Thời gian này, các Chi, Đảng bộ trong Tập đoàn đang tích cực triển khai học tập Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng và tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để góp phần nâng cao chất lượng các đợt học tập, Tạp chí xin một dẫn chứng một câu chuyện về cách giảng dạy sinh động gắn với thực tiễn của Bác về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong một dịp huấn luyện khác vào tháng 5-1950, khi nói về vấn đề học, học ở đâu, học như thế nào, Bác nói: “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”, rồi Bác kể câu chuyện: “Một đồng chí nữ người Thái 15-16 tuổi đi làm công tác tuyên truyền nhưng cán bộ cách mạng bảo sao thì nói vậy, chưa hiểu biết mấy. Một năm sau, giặc chiếm Sơn La, dân Sơn La chạy sang Hòa Bình, bị đồng bào ở đó khinh miệt là sợ giặc nên quyết tâm trở về giành lại làng mạc. Trên đường về, phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng cán bộ yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Có chị cán bộ ốm nặng, anh em trong đội hết sức chăm sóc và giặt hộ cả quần áo. Cán bộ lại ra sức giúp dân làm mọi việc, nhân dân thấy thế rất cảm phục. Nhờ đó mà nhân dân với cán bộ khăng khít với nhau, cơ sở gây lại, cán bộ sống hòa lẫn với nhân dân, dần dần tổ chức lại chiến đấu và sản xuất. Một hôm bốn lính dõng vào, chị em chuốc rượu cho say, sau đó gọi du kích vào tước súng. Lính dõng tỉnh dậy, mất súng, bỏ trốn, cán bộ đoán biết thế nào giặc cũng đến trả thù, bàn với dân cất thóc lúa, của cải vào rừng. Các cụ phụ lão trong làng lại là người đầu tiên đưa ra ý kiến phải đốt nhà để giặc có đến cũng không có chỗ ở, ý kiến đó được dân làng nghe theo. Khi giặc kéo đến làng, nhân dân dùng súng giặc bắn lại giặc, giặc bỏ chạy. Từ đó dân tin tưởng vào cán bộ và tự tin sức mình, nên phong trào ngày một lên cao. Nữ đồng chí kết luận: Một là chúng cháu đoàn kết; hai là chúng cháu được dân yêu; ba là chúng cháu được kinh nghiệm của dân.
Rồi Bác đi đến nhận xét: Nữ đồng chí người Thái năm nay mới 20 tuổi và cũng chưa được học hành gì mấy nhưng đã kể lại câu chuỵện trên đây một cách rành mạch và kết luận một cách rất Mác-xít trong ba điểm. Ba điểm đó là: Cán bộ đoàn kết mọi việc đều làm được. Cán bộ phải được dân tin, dân yêu, dân phục. Cán bộ phải đi sát dân, học dân”.
Những lời dặn trong bài giảng của Bác đã hơn 60 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị về nội dung và cách truyền đạt. Bác nói ngắn, cụ thể, dễ hiểu, sâu sắc, người học dễ hiểu, và từ hiểu để có thể làm được. Đó không chỉ là phương pháp huấn luyện cán bộ của Bác, mà trước hết đó là ý thức tôn trọng học viên, tôn trọng người nghe, nói rộng ra là tôn trọng dân. Sự tôn trọng, thương yêu và phát huy quyền làm chủ của người dân đã trở thành nhân cách Đạo đức Hồ Chí Minh, nên dù một công việc khó đến đâu Bác cũng nói và làm cho dân hiểu, dân tin để từ đó dân tự làm và trở thành phong trào cách mạng của quần chúng.
Cũng vậy, học tập Nghị quyết của Đảng trong các doanh nghiệp hiện nay là phải làm cho CNCB và người lao động hiểu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng một cách cụ thể thiết thực đối với từng địa phương, từng đơn vị. Điều quan trọng hơn là những nội dung trong nghị quyết phải đi vào cuộc sống của người lao động, phải giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của CNCB Công ty vì lợi ích chung của doanh nghiệp. Học tập đạo đức của Bác, trước hết chúng ta cần bồi dưỡng ý thức tôn trọng người lao động, lắng nghe và học hỏi từ chính đội ngũ CNCB của đơn vị mình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/can-bo-phai-duoc-dan-tin-dan-yeu-dan-phuc-1405.htm” button=”Theo vinacomin”]