Áp dụng công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện địa chất của ta? Khó khăn vướng mắc từ khâu nào? Đó là những câu hỏi lớn để tìm hướng cho cơ giới hóa khai thác, đào lò trong những năm tới được đặt ra tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cơ giới hóa khai thác, đào lò 2002 – 2011 và triển khai nhiệm vụ này, giai đoạn 2012 – 2015, tầm nhìn 2020.
“Nhìn về tổng thể, bức tranh cơ giới hóa khai thác, đào lò trong 10 năm qua không quá tối màu” Phó tổng Giám đốc Phùng Mạnh Đắc khẳng định. Theo ông Đắc, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) Tập đoàn đã thực hiện một khối lượng công việc lớn, rất nhiều công trình đã được nghiên cứu, áp dụng đạt hiệu quả cao. Một là việc nghiên cứu và ứng dụng các loại vì chống thủy lực trong khai thác lò chợ. Tính từ năm 1999, lò chợ vì chống thủy lực đơn đầu tiên sử dụng ở Mỏ than Khe Chàm, đến nay toàn bộ các đơn vị đã áp dụng công nghệ này, góp phần quan trọng nâng cao sản lượng, giảm tổn thất than, tăng năng suất lao động, an toàn hơn rất nhiều so với lò chợ chống gỗ. Sản lượng lò chợ trước đây đạt không quá 50.000 – 60.000 tấn/năm, nhưng bây giờ một lò chợ ứng dụng cột thủy lực có thể đạt 150.000 – 200.000 tấn/năm, có nơi đạt trên 200.000 tấn/năm; năng suất lao động tăng gấp 2,5 – 3 lần. Đây là một cuộc cách mạng thực sự trong công nghệ khai thác lò chợ. Bước đột phá tiếp theo là làm chủ và phát triển công nghệ quản lý an toàn khí mỏ than. Lĩnh vực này cũng phải xây dựng 5 – 7 năm mới ra được Trung tâm an toàn mỏ. Trước đây chúng ta chưa có các thiết bị tự động cảnh báo khí, chưa có công nghệ lấy mẫu và phân tích khí hiện đại, chưa có công nghệ kiểm định thiết bị điện phòng nổ. Thì nay, với việc hình thành Trung tâm an toàn mỏ, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ công nghệ kiểm soát khí nổ trong mỏ hầm lò với các phòng thí nghiệm hiện đại, đội ngũ chuyên gia hiểu biết, thạo việc. Thêm nữa, bước ngoặt quan trọng là nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ giới hóa khấu than trong lò chợ. Hiện nay vẫn còn có những ý kiến tỏ ra bi quan về công nghệ cơ giới hóa khấu than lò chợ trong điều kiện địa chất phức tạp của các mỏ hầm lò Quảng Ninh. Đúng là điều kiện của ta có phức tạp. Thực tế, lò chợ cơ giới hóa đầu tiên ở Vàng Danh được áp dụng vào những năm 1978 – 1980 và phải rút ra, không làm được. Nhưng theo ông Đắc, sau này, chúng ta vẫn sẽ thành công trong việc phát triển áp dụng cơ giới hóa khấu than trong lò chợ. Những năm gần đây một số máy khấu áp dụng tại Khe Chàm, Nam Mẫu rất tốt. Không phải lò chợ nào cũng có thể cơ giới hóa vì điều kiện địa chất của chúng ta rất phức tạp, còn phải tiếp tục thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ.
