấu ca nhạc của các đoàn văn công chuyên nghiệp, trên ti vi, thậm chí cả trong các quán nhậu v.v. “Tôi là người thợ lò” đã trở thành tráng ca của thợ mỏ. Là thợ mỏ, hầu như ai cũng từng nghe và nhiều người thuộc ca khúc”Tôi là người thợ lò”. Thế nhưng, có một câu trong ca khúc không phải ai cũng hiểu mà chỉ thợ lò mới hiểu, đó là “ơ, mỗi khi lò thủng, đón cơn gió nồm nam mát rượi, trong tiếng than reo”. Có người đã hỏi tôi, “lò thủng” nghĩa là sao? Trong hầm lò sao lại có “gió nồm nam mát rượi”? Người viết bài này từng nhiều năm làm trong hầm lò, xin được giải thích thế này: “Lò thủng” là khi hai đường lò trong lòng đất đào đối hướng gặp nhau; hoặc đường lò đang đào (lò độc đạo) gặp đường lò đã đào trước đó. “Sự kiện” hai đường lò nối thông nhau gọi là “bục” hay “lò thủng”.
Người thợ đào lò khi “lò thủng” sung sướng vô cùng! Đó là giây phút tận hưởng thành quả lao động vất vả của mình; là sự khẳng định trình độ của người thợ, đã đào lò chính xác với tọa độ do cán bộ trắc địa xác định trong lòng đất.
Trong các mỏ hầm lò của Tập đoàn Vinacomin, đơn vị nào cũng rất nhiều lần đào lò đối hướng thành công. Nhưng có lẽ, nói về trình độ đào lò đối hướng, đơn vị hàng đầu là Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1. ở thập kỷ 80, đơn vị này đã đào đối hướng Tuynen Tây Khe Sim rất chính xác. Mới đây, hôm 7/ 4, Phân xưởng 12/11 của Công ty này đã đào lò đối hướng, nối thông đường lò từ mức + 10 Bắc Mông Dương với trung tâm Mỏ than Mông Dương tại mức âm 250. Hai đường lò gặp nhau (thủng, bục) chính xác đến từng xăng ti mét, đẹp như là tranh vẽ vậy!
Một gương lò đang thi công, người ta thông gió bằng quạt, công suất lớn gọi là thông gió đẩy. Tức là, gió từ luồng gió sách, được động cơ (quạt) đẩy vào gương lò, nơi công nhân làm việc, thông qua đường ống bằng vải đặc biệt chuyên dụng. Gương lò càng tiến xa, ống gió càng dài, lượng gió vào gương lò thất thoát lớn, công nhân làm việc trong gương rất nóng. Khi “lò thủng”, hệ thống thông gió độc đạo của đường lò mới đào được khai thông với hệ thống thông gió chính của mỏ. Đây là luồng gió tươi, sạch, cảm giác như “đón cơn gió nồm nam mát rượi” vậy.
…Ca khúc “Tình ca người thợ mỏ” ra đời đầu thập kỷ tám mươi, cũng rất hay, được nhiều người thích. Những ca sỹ hát thành công ca khúc này, đầu tiên là NSUT Tiến Thành, Ngọc Tân v.v. Trong ca khúc có câu “Mỗi khi tan ca, anh cùng em lại ghi thêm một chiến công” có thể hiểu, đó là niềm vui về thành tích của thợ mỏ sau một ca làm việc. Nhưng thợ mỏ quyết không hiểu thế! Họ cho rằng, sau tan ca họ lập chiến công mới, chứ không phải chiến công vừa lập; tức là họ hiểu về thì tương lai chứ không phải thì quá khứ. Bởi vậy, nhiều người sinh ra thắc mắc. Nói lạ, thợ mỏ, sau một ca làm việc vất vả, vượt năng suất, đã lập chiến công rồi,“Là la lái la” thì đúng rồi! Nhất là từ khi Vinacomin áp dụng nhiều chế độ ưu đãi với thợ lò, thợ lò thu nhập cao hơn, nơi ăn, nơi ở, nơi sinh hoạt giải trí tốt hơn. Khi tan ca, thợ lò biết ngay thu nhập của mình. Nhiều thợ lò bây giờ mỗi ca làm việc 500 đến 700 nghìn đồng; đời sống được cải thiện như thế, “là la lá la” thì đúng rồi! Nhưng tan ca, thợ lò phải nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động chứ sao “khi tan ca anh cùng em lại ghi thêm một chiến công” nhỉ? Chiến công gì mà thợ lò xem ra hào hứng, mà nồng nhiệt, mà hân hoan “là la lá la” vậy ta? Có lẽ, chiến công sau tan ca, chỉ thợ lò mới hiểu…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chi-tho-lo-moi-hieu-809.htm” button=”Theo vinacomin”]