Ai cũng biết, công việc trong hầm lò nặng nhọc và các đơn vị đã quan tâm đầu tư thiết bị để giảm cường độ lao động cho công nhân, đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất và nhiều lợi ích khác. Ai cũng biết, hầu hết thợ mỏ bây giờ đi làm đều có xe ca đưa đón. Nhưng có lẽ ít người biết, việc đi lại trong lò cũng rất vất vả, chiếm nhiều thời gian mà nhiều nơi chưa quan tâm đầu tư thiết bị chở người trong lò.
Tôi nhớ, trong một cuộc họp sản xuất của Tập đoàn, khi nhắc nhở các đơn vị hầm lò cần khẩn trương lắp đặt thiết bị chở công nhân đi lại trong lò, giọng ông Phạm Văn Mật, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn chùng xuống. Ông nói, ông đã leo nhiều giếng nghiêng rồi. Ông mới chỉ leo thôi, không phải làm gì đã mệt lắm. Vậy mà anh em thợ lò hàng ngày không chỉ có leo lên leo xuống mà họ phải làm những công việc chính nặng nhọc như khoan, bốc xúc, vận tải, chống chèn. Mới thấy, sự bức thiết phải đầu tư thiết bị chở người trong hầm lò.
Chuyện rằng, mới đây, có nhóm văn nghệ sỹ vào lò Than Thành Công để thâm nhập thực tế sáng tác. Trước khi vào lò, các văn nghệ sỹ được đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn an toàn và có cán bộ an toàn của Xí nghiệp trực tiếp đưa vào lò. Khi lên, leo giếng mệt quá, có ông trong đoàn ngất xỉu, may được cán bộ Xí nghiệp xử lí kịp thời. Lại nhớ, hôm chúng tôi đi giếng nghiêng Tràng Khê, trong dự án xuống sâu do Công ty than Uông Bí làm chủ đầu tư. Giếng nghiêng có độ dốc 23 độ, dài gần cây số. Từ đáy giếng, chúng tôi đi bộ bì bõm gần cây số nữa mới tới gương lò đá nơi công nhân Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2 đang thi công. Khi lên, tời trợ lực người đi bộ không hoạt động. Từ đáy giếng, tôi ngước lên, thấy màn đen hun hút mà nản. Lâu không đi lò, nay leo một đoạn tôi đã mệt, đành bám hông lò thở dốc, chân rung bần bật. Ông Nguyễn Tất Dũng, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2 cùng cô phóng viên đi trước, thấy tôi mất hút đành quay lại. Bám theo tôi một đoạn, ông Dũng lại vượt lên, hộ tống cô phóng viên. Lúc sau lại thấy ông quay xuống hộ tống tôi…Khi lên mặt đất, nhìn chúng tôi mồ hôi nhễ nhại, miệng phì phò, ông Dũng cười nói, đã ăn thua gì! Có nơi, các ông đi bộ 5 cây số trong lò mới tới vị trí làm việc. Ôi trời, chúng tôi chỉ đi, không phải làm gì đã kiệt sức. Thế mới biết, thợ lò vất vả biết nhường nào!
Đấy mới chỉ là sự vất vả khi leo giếng nghiêng – đường lò chính trong hệ thống mở vỉa. Xuống sân ga bến giếng, thợ lò còn phải đi hàng cây số, có nơi phải leo thượng dốc mới tới gương lò.
Tháng trước, tôi theo chân thợ lò vào ca 2, đào lò trong dự án xuống sâu dưới mức âm 75 Mỏ Bình Minh của Công ty than Hòn Gai. Giếng nghiêng ở đây sâu trên 600 mét, có tời hỗ trợ người đi bộ. Bữa ấy tôi bấm giờ, thấy rằng, từ khi thợ lò giao nhận ca, đến khi thợ lò dựng được máy khoan ở gương lò mất gần hai tiếng đồng hồ. Như vậy, thời gian còn lại để sản xuất chỉ còn có 6 tiếng. Vậy mà, hàng ngày, thợ lò từ lúc đi làm đến lúc về nhà, trung bình mất 10 tiếng. Việc chuẩn bị, đi lại vất vả, mất nhiều thời gian như vậy nhưng lâu nay, nhiều đơn vị chưa quan tâm đầu tư thiết bị phục vụ đi lại trong lò.