Cùng nhận xét như vậy, Phó Tổng Giám đốc Vũ Thành Lâm cho rằng, chúng ta đang đi đúng hướng. Ông Lâm khẳng định, điều đáng nói hơn là, qua những cố gắng đi lên, đến nay chúng ta đã có đội ngũ làm KHCN của các đơn vị trong việc thực hiện lắp đặt, vận hành thiết bị khá tốt. Không riêng gì ngành cơ khí của ta, mà cơ khí cả nước cũng đang gặp khó khăn trong chế tạo, cạnh tranh trên thương trường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ cơ giới hóa trong thời gian tới, Ông Lâm nhấn mạnh, Tập đoàn sẽ thành lập Ban chỉ đạo và đề xuất những nhiệm vụ cụ thể, xây dựng cơ chế phù hợp, xây dựng phong trào thi đua sâu rộng tại các đơn vị. Đồng thời chỉ đạo kiên quyết các đơn vị đẩy mạnh cơ giới hóa trong khai thác, phấn đấu sớm đạt 25 – 30% tổng sản lượng khai thác hầm lò khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới. Tiếp tục cơ giới hóa đào lò than, song song tiến hành thử nghiệm và áp dụng cơ giớ hóa đào lò đá tại một số đơn vị…
Phải chăng, chúng ta đang tham vọng quá lớn?
Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Minh Chuẩn nhận xét, mặc dù còn khó khăn, hạn chế, nhưng về tổng thể trong giai đoạn 2002 – 2011, Tập đoàn đã có những bước dài áp dụng cơ giới hóa khai thác, đào lò. Năng suất khai thác than lò chợ, tiến độ đào lò được nâng cao rõ rệt và đảm bảo an toàn hơn. Điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện. Tổn thất trong khai thác giảm từ 46% năm 2002, đến nay còn 28%. Đặc biệt, đội ngũ làm công tác kỹ thuật công nghệ được nâng cao về trình độ và kinh nghiệm. Tổng Giám đốc biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Viện Khoa học Công nghệ mỏ cùng với đội ngũ KHCN các đơn vị đã nghiên cứu, đưa vào áp dụng những công nghệ mới ở nước ta. Tuy vậy, Tổng Giám đốc cho rằng, trong áp dụng, nhiều đơn vị vẫn còn gặp khó khăn do địa chất mỏ phức tạp, đôi chỗ áp dụng công nghệ chưa phù hợp, cần tiếp tục điều chỉnh. “Tôi nghĩ chúng ta đưa ra những lò chợ có công suất 1,8 – 2 triệu tấn/năm, liệu có quá tham vọng, để rồi vỡ mộng? Từ chỗ đó cần xem xét, chỗ nào có thể áp dụng được, chỗ nào không để tính toán phù hợp. Không nhất thiết, cứ cơ giới hóa là công suất lò chợ phải cao. Cơ giới hóa nhằm đảm bảo an toàn, thay thế sức người, giảm áp lực về nhân công trong khai thác. Một mỏ than mà lên đến hàng vạn lao động liệu có phải là cơ giới hóa. Mà nhân lực lấy đâu ra.” Ông Chuẩn nói.
Trong giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn 2020, Tổng Giám đốc Lê Minh Chuẩn chỉ đạo, Tập đoàn tiếp tục triển khai cơ giới hóa khai thác, đào lò toàn diện tại các đơn vị. Trước mắt, sẽ rà soát các diện sản xuất của các đơn vị để đưa ra giải pháp áp dụng công nghệ phù hợp với từng điều kiện. Những vị trí áp dụng được cơ giới hóa nhất thiết phải áp dụng. Các đơn vị cần có sự chủ động, quyết tâm thực hiện bằng được cơ giới hóa lên một bước mới. Cơ chế của Tập đoàn là ưu tiên đầu tư cho cơ giới hóa. Về tư vấn và thiết kế, cần nâng cao trình độ tư vấn thiết kế, sáng tạo hơn, gắn với thực tiễn hơn, tránh dự án này chống dự án kia. Các đơn vị khối Cơ khí bám sát nhiệm vụ để hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị thực hiện cơ giới hóa. Cơ khí nếu biết tận dụng lợi thế này thì không thiếu việc làm. Cần tập trung thiết kế những sản phẩm cơ khí phù hợp với điều kiện của các đơn vị. Không nhất thiết cái gì cũng tìm đối tác nước ngoài. Về điều này, Tập đoàn chỉ đạo dứt khoát: Những cái ta làm được, các đơn vị cần ưu tiên dùng của ta.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/co-gioi-hoa-khai-thac-dao-lo-chon-gam-mau-nao-1469.htm” button=”Theo vinacomin”]