Phải khẩn trương đầu tư xong thiết bị chở người trong lò
Hiện nay hầu hết các dự án mỏ hầm lò của ta đều khai thông mở vỉa bằng giếng nghiêng. Theo báo cáo của Tập đoàn, việc đi lại qua giếng nghiêng trong thời kỳ XDCB hiện chỉ có Than Nam Mẫu đầu tư monoray; Than Vàng Danh (dự án Cánh Gà) và Than Hòn Gai (dự án Cái Đá, Cao Thắng) đầu tư tời MDK; Than Quang Hanh (Dự án Ngã Hai), Than Thống Nhất (dự án Lộ Trí) và Dự án Đồng Rì của Tổng Công ty Đông Bắc đầu tư tời trục kết hợp xe song loan, còn lại là leo bộ hoặc dùng tời hỗ trợ người đi bộ. Thậm chí, một số dự án đã đi vào khai thác từ lâu, nay vẫn dùng tời hỗ trợ người đi bộ hoặc đi bộ.
Tời hỗ trợ người đi bộ trong lò thực ra chỉ thanh thép một đầu có dây dù néo qua người, đầu kia móc vào dây tời. Khi tời quay, người bám vào thanh sắt, bước theo tốc độ di chuyển của dây tời. Tan ca, với độ dốc của giếng khoảng 23-24 độ, chiều dài thân giếng có nơi ngót cây số, bước theo tốc độ của dây tời cũng nhọc lắm; tời chỉ hỗ trợ chút đỉnh thôi. Mặt khác, loại tời này cũng chỉ hỗ trợ người đi lên, còn lúc xuống phải đi bộ. Xuống giếng đầu gối chùng, bước chệch choạc, cũng rất mất sức.
Nếu đi bộ, chúng ta cứ hình dung như leo cầu thang nhà cao tầng vậy. Độ dốc tương đương nhau. Tuy nhiên, lối đi trong giếng không được khô ráo, sáng sủa, bằng phẳng như cầu thang nhà cao tầng. Nếu chiều dài thân giếng dài 1000 mét thì tương đương chiều dài cầu thang của ngôi nhà 25 tầng. Như vậy, mỗi ca, công nhân phải leo lên tầng 25 ít nhất là một lần, ngoài ra còn phải đi bộ hàng trăm mét, thậm chí hàng cây số nữa mới tới gương lò, nơi làm việc.
Việc đi lại trong lò vất vả, mất nhiều thời gian nên khó tránh khỏi tình trạng công nhân bám nhảy theo goòng. Đó là đoàn goòng chuyên để chở vật liệu, đất đá đi lại qua giếng bằng tời trục trong quá trình đào lò. Thiết bị tời trục và goòng không được phép chở người. Nhưng cuối ca, mệt, nhiều công nhân cứ bám bừa vào goòng. Trước đây, ở Xí nghiệp than C đã có vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng do những công nhân ngồi vào goòng để xuống giếng. Người lái tời hôm đó vận hành sai quy trình, để goòng rơi tự do, đâm vào barie ở đáy giếng. Những người ngồi trong goòng bật ra, trong đó 2 người bị tử nạn.
Cũng do đi lại trong lò khó nhọc, tốn thời gian nên một số ông giám đốc mỏ ngại đi lò. Thậm chí, có ông giám đốc cả tuần mới đi lò một lần; công việc chỉ đạo sản xuất dưới lò phó mặc cho cấp dưới. Nếu vậy, chắc chắn, việc chỉ đạo điều hành của ông giám đốc khó mà sâu sát.
Thiết nghĩ, để đẩy nhanh tiến độ đào lò, bên cạnh thực hiện những biện pháp về công nghệ, về tổ chức sản xuất v.v. còn phải quan tâm đầu tư thiết bị chở người trong hầm lò. Tại cuộc họp tổng kết công tác đầu tư xây dựng mỏ hầm lò năm 2011, lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo: các đơn vị chưa đầu tư thiết bị chở người cho công nhân, thời hạn hết tháng 6 năm nay phải đầu tư xong.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/viec-nen-lam-som-1623.htm” button=”Theo vinacomin”]